Thống kê giao dịch tuần qua (15-19/11) cho thấy, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều diễn biến tích cực khi thị giá đi lên cùng với khối lượng giao dịch tăng mạnh. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng thì có 16 mã tăng giá với mức tăng từ 0,3-35%.
Biến động giá cổ phiếu 27 ngân hàng niêm yết tuần từ 15-19/11. |
Đồng loạt “thăng hoa”
Nổi bật nhất là cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank), trong vòng 1 tuần tăng 5 phiên liên tiếp lên mức 37.700 đồng/cp (+35%). Như vậy, tính từ đầu tháng 11 tới nay, giá cổ phiếu PGB đã tăng hơn 36% - mức tăng cao nhất toàn ngành ngân hàng.
Trước đó, trong báo cáo 9 tháng đầu năm, mặc dù lợi nhuận của PG Bank đạt 272 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, song tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay lại tăng từ 2,44% lên 2,76%.
Tuy nhiên, trước việc Petrolimex đang đẩy mạnh hoàn tất thoái vốn khỏi PG Bank theo lộ trình và những thông tin “đồn đoán” về người đứng đầu mới ở PG Bank đã giúp cho dòng tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu PGB, đưa cổ phiếu này liên tục “thăng hoa”.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch 17/11, cổ phiếu PGB đã tăng kịch trần lên 32.400 đồng/cp, vượt mốc đỉnh lịch sử cũ hồi đầu tháng 6. Đồng thời, thanh khoản cũng tăng đột biến với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,77 triệu đơn vị (cao nhất trong gần nửa năm trở lại đây), tương đương với giá trị giao dịch là hơn 55,6 tỷ đồng.
Màn “lột xác” tương tự có thể kể đến cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) khi chốt phiên giao dịch ngày 19/11 ở mức 36.650 đồng/cp (+0,4%) với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,79 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch hơn 65 tỷ đồng.
1,2 tỷ cổ phiếu SSB chính thức niêm yết trên HoSE ngày 24/3/2021 với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp, trong khi trước đó trên sàn OTC, cổ phiếu SSB thường giao dịch khoảng 8.000 - 9.000 đồng/cp, sau đó tăng dần lên 12.000 – 13.500 đồng/cp, nhưng khối lượng giao dịch rất “buồn tẻ”. Như vậy, so với mức giá chào sàn và hiện tại, cổ phiếu SSB đã tăng hơn 100% sau gần 8 tháng niêm yết.
Hay như cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cũng tăng kịch trần 7% trong phiên ngày 19/11, lên 30.200 đồng/cp và đây cũng là mức cao kỷ lục của cổ phiếu này (đã tính giá điều chỉnh sau chia cổ tức). Cùng với đó, thanh khoản của HDB cũng bùng nổ với khối lượng hơn 20 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch hơn 620 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số mã ngân hàng cũng có mức tăng trưởng từ 8-11% trong tuần qua như: VBB (+11,2%), SGB (+10,1%), BVB (+8,7%), NAB (+ 7,9%).
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu có thanh khoản lớn và vốn hóa cao, có tác động mạnh đến xu hướng thị trường cũng đồng loạt tăng mạnh mẽ như TCB, MBB, CTG, STB, VPB. Trong đó, CTG là cổ phiếu được khối ngoại “săn đón” với lượng mua ròng trên 1,3 triệu đơn vị.
Dư địa tăng trưởng tốt
Hiện tại, các ngân hàng đang giao dịch ở mức trung bình 1,8x P/B dự phóng 2021 và 1,5x P/B dự phóng 2022. Như vậy, so với mức ROE (chỉ số đo lường khả năng sinh lời của một khoản đầu tư trên mỗi đồng vốn bỏ ra) mà các ngân hàng tạo ra (trung bình là 18,5%) thì đây là mức định giá thấp. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đang giao dịch ở mức định giá trung bình 5 năm, trong khi ROE đã cải thiện đáng kể so với mức ROE cao nhất trong 5 năm qua.
Thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa để tăng trưởng tốt. (Ảnh: Int) |
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), với mức ROE cao trên 18% thì ngành ngân hàng vẫn được đánh giá là đang trong chu kỳ sinh lợi cao. Đồng thời, những lo ngại về rủi ro nợ xấu sẽ hạ nhiệt từ cuối quý I/2022 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sẽ thúc đẩy “tâm lý” thị trường đối với cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, những kế hoạch bán vốn cổ phần và tăng vốn cũng sẽ là động lực giúp cổ phiếu ngân hàng được đánh giá lại trong thời gian tới.
Vì vậy, MBKE kỳ vọng các ngân hàng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định và ROE cao ở mức 18-25% trong năm 2022. Trong đó, các ngân hàng có khả năng mở rộng và bảo toàn NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) trước nguy cơ lạm phát, cũng như có dư địa để giảm trích lập dự phòng (nhờ dự phòng rủi ro cho vay cao) sẽ là các mã cổ phiếu vượt trội hơn.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có mức giảm tương đối lớn khiến P/B sụt giảm về vùng giá hấp dẫn. Bên cạnh đó, trước thông tin Chính phủ sẽ sớm đưa gói kích cầu, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng tăng trở lại, đồng thời tăng trưởng tín dụng được mở rộng về cuối năm khiến dòng cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi.
“Thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa để tăng trưởng tốt, cùng với đó là khả năng hấp thụ lớn từ thị trường. Kỳ vọng sóng cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ quay trở lại vào quý IV”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét.
Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) cho rằng, từ quý IV/2021, các doanh nghiệp bắt đầu trở lại hoạt động kinh doanh thì nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp sẽ gia tăng trở lại, kéo theo áp lực huy động vốn cho ngành ngân hàng. Theo đó, khả năng các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn nhằm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác làm tăng chi phí huy động vốn, lợi nhuận của ngân hàng sẽ có sự ảnh hưởng.
“Với đợt tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm phản ánh phần lớn triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2021. Ở thời điểm hiện tại, tôi duy trì quan điểm trung lập với nhóm cổ phiếu ngân hàng", ông Hinh nói.
Tương tự, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phòng phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS lưu ý, mặc dù nhóm ngân hàng vẫn “gọi mời” được dòng tiền. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu có thị giá đã tăng mạnh hơn mức định giá thực nên khả năng nhóm ngân hàng không còn hấp dẫn được như trước bởi những triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá. Do đó, các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trong giai đoạn hiện tại khi lựa chọn nhóm ngân hàng.
Hải Giang