Theo kế hoạch thoái vốn vừa được hội đồng quản trị thông qua, PV Power dự kiến thoái toàn bộ gần 2,9 triệu cổ phiếu EIC, tương đương 7,85% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần EVN Quốc tế, với phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Bổ sung nguồn lực
Được biết, công ty cổ phần EVN Quốc tế được thành lập năm 2007, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, xây lắp các dự án thủy điện, chuyên thực hiện các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia. Hiện doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn UPCoM.
PV Power liên tục có động thái thoái vốn ở một số đơn vị từ đầu năm 2022. (Ảnh: Int) |
Gần đây nhất, PV Power cũng có phương án bán ra toàn bộ 30,8 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần điện Việt Lào (VLP), giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,64% về còn 0%. Theo báo cáo tài chính năm 2021, PV Power đang ghi nhận đầu tư 320 tỷ đồng vào VLP theo hình thức đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Công ty Cổ phần điện Việt Lào được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại văn bản số 1477/CP-QHQT ngày 19/11/2002 với tên gọi ban đầu là công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Việt - Lào, nhằm hiện thực hóa hiệp định hợp tác năng lượng điện – một lĩnh vực trọng tâm trong việc hợp tác kinh tế, chính trị giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.
Mục tiêu chính của công ty là thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thủy điện tại Lào theo hình thức BOT để nhập khẩu phần lớn điện năng cho Việt Nam và một phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa của Lào.
Tới tháng 11/2019, cổ đông lớn của công ty cổ phần điện Việt Lào bao gồm Tổng công ty Sông Đà – CTCP sở hữu 35,11% vốn điều lệ; Công ty cổ phần quản lý đầu tư xây dựng Việt Hà sở hữu 20,79% vốn điều lệ; PV Power sở hữu 9,85% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt sở hữu 9,6% vốn điều lệ; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn sở hữu 8,32% vốn điều lệ; Công ty TNHH Khải Hưng sở hữu 7,98% vốn điều lệ và các cổ đông khác.
Trong một báo cáo gần đây, chứng khoán BSC cho rằng, năm 2022, PV Power nhiều khả năng tiếp tục thoái vốn tại một số đơn vị. Trước đó, trong năm 2021, PV Power đã thoái 19,9 triệu cổ phiếu PVM tương đương 51,6% cổ phần PVMachino, ghi nhận lãi 306 tỷ.
Theo đại diện PV Power, nguồn thu từ thoái vốn sẽ là nguồn tài chính bổ sung giúp công ty đủ nguồn lực triển khai những công trình như Nhơn Trạch 3&4.
Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm 60%
Cập nhật tình hình kinh doanh của PV Power cho thấy, năm 2021, do kết quả kém tại mảng nhiệt điện, doanh thu giảm 17% cùng kỳ xuống 24.565 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận ròng giảm 25% chỉ còn 1.778 tỷ đồng.
Theo nhận định của chứng khoán BSC, năm 2022, mảng điện khí của PV Power sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sản lượng điện huy động giảm sút.
Sản lượng các nhà máy điện tái tạo được EVN huy động ước đạt 35,6 tỷ kWh (tăng 52,5%). Tuy vậy, với nhu cầu tiêu thụ điện khả năng tăng mạnh, các nhà máy điện khí, với sản lượng tương đối ổn định so cùng điện tái tạo, có thể được huy động cao so cùng dự kiến phân bổ.
Hiện tại, doanh thu mảng điện khí không còn chịu ảnh hưởng của việc giảm giá bán điện hợp đồng (PPA) của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2).
Bên cạnh đó, việc chênh lệch giá khí nhập từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt so với các mỏ khí khác khiến cho các nhà máy điện khí của PV Power kém cạnh tranh hơn trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) trong năm 2022.
Về mảng thuỷ điện, PV Power sẽ tiến hành đại tu tổ máy H1- H2 của nhà máy thủy điện Đakđrinh. Ước tính, việc đại tu tổ máy H1 chỉ làm giảm khoảng 6% sản lượng điện của thủy điện Hủa Na trong năm 2021 do tháng 7-8 là giai đoạn mùa khô nên sản lượng được phân bổ của nhà máy không cao.
“Kết quả mảng thủy điện của PV Power trong các quý tiếp theo sẽ kém thuận lợi do điều kiện thủy văn có thể bất ổn hơn thời điểm cuối chu kỳ La Nina. Do đó, dự phóng sản lượng thủy điện của PV Power trong năm 2022 sẽ đạt mức 1,095 triệu kWh (giảm 7,6%), và doanh thu đạt mức 1,197 tỷ VNĐ (giảm 1,2%)”, BSC nhận xét.
Với giả định lượng điện huy động của mảng nhiệt điện khí phục hồi, giá than tiếp tục được kỳ vọng ổn định tại mức thấp là tiền đề cho mức huy động khả quan của mảng điện than và lượng điện sản xuất của mảng thủy điện giảm do chu kỳ thủy văn không còn thuận lợi, dự báo năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PV Power lần lượt đạt 28.413 tỷ (+ 15,7%) và 2.539 tỷ (+ 24,9%).
Trước những lo ngại về ngành điện tiếp tục gặp khó, lãnh đạo PV Power đã đặt mục tiêu lợi nhuận ròng năm 2022 thấp hơn một nửa so với năm ngoái (60%) là 900 tỷ đồng. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi cổ phần hoá.
Được biết, tháng 2/2022, PV Power báo lỗ 118 tỷ đồng; tuy nhiên luỹ kế 2 tháng đầu năm vẫn lãi 145 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu POW đã từng gây thất vọng với các nhà đầu tư khi gần 4 năm lên sàn, cổ phiếu POW không thể bứt phá được, chỉ loanh quanh ở mức giá 10.000 – 14.000 đồng/cp, thậm chí có thời điểm lùi về sâu 8.x.
Cuối năm 2021, cổ phiếu POW nổi lên như một hiện tượng khi tăng mạnh từ 13.500 đồng/cp (30/11) lên mốc 19.000 đồng/cp (22/12) với thanh khoản thường xuyên đạt 30-41 triệu đơn vị/phiên.
Tuy nhiên, ngay khi có thông tin công ty ước tính lỗ Quý IV/2021, giá cổ phiếu đã quay đầu giảm. Đến đầu năm 2022, cổ phiếu POW đã bật tăng lên mức 20.200 đồng/cp (7/1), xác lập mức giá cao nhất từ khi lên sàn chứng khoán rồi quay đầu điều chỉnh. Chốt phiên ngày 17/3, cổ phiếu POW đang giao dịch ở mức 16.300 đồng/cp, giảm gần 24% từ mức đỉnh thiết lập ngày 7/1.
Hải Giang