Cụ thể, theo dự kiến của Ban lãnh đạo, doanh thu năm 2021 của PV Power là 25.100 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch năm và giảm 15,5% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.917 tỷ đồng, giảm 28% và đạt 145% kế hoạch năm.
Cổ phiếu POW dừng chuỗi tăng nóng ngay khi có thông tin dự kiến lỗ 100 tỷ trong Quý IV/2021. (Ảnh: Int) |
Riêng quý IV, PV Power đã lỗ 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1.006 tỷ. Doanh thu quý 4 ước đạt 4.133 tỷ đồng, giảm gần 48% so với quý 4/2020. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên từ khi công ty lên sàn chứng khoán.
“Đây là con số ước tính đến 21/12, trong thời gian gần 10 ngày trước khi kết thúc năm tài chính 2021, con số có thể thay đổi theo hướng tăng thêm”, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc PV Power cho biết.
Được biết, việc ghi nhận chi phí bảo dưỡng và sự cố Vũng Áng 1 là những ảnh hưởng chính đến kết quả quý IV/2021. Cụ thể, ngày 19/9/2021, tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 buộc phải ngừng hoạt động do sự cố hư hỏng hệ thống tuabin vì mất điện tự dùng, dẫn đến hệ thống dầu bôi trơn ngừng vận hành gây ra hư hỏng các gối trục tuabin của tổ máy số 1.
Trước đó, trong báo cáo kinh doanh tháng 11 của PV Power, nhà máy điện Vũng Áng 1 đang dừng tổ máy số 1 để xử lý sự cố, tổ máy số 2 vận hành theo nhu cầu huy động của A0 với sản lượng trung bình 8,6 triệu kWh/ngày từ ngày 1 - 6/11, dừng máy đến ngày 14/11 và bắt đầu được huy động từ ngày 15/11, với sản lượng trung bình khoảng 10 triệu kWh/ngày.
Theo đánh giá của Chứng khoán VNDirect (VND), tổn thất này sẽ khiến doanh thu Vũng Áng 1 giảm khoảng 2.700 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, gần đây, cổ phiếu POW là một trong những cổ phiếu điện có sức nóng nhất trên sàn chứng khoán khi tăng mạnh từ 13.500 đồng/cp (30/11) lên mốc 19.000 đồng/cp (22/12) với thanh khooản thường xuyên đạt 30-41 triệu đơn vị/phiên, xác lập mức giá cao nhất từ khi lên sàn chứng khoán. Theo đó, vốn hoá của PV Power đạt hơn 44.000 tỷ đồng, P/E đạt 15,6 lần.
Sự tăng giá này có phần đến từ kỳ vọng mức lợi nhuận cao từ quý cuối năm 2021 và sang cả năm 2022 và nền kinh tế sẽ dần mở cửa và hồi phục trong năm 2022 và cung cầu điện do đó sẽ cân bằng.
Tuy nhiên, ngay khi có thông tin Ban lãnh đạo công ty ước tính lỗ Quý IV/2021, giá cổ phiếu đã quay đầu giảm và chốt phiên ngày 24/12, cổ phiếu POW giảm sàn xuống mức 17.250 đồng/cp với thanh khoản đột biến lên tới khoảng 70 triệu đơn vị - con số lớn nhất từ khi lên sàn chứng khoán.
Trước đó, gần 4 năm lên sàn, cổ phiếu POW được đánh giá là “nặng mông” không thể bứt phá được, chỉ loanh quanh ở mức giá 10.000 – 14.000 đồng/cp. Thậm chí thời điểm thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi tin tức dịch Covid-19, giá cổ phiếu POW đã lùi về sâu 8.x làm cho nhiều nhà đầu tư “khóc ròng” vì lỗ nặng.
Theo đại diện PV Power, hiện tại, EVN chưa giao kế hoạch cụ thể về sản lượng điện theo hợp đồng (Qc) năm 2022 cho các nhà máy. Trước mắt, trong năm 2022, nhà máy Cà Mau sẽ đại tu và áp dụng giá hợp đồng PPA mới.
Ngoài ra, do sự cố kỹ thuật tại vùng Đại Áng, công ty sẽ đặt ra mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu là 22.242 tỷ đồng (-4%) và lợi nhuận sau thuế là 743 tỷ đồng (-61%).
H.Giang