Bối cảnh nội bộ “cơm không lành canh không ngọt” tại Coteccons đã diễn ra trong vài năm gần đây đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với doanh nghiệp.
Giá cổ phiếu lên nhanh, xuống gấp
Trước đó, hòa chung với diễn biến tích cực của thị trường, cổ phiếu CTD đã có đợt tăng giá mạnh từ mức giá 45.000 đồng lên 77.300 đồng/cp (phiên 19/5), tương đương gần 72%.
Tuy nhiên, tại phiên giao dịch ngày 2/6, cổ phiếu CTD đã giảm kịch sàn 7% sau khi cổ đông lớn là Kusto (sở hữu 17,55% cổ phần) gửi thông báo đến các cơ quan chức năng về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cho Coteccons vào ngày 13/7 sắp tới, với ngày đăng ký cuối cùng là 22/6.
Tính đến phiên sáng ngày 3/6, cổ phiếu CTD tiếp tục chạm giá sàn khi giảm thêm 6,7% về mức giá 67.100 đồng/cp, thu hẹp đà tăng trưởng kể từ đầu tháng 4 xuống chỉ còn gần 50%. Đến thời điểm hiện tại, Coteccons đã “bốc hơi” khoảng 10.000 tỷ đồng vốn hóa so với thời kỳ đỉnh cao.
Mục đích Kusto muốn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch HĐQT hiện tại) rời khỏi Coteccons, thay đổi HĐQT hiện tại, bầu HĐQT mới, đồng thời kiểm toán đặc biệt hoạt động kinh doanh của Coteccons từ năm 2017, liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong Coteccons Group.
Mâu thuẫn nội bộ kìm hãm sự phát triển của Coteccons (Ảnh: Internet) |
Theo thông báo, Kusto Group đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của Coteccons trong 8 năm qua. Tuy nhiên, trong các đề xuất của mình, nhà đầu tư cho rằng, các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong Coteccons Group đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của đơn vị khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng.
Một dẫn chứng được Kusto đưa ra là: một số thành viên của HĐQT và Ban giám đốc hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại Công ty Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật.
Ricons vừa là nhà thầu phụ của Coteccons, cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế và thi công, đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons, và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường. Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons và đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.
Trước thông tin này, Coteccons đã có thông cáo báo chí khẳng định những cáo buộc là vô căn cứ gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động kinh doanh của công ty.
Nhập nhằng hệ sinh thái
Thực tế, trong nhiều năm qua, một vài cái tên thường gặp như Unicons, Ricons, FDC (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART… luôn được giới thiệu là “người nhà” với Coteccons, nhưng trên thương trường lại là đối thủ.
Thậm chí, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Coteccons cũng được điều chuyển, giữ chức vụ điều hành tại những công ty này. Đặc biệt, ông Nguyễn Bá Dương dù không sở hữu bất kỳ cổ phần nào nhưng những người thân của ông lại nằm trong danh sách các cổ đông sáng lập của hầu hết các công ty trong hệ sinh thái.
Đơn cử, ông Nguyễn Xuân Đạo (em ruột) đứng tên cổ đông sáng lập của BM Windows, Newtecons, SMART, Dcons. Ông Huỳnh Nhật Minh (em rể) là cổ đông sáng lập của BM Windows, trong khi bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc (vợ) là cổ đông sáng lập của BM Windows và nắm cổ phần lớn trong Ricons…
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo cao cấp lâu năm của Coteccons xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn và giữ vị trí quan trọng tại các công ty nói trên trong hệ thống Coteccons Group. Được biết, Coteccons Group vừa đăng ký kinh doanh vào tháng 8/2019.
Hay như tại công ty con “tai tiếng” Ricons, Coteccons cũng chỉ sở hữu 14,3% cổ phần và không có thêm bất kỳ cổ phần nào khác trong các công ty còn lại (trừ Unicons đã được sáp nhập 100%).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Nguyễn Bá Dương trình phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons nhằm tăng khả năng phòng thủ để thương hiệu mạnh hơn nhưng đã không nhận được sự đồng thuận từ cổ đông Kusto.
Tại Đại hội, đại diện Kusto cho rằng sự sáp nhập này sẽ không bổ sung được lợi ích cho hai công ty. Thực tế, việc sáp nhập Unicons đã khiến lượng sở hữu của các lãnh đạo trong Coteccons tăng đáng kể và nếu kịch bản này tiếp tục lặp lại với Ricons thì gia đình Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và một số cộng sự thân thích sẽ có ưu thế về sở hữu.
Cổ đông Kusto cho rằng, thay vì M&A thì Coteccons nên tập trung vào yếu tố cốt lõi, nền tảng. Lo ngại của cổ đông Kusto không phải là không có cơ sở, bởi trước đó giới đầu tư đã chứng kiến nhiều cuộc đối đầu giữa các nhóm cổ đông nội - ngoại tại các doanh nghiệp.
Nổi bật nhất có thể kể đến trường hợp của Vicostone (mã: VCS) với cú thâu tóm kinh điển của Chủ tịch HĐQT Hồ Xuân Năng. Cụ thể, cách đây 5 năm, mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài (nắm giữ 45%) kéo dài đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2014, 3 cổ đông ngoại bất ngờ thoái vốn đã tạo cơ hội cho Phenikaa mua lại và nắm quyền kiểm soát Vicostone. Ông Năng trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vicostone và cũng chính là người sau đó đã thâu tóm tới 99% cổ phần, trở thành ông chủ của Phenikaa.
Nhìn chung, mối quan hệ giữa các nhóm cổ đông lớn tại Coteccons đang là một vấn đề được các nhà đầu tư bên ngoài quan tâm đặc biệt. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo được sự hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan thì kỳ vọng quay trở về thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu CTD là hoàn toàn không có khả năng.
Vân Linh