Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đã đi được gần một nửa con đường của năm 2019 với những diễn biến không mấy khả quan, thanh khoản liên tiếp sụt giảm, chưa kể phải hứng chịu rủi ro trước các động thái của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Việc suy giảm về thị giá của các nhóm ngành là điều dễ hiểu, nhưng CTD của CTCP Xây dựng Coteccons và HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lại đang giảm nhanh hơn cả.
Giá cổ phiếu tiến về đáy
Đối với HBC, mặc dù vẫn ghi nhận những yếu tố hỗ trợ như hàng chục ngàn tỷ đồng của các hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2018, đồng thời liên tiếp trúng thầu kể từ đầu năm 2019 tới nay nhưng thị giá cổ phiếu này vẫn đang lao dốc tiến về vùng đáy những năm 2016-2017.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, cổ phiếu HBC đang giao dịch tại mức 16.100 đồng/cp, giảm mạnh so với mức giá 29.650 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) hồi đầu năm 2018.
Trước đà giảm của HBC, quỹ ngoại Pyn Elite Fund đã liên tiếp bán ra cổ phiếu kể từ đầu năm 2019, gần đây nhất quỹ này đã bán ra 1 triệu cổ phiếu giảm lượng sở hữu tại Hòa Bình xuống còn 9,14 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,66% và không còn là cổ đông lớn.
Trong khi giai đoạn 2016 – 2017, HBC từng là một trong những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất và mang lại hiệu quả tốt nhất cho Pyn Elite Fund thì đến năm 2018, HBC nằm trong top những khoản đầu tư kém hiệu quả nhất của Pyn Elite Fund.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Hòa Bình, nhiều cổ đông đã tỏ ra khá bức xúc với lời hứa “cổ phiếu sẽ hồi phục” của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải, bởi từ đó đến nay HBC vẫn giữ nguyên đà lao dốc.
Thậm chí, có một cổ đông đã đưa ra đánh giá, để kỳ vọng giá HBC có thể lên được 20.000 đồng/cp là khó có thể xảy ra, nếu diễn biến giảm như hiện nay được duy trì cổ phiếu HBC có thể tiệm cận đáy của năm 2017 (dưới 15.000 đồng/cp).
Không ngoại lệ, cổ phiếu CTD sau nhiều năm tăng trưởng nóng đã lao dốc mạnh kể từ đầu năm 2019 khi chính thức thủng đáy 2018 (118.115 đồng/cp) vào phiên 9/5/2019 với mức giá 117.000 đồng/cp và duy trì diễn biến tiêu cực đến thời điểm hiện tại.
Tính tới phiên giao dịch ngày 12/6, thị giá CTD đang ghi nhận mức 106.100 đồng/cp chính thức chạm đáy 3 năm, đánh mất khoảng 50% giá trị so với mức đỉnh hồi cuối năm 2017 bất chấp việc Coteccons đã chi gần 433 tỷ đồng để mua lại 2,7 triệu cổ phiếu quỹ nhằm “cứu” giá cổ phiếu.
Lý giải về diễn biến rơi tự do của CTD, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh tác động của toàn ngành, câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” xoay quanh việc sáp nhập Ricons nhiều năm liền vẫn bỏ ngỏ cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư e dè.
Không chỉ cổ phiếu về đáy, biên lợi nhuận hai ông trùm xây dựng trên cũng về đáy bất chấp việc liên tiếp trúng thầu. Tính đến quý I/2019, biên lợi nhuận của Coteccons chỉ đạt 5%, nhỉnh hơn một chút so với Hòa Bình chỉ đạt 3%.
Giá cổ phiếu CTD và HBC đang tìm đáy mới |
Cơ hội tại thị trường ngoại?
Tình hình kinh doanh bất lợi khiến cả Hòa Bình và Coteccons đều rất thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Trong khi Hòa Bình đặt mức kế hoạch thấp nhất trong 3 năm trở lại đây với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 1,6% và 16% thì Coteccons cũng ghi nhận 2 năm liên tiếp đặt mục tiêu lợi nhuận sụt giảm so với kết quả thực hiện của năm trước.
Để cải thiện niềm tin của cổ đông và cải thiện giá cổ phiếu, Hòa Bình đã ký hợp tác chiến lược với công ty Hyundai Elevator. Theo đó, Huyndai Elevator sẽ tham gia vốn vào Hoà Bình với số lượng 25 triệu cổ phiếu, có giá trị 575 tỷ đồng (tương đương 23.000 đồng/cp).
Đặc biệt, việc hợp tác với Hyundai Elerator sẽ là bệ phóng cho Hòa Bình đạt 5% giá trị trúng thầu tại nước ngoài trong năm 2019 trước dự báo trong 15 năm tới sẽ không còn “room” trong nước cho Hòa Bình.
Tuy nhiên, dòng vốn thực tế của Hòa Bình lại bị “ứ đọng” ở khoản mục phải thu, đẩy dòng tiền rơi vào tình trạng liên tục âm nhiều năm qua. Hơn nữa, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là tiền vay dẫn đến doanh thu tài chính tăng vọt, “ăn mòn” lợi nhuận.
Về phần Coteccons, “ông lớn” này tin tưởng vào việc sáp nhập với Ricons sẽ giúp công ty chuẩn bị vững vàng cho các dự án lớn để vươn ra thị trường ngoại, tăng khả năng hấp thụ cũng như thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Thương vụ này sẽ giúp Coteccons thâm nhập phân khúc trung cấp với những dự án vừa và nhỏ, có giá trị dưới 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi giữa các nhóm cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa qua, HĐQT đã quyết định loại bỏ tờ trình sáp nhập Ricons ra khỏi đại hội. Lợi thế của Coteccons lúc này chỉ là vẫn giữ được các chỉ số tài chính ổn định, không phụ thuộc vào nợ vay và được lòng cổ đông với mức chi trả cổ tức cao đều đặn hàng năm.
Có thể kể đến năm 2019 dù đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi nhưng mức chi trả cổ tức cho cổ đông của Coteccons vẫn dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 30%.
Linh Đan