Kết thúc quý I/2021, chỉ số Vn-Index ghi nhận mức tăng 7,9% so với đầu năm nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế vĩ mô cũng như sức mạnh bền bỉ của dòng tiền nội. Chưa dừng lại ở đó, chỉ số này còn vượt đỉnh lịch sử ngay trong phiên đầu tiên của tháng 4 - đạt 1.216,10 điểm, và tiến lên đỉnh mới 1.268,28 điểm vào ngày 20/4, tăng 15% so với đầu năm.
Thanh khoản thị trường cũng thể hiện được sức mạnh mới khi giá trị giao dịch trung bình phiên trong quý I đạt 15.684,69 tỷ đồng/phiên - cao nhất trong lịch sử. Thậm chí, trong các phiên tháng 4, giá trị giao dịch tiếp tục bứt tốc với nhiều phiên trên 20.000 tỷ đồng xuất hiện.
Dòng tiền mải theo “trend”
Thực tế, bức tranh giao dịch chung của thị trường tích cực với điểm số và thanh khoản cùng đem lại tỷ suất sinh lợi hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư, nhưng lại đang khá phân hóa khi gần như chỉ tập trung vào cổ phiếu của các nhóm ngành “hot”.
Có thể kể đến như Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) chỉ là một công ty niêm yết trung bình với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và thanh khoản cổ phiếu thấp trong năm ngoái, năm kia.
Nhiều cổ phiếu tốt đang bị các nhà đầu tư lãng quên. |
Tại thời điểm chốt danh sách tham gia đại hội cổ đông thường niên năm 2021, VDSC mới có khoảng 900 cổ đông, nhưng chỉ trong 2 tuần Vn-Index biến động mạnh trước thềm đại hội, số lượng cổ đông đã tăng gấp 3 lần lên 2.670 (theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán).
Những biến động này diễn ra trong bối cảnh nhóm các doanh nghiệp chứng khoán niêm yết đang được nhận định sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường chứng khoán thăng hoa. Điều này cũng được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2021 khi hầu hết các đơn vị đều báo lãi đậm.
Hay như trường hợp của Sacombank (mã: STB), lượng cổ đông cũng tăng vọt từ mức 86.000 lên đến 95.000 chỉ sau vài tháng. Sự “bành trướng” số lượng cổ đông ngân hàng này có lẽ chưa dừng lại khi thiết lập kỷ lục khớp lệnh 100 triệu cổ phiếu hồi cuối tháng 3 vừa qua, thị giá cổ phiếu cũng thuận chiều tăng mạnh.
Không chỉ STB, theo ghi nhận của VnBusiness, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng như VIB, VPB, SHB… cũng liên tục dậy sóng. Thậm chí, một số ngân hàng vừa lên sàn, cổ phiếu đã tăng trần nhiều phiên liên tiếp hoặc biến động mạnh khi có thông tin về nhân sự, hoạt động kinh doanh như SSB (SeABank), KLB (Kienlongbank).
Không chỉ các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, hay một vài cổ phiếu trong nhóm trụ nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền, mà ngay cả những cổ phiếu lâu nay vẫn được mệnh danh là “hàng rác” trên thị trường chứng khoán cũng nổi bật nhờ những câu chuyện riêng.
Đơn cử như cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC tăng một mạch từ vùng giá 5.000 đồng/cp hồi đầu năm lên 13.850 đồng/cp vào phiên 16/4, tương đương mức tăng 177%. Hiện, FLC đã có sự điều chỉnh về mức hơn 11.000 đồng nhưng so với đầu năm vẫn tăng gấp hơn 2 lần.
Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng vọt khi xuất hiện nhiều hơn những phiên giao dịch có khối lượng khớp lệnh hơn 50 triệu cổ phiếu.
Vì không có câu chuyện riêng?
Sở dĩ nói dòng tiền “mải mê” chạy theo “trend” là bởi trong suốt một thời gian dài vừa qua, những nhận định tích cực về nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán… liên tiếp được đưa ra khiến kỳ vọng của các nhà đầu tư vốn đã lớn lại càng lớn hơn vào những mã này.
Hay như đối với các cổ phiếu đầu cơ thị giá “bèo” 3.000-4.000 đồng/cp cùng với hoạt động kinh doanh thua lỗ, không có lãi nhưng lại kích thích tâm lý “đánh quả” của các nhà đầu tư bằng những câu chuyện riêng, lời đồn đoán.
Trong khi đó, việc quản trị danh mục, nắm giữ cổ phiếu ít rủi ro cũng sẽ khiến việc đầu tư dường như dễ dàng hơn so với việc mua đuổi các cổ phiếu giá cao hoặc mua dàn trải nhiều cổ phiếu và có sử dụng đòn bẩy tài chính.
Hiện, trên sàn vẫn còn tương đối nhiều những nhóm cổ phiếu “ẩn mình” là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động ổn định và chia cổ tức đều đặn cho cổ đông, đang đợi sự khám phá của dòng tiền.
Điển hình như, thị giá cổ phiếu CCI của CTCP Đầu tư phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi trong khoảng 3 năm trở lại đây luôn đi ngang với khối lượng khớp lệnh thấp. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại ổn định với lợi nhuận sau thuế trên dưới 29 tỷ đồng mỗi năm và trả cổ tức tiền mặt đều đặn từ 12-14%, công ty hoàn toàn không có nợ vay.
Tương tự, nhóm các công ty xây dựng của Vinaconex (mã: VCG), Licogi, Lắp máy Lilama (mã: L35), nhóm các doanh nghiệp dịch vụ vận tải Petrolimex như PTS Hải Phòng (mã: PTS)... đều có lịch sử trả cổ tức tiền mặt cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm ngân hàng, nhưng cổ phiếu trên sàn lại gần như đứng bên lề sự thăng hoa của thị trường trong thời gian qua.
Các công ty khai thác than trực thuộc Vinacomin đang niêm yết trên HNX như Than Đèo Nai (mã: TDN), Than Hà Tu (mã: THT), Than Vàng Danh (mã: TVD), Than Hà Lầm (mã:THL), Than Cọc Sáu (mã: TC6)... cũng được đánh giá có tình hình kinh doanh khá lành mạnh, mặc dù giá than sụt giảm năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp này năm nào cũng chia cổ tức tiền mặt đều đặn 8-10%/năm, giá trị sổ sách của các cổ phiếu than cũng ở mức cao, có cổ phiếu đạt 14.500 đồng như THT. Tuy nhiên, thị giá những cổ phiếu TDN, THT, TVD... chỉ quanh quẩn 8.000 đồng/cp với lợi tức (EPS) khoảng 1.500 đồng/cp.
Minh Khuê