Theo dự kiến, CTCP Tôn Đông Á (TDA) sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 11 tới, trong đó gồm 12,37 triệu cổ phiếu sơ cấp và 2,98 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương ứng 12% và 3% vốn điều lệ trước chào bán.
Nếu bán thành công 100%, tổng số cổ phiếu lưu hành sẽ tăng từ 102,32 triệu đơn vị lên 114,69 triệu đơn vị. Tôn Đông Á có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong tháng 1/2022.
Kinh doanh ổn định
Hiện, Tôn Đông Á là công ty sản xuất tôn mạ lớn thứ 2 tại Việt Nam với thị phần năm 2020 là 16%, chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Trong 8 tháng đầu năm 2021, công ty bán ra gần 500.000 tấn tôn, tương đương 15% thị phần. Riêng tại miền Nam – thị trường chiếm khoảng 82% - 84% sản lượng tiêu thụ nội địa của Tôn Đông Á, công ty chiếm thị phần cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Tôn Đông Á có 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 (Bình Dương) với công suất hàng năm lên đến 850.000 tấn, chiếm khoảng 10% công suất trong nước. Bên cạnh đó, do các nhà máy dự kiến sẽ tiệm cận công suất tối đa vào cuối năm 2021, Tôn Đông Á dự kiến sẽ tăng công suất tôn mạ thêm 40% lên 1,2 triệu tấn, đồng thời nâng công suất thép cán nguội (CRC) và công suất tôn mạ màu.
Tôn Đông Á quyết định IPO trong bối cảnh cổ phiếu ngành thép đang thăng hoa. |
Xét theo cơ cấu, phần lớn doanh thu của Tôn Đông Á đến từ kênh nội địa với tỷ trọng trung bình 60% tổng sản lượng tiêu thụ và doanh thu, 80% lợi nhuận gộp trong 3 năm qua. Biên lợi nhuận gộp từ kênh nội địa cũng thường cao và ổn định ở mức khoảng 8% -11% trong 5 năm trở lại đây.
Về triển vọng, SSI Research ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tôn Đông Á trong năm 2021 có thể đạt mức cao nhất trong lịch sử, lần lượt là 25.300 tỷ đồng và 1.250 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 105% và 343% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ năm 2021 có thể tăng 17% so với năm ngoái, đạt 783.000 tấn nhờ vào kênh xuất khẩu là động lực chính khi tăng trưởng tới 152%. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ trong nước dự kiến sẽ giảm hơn 44% về còn 257.000 tấn do tác động của dịch Covid-19 và việc tập trung vào sản lượng xuất khẩu.
Biên lợi nhuận gộp năm 2021 ước tính sẽ cải thiện từ 7,4% lên 10,3% nhờ xu hướng tăng của giá thép giúp tận dụng được hàng tồn kho giá rẻ, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2021.
Tầm nhìn đến năm 2022, sản lượng tiêu thụ của công ty sẽ tăng 5% lên mức 822.000 tấn. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước tính phục hồi 60% trong khi sản lượng xuất khẩu có thể giảm 22%; biên lợi nhuận gộp có thể trở về mức bình thường là 9,1% do không còn lợi thế hàng tồn kho giá rẻ và tỷ trọng doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm xuống. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính sẽ ổn định ở mức 1.230 tỷ đồng.
Nhưng vẫn có rủi ro
Từ những tiềm năng kể trên, SSI Research định giá cổ phiếu Tôn Đông Á dựa trên ước tính EPS năm 2022 là 1.683 tỷ đồng, hệ số P/E mục tiêu là 7,5 lần. Theo đó, giá mục tiêu trong 1 năm đối với cổ phiếu của Tôn Đông Á là 80.000 đồng/cp.
Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trên sàn OTC, kể từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021, cổ phiếu Tôn Đông Á được chào bán với giá dao động từ 20.000-28.000 đồng/cp.
Hơn nữa, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành tôn, thép hiện đang hấp dẫn được số lượng lớn các nhà đầu tư khi chỉ trong 3 tháng gần đây (từ tháng 7-9) đã trở thành một trong những nhóm cổ phiếu tăng trưởng tích cực và hỗ trợ thị trường chung.
Không chỉ tăng trưởng mạnh ở hiện tại, các chuyên gia còn đánh giá nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu xây dựng trong đó có tôn, thép vẫn còn dư địa tăng trưởng tốt do được "hưởng lợi" từ việc Chính phủ sẽ đẩy nhanh các gói đầu tư công trong giai đoạn tới.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250.000 tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, thúc đẩy giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể.
Những yếu tố này có thể hỗ trợ cho thành công của kế hoạch IPO và niêm yết của Tôn Đông Á. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị rủi ro đối với giá cổ phiếu của "ông lớn" này đến từ biến động của giá thép tấm cuộn cán nóng (HRC), do đây là yếu tố chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất.
Cụ thể, Tôn Đông Á và các công ty sản xuất thép dẹt trong nước khác thường có thể chuyển một phần giá HRC tăng cho khách hàng, nhưng việc biến động giá mạnh (đặc biệt là giảm giá) sẽ khiến các công ty gặp khó khăn trong việc quản lý hàng tồn kho và bảo đảm biên lợi nhuận.
Theo đó, biên lợi nhuận gộp của Tôn Đông Á tăng từ 4% trong năm 2014 và 11,3% trong năm 2015 lên mức cao nhất lịch sử là 16,3% trong năm 2016. Biên lợi nhuận sau đó giảm xuống 11,9% trong năm 2017, ở mức khoảng 7% trong giai đoạn 2018-2020 một phần do xu hướng điều chỉnh của mặt bằng giá thép.
Bên cạnh đó, "áp lực cạnh tranh gay gắt từ cuối năm 2017, do công suất trong nước được mở rộng đáng kể. Đồng thời, các công ty sản xuất thép xây dựng khác như Hòa Phát và Pomina cũng đã tham gia vào thị trường thép dẹt, làm gia tăng sự cạnh tranh. Ngoài ra, các biện pháp bảo hộ tại thị trường xuất khẩu như thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, hạn ngạch nhập khẩu cũng là một rủi ro đáng chú ý của Tôn Đông Á", ông Nguyễn Minh Đức - chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán DNSE nhận định.
Minh Khuê