Vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nhận hồ sơ niêm yết 78 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam. Trước đó, hồi cuối tháng 7, doanh nghiệp đã tiến hành IPO 28 triệu cổ phần với giá chào bán 20.000 đồng/cp. Phiên IPO diễn ra thành công, BaF Việt Nam thu về 560 tỷ đồng.
BaF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Thương hiệu BAF (Feed - Farm - Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến. BaF Việt Nam được biết đến là một phần trong “hệ sinh thái” của CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) do doanh nhân Trương Sỹ Bá làm Chủ tịch.
Nghi vấn "làm đẹp" báo cáo tài chính
Về kết quả kinh doanh, trong 3 năm đầu mới thành lập, doanh thu bình quân của BaF Việt Nam đạt trên 13.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng. Trong giai đoạn này, doanh thu của công ty không đến từ lĩnh vực chăn nuôi lợn mà từ hoạt động thương mại.
Theo đó, mỗi năm BaF ký hàng trăm hợp đồng mua bán nông sản với nhóm Tân Long Group, T&T Agri với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Các hợp đồng này đều được thu xếp vốn bởi Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB, theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2019)
Tuy nhiên, đến nửa đầu năm 2020 – trước thềm IPO, công ty gây bất ngờ khi ghi nhận mức doanh thu 5.251 tỷ đồng, giảm 20,4% (mảng thương mại vẫn chiếm 94,5%) nhưng lợi nhuận sau thuế lên tới 201 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Sự đột biến này đã khiến nhiều ý kiến cho rằng BaF Việt Nam “xào nấu” Báo cáo tài chính.
Các cổ phiếu sắp lên sàn thường thu hút các nhà đầu tư. |
Bởi lẽ, 2 yếu tố giúp cải thiện lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chính là giá vốn hàng bán và chi phí lãi vay giảm sâu.
Cụ thể, giá vốn hàng bán trong kỳ ghi nhận 4.975 tỷ đồng, giảm 24% giúp lãi gộp đạt 276 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ nhưng BaF không đưa ra giải trình cụ thể.
Trong khi đó, chỉ tiêu phải trả người bán ngắn hạn ở mức rất cao, lên tới 5.798 tỷ đồng, tăng 1.260 tỷ đồng, tương đương 28% so với hồi đầu năm, chiếm tới 83,2% tổng nguồn vốn. Đồng thời, chi phí lãi vay tại doanh nghiệp giảm đến 95% bất chấp nợ vay tăng 38,9% so với cùng kỳ.
Mối quan ngại của các “nhà đầu tư tỉnh táo” càng rõ ràng hơn khi quan sát kỹ hơn Báo cáo tài chính của BaF Việt Nam có thể thấy, phần lớn tài sản đang nằm bên ngoài công ty.
Theo đó, tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp là gần 6.967 tỷ đồng, tăng 1.721 tỷ đồng so với đầu năm. Nhưng đáng nói, khoản mục phải thu ngắn hạn khách hàng lên đến gần 4.500 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm và chiếm tới 64,5% tổng tài sản.
Tân Long Group đứng đầu các khoản phải thu ngắn hạn tại BaF với số tiền lên đến 645 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (567 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Thượng mại XNK Tân Thành Nam (430 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhật Tân (362 tỷ đồng), Công ty TNHH Nông nghiệp T&T (278 tỷ đồng)… Đây đều là các doanh nghiệp được cho là nằm trong “hệ sinh thái” Tân Long Group có quy mô nhân viên dưới 20 người nhưng doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài các khoản phải thu ngắn hạn, BaF Việt Nam cũng đang đối diện với khoảng 5.800 tỷ đồng phải trả trong ngắn hạn. Tất nhiên, vẫn là của những cái tên quen thuộc.
Có nên đầu tư cổ phiếu?
Theo chuyên gia phân tích chứng khoán Đặng Thành Long, các cổ phiếu sắp lên sàn luôn là mối quan tâm chung của tất cả các nhà đầu tư, bởi hầu hết các cổ phiếu mới đều có giá thấp phù hợp với tài chính của nhiều đối tượng nhà đầu tư, cũng như kỳ vọng về tiềm năng về lợi nhuận trong tương lai.
Từ tâm lý này nhiều người đổ xô đi mua các mã cổ phiếu sắp lên sàn để đầu cơ trước. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn mà các nhà đầu tư phải lưu ý. Có thể kể đến việc sắp lên sàn không có nghĩa là chắc chắn lên sàn, bởi việc gửi hồ sơ niêm yết lên HoSE, HNX cần nhiều thời gian để thẩm định, vậy nên tồn tại yếu tố không chắc chắn.
Quan trọng nhất là các nhà đầu tư phải đối mặt với hành vi thao túng báo cáo tài chính. Đây là trường hợp mà các cơ quan chức năng, thành viên tham gia thị trường đều nhận thức được nhưng không thể tránh khỏi.
Không phải chỉ riêng trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà cả trên các thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển như Mỹ, không ít trường hợp có hành vi "xào nấu" các số liệu với mục đích làm đẹp sổ sách, đánh lừa các chuyên gia phân tích chứng khoán, qua mặt các đơn vị kiểm toán, và cuối cùng là chính các nhà đầu tư “ngây ngơ” mua vào những cổ phiếu “tốt về mặt hình thức” để rồi chịu thua lỗ.
Quay trở lại với câu chuyện lên sàn của BaF Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của doanh nghiệp này mới dừng lại ở mức HoSE đã nhận hồ sơ niêm yết. Những nghi vấn về việc làm "mượt" số liệu tài chính dù đã đưa ra dẫn chứng cụ thể nhưng cũng khó để khẳng định.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một nhà đầu tư lâu năm, anh Hoàng Quân (Hà Nội) cho biết: "đón sóng" niêm yết là phương án đầu tư được khá nhiều "dân chứng" lựa chọn bởi hầu hết đều tăng khi chính thức được giao dịch, ít nhất là những phiên đầu tiên. Nhưng đối với những doanh nghiệp mang hơi hướng sinh ra để làm "trạm trú chân" của công ty mẹ thì nên cân nhắc.
"Hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp dạng này thường không tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi mà doanh thu sẽ đến từ hoạt động khác. Đầu tư vào đây là rất rủi ro vì chẳng may có "biến", công ty mẹ sẽ "phủi" tay, lúc đó nhà đầu tư không biết kêu ai", anh Quân nhận xét.
Nhìn chung, theo nhận định của các chuyên gia, không dễ để định giá các cổ phiếu sắp lên sàn, bởi để có được thông tin chính xác cần cả đội ngũ thực hiện chuyên nghiệp, nên thích hợp cho tổ chức/doanh nghiệp hơn là cá nhân.
Minh Khuê