Báo cáo của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, dịch Covid-19 đã đẩy nhanh làn sóng chuyển đổi số và đầu tư công nghệ tại nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các công ty công nghệ tiên phong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm chuyển đổi số.
Theo đó, năm 2021, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ xu hướng này, cùng với đó là sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ. Xu hướng chuyển đổi số có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi khách hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc số hóa sau dịch Covid-19 như giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất…
Động lực mới
Thực tế, xu hướng chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp ngành công nghệ, viễn thông như CTCP FPT (mã: FPT), CTCP Tập đoàn công nghệ CMC (mã: CMG), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và các doanh nghiệp "họ" Viettel… có một năm 2020 kinh doanh đầy khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận vượt trội mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác phải ao ước.
Từ thực tế này, cùng với những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh, giới phân tích đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin và ngành viễn thông trong năm 2021.
Cổ phiếu ngành công nghệ thông tin được đánh giá là khả quan trong năm 2021. |
Ngoài ra, các gói thầu về công nghệ dự kiến được đẩy mạnh trong năm 2021, đặc biệt là gói thầu từ đầu tư công, gói thầu thường niên về công nghệ. Theo đó, gói công nghệ thông tin cho 11 tuyến đường có giá trị tổng cộng 4.000 tỷ đồng, tập trung vào các dịch vụ như giao thông thông minh, giám sát điều hành, thu phí tự động. Đặc biệt, các gói thầu thường niên về công nghệ sẽ được triển khai trở lại trong năm 2021 sau khi bị gián đoạn trong năm 2020.
Đáng chú ý, kinh tế số, chuyển đổi số là 1/5 lĩnh vực trọng tâm của đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025. Quy mô vốn đầu tư công giai đoạn này dự kiến lên tới 2,7 triệu tỷ đồng (hơn 115,4 tỷ USD), tương đương 23 tỷ USD/năm.
Đối với ngành viễn thông, thuê bao băng rộng cố định và mạng 5G sẽ là 2 yếu tố tác động mạnh tới tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính tỷ lệ thâm nhập băng thông rộng cố định của các hộ gia đình ở Việt Nam là 55% năm 2019 và 62% năm 2020, cao nhất trong các quốc gia ASEAN.
Đáng chú ý, ngay cả các khu vực đô thị hàng đầu và các trung tâm kinh tế vẫn chiếm hơn 1/4 số hộ gia đình chưa kết nối của Việt Nam.
Nhu cầu giải trí tại nhà ngày càng tăng và việc sử dụng máy tính sẽ tiếp tục thúc đẩy sự thâm nhập của băng thông rộng; do đó, VCSC dự báo thuê bao băng thông rộng sẽ tăng với tỷ lệ 10-12% mỗi năm trước khi bão hòa sau năm 2025.
Hiện, các nhà mạng đang tích cực mở rộng mạng 4G và triển khai mạng 5G, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cũng như đáp ứng nhu cầu đang tăng lên từ các hoạt động thương mại điện tử/thanh toán trực tuyến và sự ra đời của hàng loạt các ứng dụng trực tuyến.
Cổ phiếu nào hưởng lợi?
Theo số liệu tổng hợp, trong năm 2020 vừa qua, chỉ số giá cổ phiếu của ngành công nghệ thông tin ghi nhận tăng 20%, cao hơn mức tăng chung của Vn-Index (14,9%) nhờ lợi suất tăng trưởng tốt.
Trong khi đó, như đã phân tích ở trên, xu hướng chuyển đổi số được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là nhóm phần mềm và thiết bị viễn thông, và qua đó giúp cải thiện định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nhóm này.
Hiện nay, FPT đang dẫn dắt mảng chuyển đổi số trong nước và những đóng góp từ lĩnh vực kinh doanh này đang giúp cho doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Cụ thể, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ viễn thông mang lại nguồn thu chính cho FPT khi chiếm tới 77% tổng doanh thu trong năm 2020. Giá trị đơn hàng ký mới trong 6 tháng cuối năm 2020 tăng 42% so với cùng kỳ cho thấy triển vọng lợi nhuận tốt trong năm 2021.
Không chỉ mạnh về chuyển đổi số, FPT cũng là doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ khách hàng vượt trội trong mảng băng thông rộng và đang nhanh chóng mở rộng trong các phân khúc truyền hình trả tiền, trung tâm dữ liệu và nhà thông minh.
Năm 2021, FPT đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 18% so với năm trước. Và với mức giá hiện tại, P/E forward của cổ phiếu FPT là 16x đang thấp hơn so với mức định giá. Báo cáo của VCSC cũng đưa ra khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu FPT.
Cũng được đánh giá cao, cổ phiếu CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Contruction) lại có lợi thế khi mang lại cơ hội đầu tư gián tiếp vào mảng băng thông rộng cố định của Viettel thông qua các mảng kinh doanh vận hành viễn thông và tích hợp hệ thống. Đặc biệt, mảng tích hợp hệ thống sẽ hỗ trợ Tập đoàn Viettel xâm nhập vào phân khúc nhà thông minh.
Một mã cổ phiếu khác cũng được giới phân tích đánh giá cao là ELC của CTCP Đầu tư Phát triển công nghệ Điện tử viễn thông (Elcom). Theo đó, giao thông thông minh (thu phí không dừng và lắp đặt camera giám sát) sẽ là động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn 2021-2025 của doanh nghiệp này.
Báo cáo của Fiin Group cho biết, dù tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2020 được đánh giá “tăng tốc” với biên lợi nhuận cải thiện so với năm 2019 (4,5% so với 3,5%) nhưng với mức giá quanh vùng 12.000 đồng/cp, ELC đang có mức định giá thấp hơn tương đương với mức trung bình 3 năm và dưới giá trị sổ sách (16.650 đồng/cp).
Fiin Group cho rằng, với triển vọng lợi nhuận khả quan nhờ xu hướng chuyển đổi số, cổ phiếu ELC có cơ hội quay trở lại vùng định giá năm 2017 là 20.000 đồng/cp.
Minh Khuê