Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ tháng 10/2019, Nhà máy khí Cà Mau sẽ hết quyền lấy khí. Do đó, nguồn chạy dầu sẽ phải huy động thêm hơn 500 triệu kWh với chi phí tăng thêm 2.500 – 3.500 đồng/kWh.
Thủy điện gặp khó do vừa đảm bảo vận hành và xả nước cho hạ du; điện than không còn nguồn mới, việc đảm bảo cung cấp than cho điện cũng đang gặp khó khăn.
Nhiều khó khăn chờ đợi
Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết tổng công suất nguồn bổ sung mỗi năm là 4.500 – 5.000 MW với nhiệt điện và khoảng 15.000 MW với điện tái tạo.
Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng điện sản xuất cần bổ sung là 26,5 tỷ kWh/năm, nhưng nhiều dự án nguồn điện lớn hiện nay chậm tiến độ nên dự kiến sản lượng thiếu hụt vào năm 2021 lên đến 6,6 tỷ kWh, năm 2022 là 11,8 tỷ kWh và năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh.
Đến nay, trong số 62 dự án công suất lớn đang hoặc dự kiến triển khai chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, 47 dự án chậm hoặc chưa xác định tiến độ.
Việc thiếu hụt nguồn cung có thể ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành điện.
Một yếu tố khác được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các DN là khung giá điện mới với mức tăng mạnh 8,36% được áp dụng từ cuối quý I vừa qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khung giá điện mới không tác động nhiều lên các DN điện trên sàn chứng khoán. Ngay cả khung giá phát điện năm 2019 vừa được Bộ Công Thương ban hành nâng mức trần khung giá điện với nhà máy nhiệt điện than và thủy điện cũng không có nhiều ảnh hưởng.
Lý do là khung giá mới này chỉ áp dụng cho các nhà máy mới và có công suất tương đối lớn (trên 600 MW), trong khi các DN điện than lớn trên sàn đều có mức công suất nhỏ và vừa
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nhiều DN điện đã niêm yết cổ phiếu công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm, nhưng những cái tên đã lộ diện đều có kết quả không mấy khả quan.
Có thể kể đến như CTCP Thủy điện Bắc Hà (mã: BHA) trong quý II ghi nhận 40,39 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,3% so với quý II/2018, lỗ 21,5 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm 2019, Thủy điện Bắc Hà lỗ gần 52 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu quý II giảm mạnh so với cùng kỳ do lưu lượng nước về hồ ít hơn, nên sản lượng điện phát lên lưới thấp hơn.
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã: PPC) cũng có mức lợi nhuận sụt giảm đến 35% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 341 tỷ đồng; lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm giảm 19%, đạt gần 583 tỷ đồng, mới hoàn thành được 23% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đối mặt với nhiều khó khăn, cổ phiếu ngành điện không hấp dẫn |
Cổ phiếu khó sáng
Ngay khi kết quả kinh doanh được công bố, giá cổ phiếu PPC đã chuyển trạng thái từ tăng xuống giảm liên tiếp 2 phiên, trong đó có 1 phiên giảm sàn về mức 27.200 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu BHA cũng quay đầu giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, từ vùng giá 13.200 đồng xuống 12.500 đồng/cp, tương đương mức giảm 5,3%. Nếu so với mức giá 17.700 đồng/cp trong tháng 1 đã giảm 41,6%.
Đáng chú ý, trong khi cổ phiếu giảm sâu thì các cổ đông lớn của Thủy điện Bắc Hà lại liên tiếp thoái vốn. Gần đây nhất là Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu BHA, tương đương 9,24% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.
Trước đó, CTCP Hưng Doanh Việt cũng bán toàn bộ 16,6 triệu cổ phiếu BHA, tương ứng 25,15% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty và không còn là cổ đông lớn.
Các cổ phiếu ngành điện khác như TV3 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 3, TV4 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 4, BSA của CTCP Thủy điện Buôn Đôn… cũng ghi nhận mức giảm tới hàng chục phần trăm trong nửa năm qua.
Thảm hại hơn, cả hai đợt đấu giá cổ phần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại TV3 và TV4 đều ế nặng do không nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư, “dập tắt” kỳ vọng về một đợt sóng thoái vốn tại nhóm ngành này.
Được chuyển sang hoạt động theo hình thức CTCP từ năm 2018, Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3) đã đưa 2,08 tỷ cổ phiếu lên sàn UPCoM với mã chứng khoán PGV, giá tham chiếu là 24.600 đồng/cp.
Sau hơn một năm lên sàn, thị giá của PGV chỉ còn 10.100 đồng/cp, giảm gần 60% so với giá chào sàn, với thanh khoản thấp, nhiều phiên không có giao dịch.
Không chỉ các cổ phiếu điện lực “gốc EVN”, mà cổ phiếu điện lực “gốc dầu khí” như POW của PV Power, NT2 của Nhơn Trạch 2… cũng không khả quan hơn.
Vẫn duy trì được “phong độ” chỉ có TV2 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2. Chào sàn HoSE với mức giá khủng 151.000 đồng/cp, hiện cổ phiếu TV2 đang giao dịch tại mức giá 137.800 đồng/ cp sau khi điều chỉnh do phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tăng 13,3% so với giữa tháng 6.
Trong nửa đầu năm 2019, những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới cũng như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang đã khiến TTCK Việt Nam chao đảo, kéo theo đà giảm của nhiều nhóm cổ phiếu.
Kỳ vọng trong bối cảnh 6 tháng cuối năm là các DN bắt đầu vào giai đoạn tăng tốc để chuẩn bị về đích cuối năm cùng với dự báo nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 10% trong giai đoạn này sẽ hỗ trợ, cải thiện sự ảm đạm cổ phiếu ngành điện.
Linh Đan