Chuyên gia cho rằng, động thái “xả hàng” hoặc mua vào cổ phiếu của các cổ đông lớn, lãnh đạo ngân hàng ít nhiều cũng tác động đến giá trị cổ phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên có biện pháp phòng vệ bằng cách hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ.
Nhộn nhịp giao dịch cổ phiếu
Đầu tháng 12, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và 6 cá nhân, tổ chức có liên quan đã chi 1.348 tỷ đồng để mua vào gần 108 triệu cổ phiếu SHB. Đây là lượng cổ phiếu SHB phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:28 (sở hữu 100 cổ phiếu nhận quyền mua 28 cổ phiếu mới với giá ưu đãi 12.500 đồng/đơn vị).
Người nhà và các "sếp" TPBank nhộn nhịp mua bán cổ phiếu trong thời điểm cuối năm. |
Sau khi mua thêm hơn 14,8 triệu cổ phiếu phát hành với, tương đương giá trị giao dịch trên 185 tỷ đồng, ông Hiển nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 67,8 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 2,75% vốn ngân hàng.
Ngoài bầu Hiển, những người thân trong gia đình vị chủ tịch ngân hàng này cũng chi hàng trăm tỷ đồng để gom thêm cổ phiếu SHB giá rẻ đợt này.
Trong đó, 2 người con trai của ông là Đỗ Vinh Quang và Đỗ Quang Vinh - Phó tổng giám đốc SHB - cũng đã chi lần lượt 200 tỷ và 1,75 tỷ đồng để mua vào gần 16 triệu và 140.000 cổ phiếu SHB. Cùng với đó, hai chị gái Chủ tịch SHB là bà Đỗ Thị Thu Hà và Đỗ Thị Minh Nguyệt cũng đã chi ra tổng cộng gần 187 tỷ đồng để mua thêm gần 15 triệu cổ phiếu SHB phát hành thêm.
Vào cuối tháng 11, Chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn cũng đã mua xong 10 triệu cổ phiếu MSB, tăng lượng sở hữu lên gần 12,3 triệu đơn vị, tương đương 0,85% vốn điều lệ ngân hàng. Ước tính, ông Tuấn đã phải chi ra khoảng 200-250 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch nói trên.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo và người thân một số ngân hàng lại có động thái “thoát hàng” như tại SeABank, ông Nguyễn Tuấn Cường - Phó Tổng Giám đốc SeABank đăng ký thoái 33.000 triệu cổ phần SSB. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh trong thời gian 17/12/2021 - 5/1/2022.
Nhà đầu tư nên chú ý gì?
Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Linh cho rằng việc lãnh đạo và người thân bán ra với số lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp mình là câu chuyện không mới trên sàn chứng khoán, nhưng vẫn là yếu tố đáng lưu ý và cần xem xét trên nhiều khía cạnh.
Ông phân tích, động thái bán ra của các lãnh đạo ngân hàng hoặc cổ đông lớn cũng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhìn một cách đơn giản, khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cùng người thân vung tiền mua vào lượng lớn cổ phiếu. Lúc giá cổ phiếu được đẩy tăng cao, họ lại đồng loạt bán ra, thu về hàng trăm tỷ đồng.
Yếu tố thứ hai cũng có thể là phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và mục tiêu của mỗi cổ đông như tranh thủ cơ hội giá đang ở vùng mới để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại nhà băng đó. Chính vì vậy, thị trường đã chứng kiến có thời điểm lãnh đạo nhà băng đăng ký bán cổ phiếu, nhưng đồng thời cũng có những cổ đông lớn lại đăng ký mua vào.
Ví dụ, mới đây, bà Đỗ Quỳnh Anh - con gái của ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TPB trong thời gian 17/12/2021 - 15/1/2022. Nếu thành công, con gái của Phó Chủ tịch TPBank sẽ nâng sở hữu lên gần 36 triệu cổ phiếu TPB, tương đương tỷ lệ 3,07% vốn điều lệ ngân hàng. Trước đó, bà Quỳnh Anh cũng đã chi hàng chục tỷ để mua 1 triệu cổ phiếu TPB trong ngày 17/11.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, ông Phạm Đông Anh, Phó Tổng giám đốc - Giám đốc khối Vận hành TPBank cũng đăng ký bán 45.000 cổ phiếu TPB nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 13/12/2021 đến 11/1/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trước đó, ngày 8/12, ông Lê Hồng Nam, Phó Tổng Giám đốc TPBank đã bán xong 45.000 cổ phiếu TPB theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch ông Nam đã giảm sở hữu tại TPBank xuống còn 180.000 cổ phiếu TPB.
Chuyên gia này khuyến cáo, khi các cổ đông lớn “xả hàng” ít nhiều cũng tác động đến giá trị cổ phiếu. Tuy nhiên, để nhà đầu tư quyết định nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hay "thoát hàng" phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của nhà băng đó, ban lãnh đạo có làm cho nhà đầu tư cảm thấy yên tâm để đầu tư lâu dài hay không”, ông Linh nói.
Nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp khác cũng cho rằng động thái bán cổ phiếu nêu trên có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đồng thời cho thấy có thể thị giá một số cổ phiếu đang cao hơn giá trị nội tại. Do đó nhà đầu tư cũng nên thận trọng với các cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp bán ra, cũng như các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó để hạn chế rủi ro, nhất là trong trường hợp thị trường điều chỉnh.
Nhận định về tương lai cổ phiếu ngành ngân hàng, ông Linh cho rằng, ngành ngân hàng vẫn đang trong chu kỳ sinh lợi cao, và các ngân hàng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định và ROE cao ở mức 18-25% trong năm 2022.
Do đó, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng dự báo sẽ hồi phục từ quý I/2022 khi thị trường dần nhận ra rằng các ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khả năng sinh lời mạnh mẽ; rủi ro nợ xấu không nghiêm trọng như những nhận định trước đó nhờ các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng và khi nền kinh tế phục hồi, hầu hết các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ đủ tiêu chuẩn.
Hoàng Hà