Tất nhiên không phải bất kỳ doanh nghiệp thuộc ngành phòng thủ đều có tính chất phòng thủ. Song, không thể phủ nhận rằng, nhiều cổ phiếu trong ngành đã diễn biến khá hơn khi thị trường chung xuất hiện nhịp giảm sâu đầy bất ngờ.
Nhiều mã “lội ngược dòng”
Thực tế, trong giai đoạn gần đây, nhiều cổ phiếu đã thể hiện rõ nét tính chất phòng thủ của mình khi thị trường bất ngờ sụt giảm một cách mạnh mẽ từ đầu tháng 9 và kéo dài sang đầu tháng 10, khiến hàng loạt cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… giảm 15-25%, thậm chí nhiều cổ phiếu bất động sản còn giảm đến 25-30% trong vòng 1 tháng. Đa số cổ phiếu đã quay lại vùng đáy lập vào tháng 6 hoặc đang tìm đáy mới.
Nhóm cổ phiếu phòng thủ dường như đang được giới đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt, trong đó có cổ phiếu ngành điện. (Ảnh: Int) |
Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu ngành phòng thủ lại giảm giá "nhẹ" hơn thị trường, một vài mã thậm chí còn tăng giá. Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngành nước vững chãi trước cơn sóng dữ, nhóm dược phẩm gây ấn tượng khi đi ngược số đông, nhóm cổ phiếu điện cũng “phát sáng”.
Điển hình cổ phiếu NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 ghi nhận mức tăng gần 2% trong giai đoạn (5/9-5/10), bất chấp có 3 phiên giảm sàn 28-29/9 và 3/10. Khối lượng khớp lệnh ở NT2 đạt bình quân 2,3 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Ngoài ra, mặt bằng chung các cổ phiếu ngành điện đều có mức giảm thấp hơn so với thị trường chung (-13,76%) như SJD (-5%), QTP (-10%), HND (-4%), VSH (-10%), TMP (-7%), PPC (-9%)…
Trước đó, thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, VN-Index cũng rơi vào biến động xấu, hàng loạt nhóm ngành lao dốc sau khi chỉ số chung thiết lập mốc 1.500 điểm, nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhất là điện và nước vẫn “lội ngược dòng” với thị giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
“Hai nhóm ngành điện và nước cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho người dân, có thể tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo. Khi nắm giữ cổ phiếu các doanh nghiệp này, nhà đầu tư sẽ nhận thấy những biến động ngắn hạn của thị trường sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) đánh giá.
Nhận xét về đà tăng của nhóm ngành điện, giới phân tích cho rằng, cổ phiếu điện hút tiền nhờ kỳ vọng sản lượng điện tiêu thụ tăng do nhu cầu điện từ khu vực sản xuất hồi phục sau dịch Covid-19. Trạng thái La Nina dự kiến kéo dài sang các tháng đầu năm 2023 tạo điều kiện thuận lợi cho tích trữ nước tại các hồ thủy điện.
Bên cạnh đó, giá thanh toán toàn phần (FMP) bình quân tháng 7 - 8/2022 đang cao hơn gần 50% so với cùng kỳ, giúp nhóm thủy điện (REE, VSH, VPD…) hưởng lợi. Nhóm ngành này dự kiến tăng trưởng 5,1% trong năm 2022.
Hơn nữa, những thông tin cập nhật về quy hoạch điện 8 cũng là yếu tố tác động tích cực tới cổ phiếu nhóm ngành điện.
Lạc quan với cổ phiếu ngành điện
Trong báo cáo ngành điện mới phát hành, Chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS) đánh giá, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng luôn chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 96% tổng sản lượng tiêu thụ điện toàn hệ thống. Trên cơ sở đó, đội ngũ phân tích dự báo nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới trong bối cảnh Việt Nam liên tục thu hút dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện cho thấy, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh rất có thể dẫn đến nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, điều kiện thủy văn thuận lợi có thể sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2023. Nhờ đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp điện hứa hẹn vô cùng “sáng”.
Mặt khác, Việt Nam về cơ bản sẽ tiếp tục nhập khẩu than trong khi nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao đến 2035 từ 94-127 triệu tấn/năm. Giá than và giá khí sẽ sớm trở lại mặt bằng ổn định khi xung đột địa chính trị được giải quyết.
“Nhiều doanh nghiệp điện than cũng được đặt kỳ vọng khả quan cho hoạt động kinh doanh về dài hạn khi nhu cầu về điện than và khí tăng cao cùng với sự linh hoạt trong vận hành và cơ chế đầu tư duy trì”, báo cáo nêu.
Trước đó, trong báo cáo về ngành điện, SSI Research từng đánh giá, nhu cầu điện năng trên toàn quốc ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ trong tháng 8 và 6,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cũng theo SSI Research, tăng trưởng nhu cầu điện năng trong tháng 8 phản ánh mức cơ sở so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021, đồng thời cũng dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ của chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 (tăng 9,4% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm).
“Nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ”, SSI Research dự báo.
Nhìn chung, trong bối cảnh nhiều bất ổn như hiện nay, cổ phiếu phòng thủ nói chung và cổ phiếu ngành điện nói riêng thường được nhà đầu tư lựa chọn. Nhưng nếu ở những giai đoạn sau khi thị trường hồi phục, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, nhóm cổ phiếu này lại có xu hướng ít biến động hơn do tính hấp dẫn, chịu rủi ro không cao.
Thêm một điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý, đó là hiện nay nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành phòng thủ lại đang sở hữu các yếu tố khó đoán định, làm ảnh hưởng tính bền, tính phòng thủ vốn có của mình.
Chẳng hạn như một số doanh nghiệp điện thường chịu tác động của yếu tố biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Với nhiệt điện khí, giá cả nhiên liệu phục vụ sản xuất (như khí đốt hay than) lên cao như năm nay khiến hiệu quả kinh doanh cũng bị tác động không ít.
Bên cạnh đó, việc năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phát triển quá nhanh trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung, kéo theo bức tranh tiêu thụ của ngành điện đang có nhiều xáo trộn.
Nhiều ý kiến cho rằng, điện khí LNG vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng. Cùng với đó, sự dịch chuyển mạnh mẽ sang Năng lượng tái tạo vẫn còn chứa đựng nhiều thách thức.
Hải Giang