Sự việc lùm xùm kéo dài nhiều năm giữa Kusto và Coteccons căng thẳng trở lại khiến giới đầu tư nhớ lại những vụ việc trước đó tại Eximbank hay Công ty Ba Huân... Đa phần những vụ lùm xùm này đều liên quan đến câu chuyện tranh chấp quyền lực tại doanh nghiệp giữa các cổ đông nội bộ.
Doanh nghiệp nói "bị thâu tóm"
Sau khi Kusto muốn yêu cầu tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường thì đến lượt một cổ đông tổ chức khác là The 8th Pte yêu cầu bổ sung nội dung bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Coteccons trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Bất ngờ hơn nữa, PXP Vietnam Emerging Equity Fund (PXP VEEF) - sở hữu 1,16% vốn tại Coteccons, đã lên tiếng ủng hộ hành động của Kusto và The8th.
Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo Coteccons cũng có những đáp trả cứng rắn trên truyền thông khi cho rằng những cáo buộc của Kusto là vô căn cứ và đặt ra nghi vấn nhóm này đang cấu kết với các cổ đông ngoại khác để tìm cách bãi nhiệm những người sáng lập Coteccons nhằm hoàn tất quá trình thâu tóm.
![]() |
Trong khi ban lãnh đạo Coteccons cho rằng các cổ đông lớn đang cấu kết thâu tóm thì ban kiểm soát đã lên tiếng tố những sai phạm của các nhà điều hành (Ảnh: Internet) |
Thậm chí, ban điều hành Coteccons còn tuyên bố "Kusto đã và đang đi ngược những cam kết ban đầu trong việc phát triển Coteccons,… nhiều lần phủ quyết những nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua trước đó, như chính sách ESOP cho CBNV năm 2017, 2019 cũng như kế hoạch sáp nhập công ty Ricons".
Ở một vụ việc khác tương tự, Eximbank vừa thông báo về việc sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào chiều ngày 30/6 sau khi tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào sáng cùng ngày. Đây là phiên họp được triệu tập theo yêu cầu của cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank.
Mục đích SMBC kiến nghị HĐQT Eximbank triệu tập phiên họp bất thường là để thực hiện việc miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh khỏi vị trí thành viên HĐQT và yêu cầu cắt giảm quy mô nhân sự HĐQT hiện tại.
Theo SMBC, HĐQT Eximbank hiện có 10 thành viên, cơ cấu này trên thực tế đã cho thấy liên tục có mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên và HĐQT đã không thể hợp tác tốt với nhau vì hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Trong năm 2019 trước đó, Eximbank cũng đã 2 lần tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên bất thành do không có sự đồng thuận giữa các cổ đông khiến “ghế nóng” chủ tịch HĐQT liên tiếp đổi chủ.
Đặc biệt, hồi năm 2018, lãnh đạo CTCP Ba Huân đã gửi đơn lên Chính phủ "kêu cứu", mong muốn chấm dứt hợp tác với VinaCapital sau khi đã bán cổ phần, vì cho rằng quỹ này muốn chiếm quyền kiểm soát. Hai bên liên tục có những động thái “tố” nhau liên quan đến vấn đề “thâu tóm, kiểm soát”.
Cổ đông khẳng định "thực hiện quyền"
Thực tế, tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp có thể dẫn tới sự gián đoạn, đình trệ hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh, tác động tiêu cực đến tâm lý của nhân viên và đối tác kinh doanh.
Doanh nghiệp có tranh chấp nội bộ có thể phải đối mặt rủi ro bị suy giảm hình ảnh, thương hiệu và uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, khi đã đại chúng hóa thì các doanh nghiệp cần chấp nhận "cuộc chơi" kể cả có đào thải.
Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán chia sẻ quan điểm cá nhân cho rằng về bản chất các công ty đại chúng là thuộc sở hữu của cổ đông. Do đó, không có chuyện cổ đông đi “thâu tóm” tài sản của chính mình.
Cũng theo vị này, khi đầu tư vào doanh nghiệp, các cổ đông phải đặt ra nhiều điều kiện nhằm giảm thiểu rủi ro khi chủ doanh nghiệp cố tình làm sai các cam kết ban đầu, thể hiện tính chuyên nghiệp, đòi hỏi chính đáng về sự minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ví dụ tại trường hợp của Coteccons, trước những cáo buộc thâu tóm của ban lãnh đạo, phía các cổ đông lớn cho rằng hành động của họ chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông và khẳng định không thâu tóm doanh nghiệp.
"Khi đầu tư vào Coteccons năm 2012, chúng tôi đã thống nhất với phía lãnh đạo Coteccons sẽ hoàn thành việc sáp nhập các công ty con trong vòng một năm, nhưng chỉ có Unicons sáp nhập thành công. Sau 8 năm đầu tư, chúng tôi nhận thấy có sự chuyển dịch nhân sự, chuyển dịch doanh thu và lợi nhuận qua Ricons. Và khi Ricons đã tăng mạnh về quy mô thì họ lại đòi sáp nhập, điều này không có lợi cho các cổ đông không sở hữu cổ phần...", ông Bolat Duisenov, đại diện Kusto Việt Nam nói.
Theo luật sư Trần Minh Hải - Công ty Luật Basico, việc sử dụng quyền phủ quyết là hoàn toàn đúng luật bởi pháp luật trao cho họ - những cổ đông của công ty quyền này nhằm xử lý đấu tranh trong tranh chấp nội bộ và nên coi là vấn đề bình thường.
"Cổ đông là những nhà đầu tư, mà mục đích của việc đầu tư là sinh lợi, việc ai quản lý điều hành cũng vậy miễn là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó cổ đông được hưởng lợi. Tuy nhiên, khi thật sự có vấn đề thì họ phải được sử dụng quyền", luật sư Trần Minh Hải nói.
Từ những dẫn chứng này có thể thấy câu chuyện tại Coteccons là "không có lửa sao có khói". Bởi ngay sau khi ban lãnh đạo “kêu cứu” rằng nhóm cổ đông ngoại “cấu kết”, "thâu tóm" doanh nghiệp thì Ban kiểm soát của Coteccons đã tố cáo hàng loạt hành động trái pháp luật của lãnh đạo Coteccons, như "ém" nhiều nội dung, cản trở hoạt động của ban kiểm soát, thậm chí đặt nghi vấn Chủ tịch Nguyễn Bá Dương lập hệ sinh thái nhằm "rút ruột" công ty.
Linh Đan