Chứng khoán Đà Nẵng dự kiến sẽ thu về hơn 80 tỷ đồng từ đợt phát hành này. Số tiền này sẽ được dùng để bổ sung vốn, đáp ứng yêu cầu về vốn để thực hiện nghiệp vụ tự doanh, đồng thời, bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của công ty.
Thời gian thực hiện được ủy quyền cho HĐQT của công ty. Nếu phát hành thành công số cổ phiếu này, vốn điều lệ của DSC sẽ được nâng lên mức 140 tỷ đồng.
"Món hời" cho cổ đông?
Kể từ khi chính thức chào sàn hồi đầu năm 2018 với mức giá 8.500 đồng/cp, đến nay, cổ phiếu này đã tăng 517,6% lên mức giá 52.500 đồng/cp (phiên giao dịch ngày 29/8).
DSC được xem là hiện tượng của ngành chứng khoán khi doanh thu môi giới trong nửa đầu năm 2018 của công ty này chưa đầy 5 tỷ đồng nhưng thị giá cổ phiếu DSC lại đang cao nhất trong ngành chứng khoán.
Hồi tháng 5/2018, cổ phiếu này đã có lúc giao dịch với mức giá 114.000 đồng/cp. Về thanh khoản, bình quân mỗi phiên có hơn 7.000 cổ phiếu được giao dịch.
Tại ĐHĐCĐ bất thường 2018, công ty đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 140 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý IV/2018.
Theo đó, công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 6:8 (cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền mua và 6 quyền mua được mua 8 cổ phiếu phát hành thêm).
Với lượng cổ phiếu lẻ do làm tròn xuống hay số cổ phiếu do cổ đông hiện hữu từ chối thực hiện quyền mua, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT chào bán cho đối tượng khác đảm bảo sao cho giá bán không thấp hơn giá bán cho cổ đông hiện hữu.
HĐQT công ty dự kiến phát hành 8 triệu cổ phiếu chào bán theo mệnh giá (10.000 đồng/ cp) nhằm bổ sung 80 tỷ đồng vào vốn điều lệ.
Thông thường, việc phát hành thêm cổ phiếu với giá ưu đãi, thấp hơn thị giá khá nhiều thì cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng.
Có nghĩa là khi cổ phiếu phát hành thêm được niêm yết thì một thời gian ngắn sau đó, cổ đông đã có thể bán ra trên thị trường. Ngay cả trường hợp nhà đầu tư khác mua quyền mua của cổ đông hiện hữu cũng không bị hạn chế chuyển nhượng.
Trước mắt, có thể coi đây như một "món hời" đối với các cổ đông, nhưng thực tế cổ phiếu cho dù là phát hành giá bèo thì sau khi hoàn tất sẽ bị pha loãng nên có được hưởng lợi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ vọng sau đó của thị trường dành cho doanh nghiệp.
Trước đó, cũng có nhiều trường hợp các cổ đông hiện hữu đạt mức sinh lời lên đến 100% sau khi phát hành cổ phiếu như CTCP Đường Biên Hòa (mã: BHS), hay 50% như CTCP Du lịch Thành Thành Công (mã: VNG)…
Tuy nhiên, cũng có trường hợp khiến các nhà đầu tư "vỡ mộng" như CTCP Đầu tư Thương mại BĐS An Dương Thảo Điền (mã: HAR), CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (mã: TSC)… khi cổ phiếu rơi dần về dưới mệnh giá sau khi nhận cổ phiếu ưu đãi.
Đâu là thị giá thực?
Trên thị trường, giới đầu tư cho rằng thị giá hiện tại của DSC là không hợp lý, bởi đây chỉ là một công ty chứng khoán nhỏ với mức vốn điều lệ chỉ 60 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt 314,4 tỷ đồng – đây là mức vốn hóa thấp nhất ngành chứng khoán.
Với mức giá 52.500 đồng/cp, DSC đã bỏ xa "ông lớn" trong ngành chứng khoán là CTCK SSI với mức vốn hóa thị trường đạt gần 16.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 5.000 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu mới chỉ đạt quanh mốc 30.000 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh của DSC cũng có nhiều điểm bất thường với cơ cấu doanh thu "không giống ai".
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu môi giới của DSC đạt 4,5 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng doanh thu. DSC nằm trong nhóm những cổ phiếu có thị phần môi giới chứng khoán "tý hon" trên cả hai sàn HoSE và HNX.
Chiếm tới 86% tổng doanh thu của DSC là nghiệp vụ tư vấn đầu tư kinh doanh chứng khoán, đạt 29,4 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ mảng này của SSI hay VCI rất thấp, chỉ khoảng 2-3 tỷ đồng. Thậm chí, những công ty hàng đầu khác như HSC, MBS hay FPTS không có doanh thu tư vấn đầu tư chứng khoán.
Theo một chuyên gia phân tích tài chính, đối với một công ty tài chính, người ta thường định giá theo chỉ số P/B (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách). Một công ty hoạt động tốt thì có thể đạt P/B hơn hai lần như VCB, ACB, VND… nhưng không thể quá 4-5 lần.
Tuy nhiên, nếu tính theo mức đỉnh hồi tháng 5, chỉ số P/B của DSC đạt 10 lần, ngang với cổ phiếu VNM của Vinamilk và cao hơn tất cả các cổ phiếu cơ bản trên thị trường chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2018, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu tại thời điểm 30/6 là 12.123 đồng/ cp thì P/B của DSC đạt 4,3 lần, vẫn là mức cao so với các công ty tài chính lớn khác.
Hơn nữa, cơ cấu cổ đông của DSC cũng khá "cô đặc", khi ba cổ đông lớn nhất là: CTCP Việt Nam Equity nắm 60% cổ phần, CTCP Xây lắp Phát triển nhà Đà Nẵng (mã: NDX) nắm 15,6% cổ phần và CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) nắm 10% cổ phần. Tổng số cổ phần mà ba cổ đông lớn này nắm giữ đã chiếm tới 86% cổ phần của DSC.
Nếu tính cả sở hữu của lãnh đạo công ty cùng các đối tượng liên quan, cổ phiếu "tự do" của DSC chỉ chiếm phần quá nhỏ. Do đó, "chỉ cần họ muốn tăng thì tăng bao nhiêu là do họ", chuyên gia chứng khoán nhận định.
Linh Đan