Trong quý II, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 816 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm tới 30%, còn 87,7 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, FECON ghi nhận lãi ròng chỉ 720 triệu đồng. Qua đó, biên lãi ròng chỉ ở mức 0,09%, hay nói cách khác, cứ 100 đồng doanh thu có được thì doanh nghiệp xây lắp này chỉ thu về chưa nổi 1 đồng lãi ròng.
Lợi nhuận của FECON liên tục đi lùi. |
Đây không phải lần đầu, FECON ghi nhận biên lãi ròng ở mức thấp, mà 2 năm trở lại đây, báo cáo nhiều quý rơi vào tình trạng này. Gần nhất, trong quý I/2024, biên lãi ròng của doanh nghiệp chỉ đạt 0,1%; hay trong quý IV/2023 ở mức âm 4,26%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, FECON ghi nhận doanh thu đạt 1.427 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023, và lãi ròng 1,4 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành 35,7% kế hoạch doanh thu và 2,3% kế hoạch lãi cả năm.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo FECON khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay với tình trạng như hiện tại.
Thực tế, FECON đã có 5 năm liên tiếp không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Đáng chú ý, doanh nghiệp liên tục trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn qua các năm nhưng tỷ lệ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận lại giảm dần. Cụ thể, trong năm 2019, công ty hoàn thành 62% kế hoạch lãi; năm 2022 hoàn thành 18% kế hoạch còn năm 2023 ghi nhận lỗ tới 42 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, nợ phải trả của FECON là 5.177 tỷ đồng, giảm 0,8% so với đầu năm. Nợ vay là 2.992 tỷ đồng, tăng 1,5%.
Vốn chủ sở hữu đạt 3.340 tỷ đồng, giảm 0,6%, dẫn đến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,55 lần.
Dòng tiền kinh doanh trong 6 tháng của FECON âm 319 tỷ đồng (cùng kỳ âm 102 tỷ đồng) do tăng các khoản phải thu, tăng hàng tồn kho và chi trả lãi vay.
Để bù đắp, FECON tăng cường thanh lý, nhượng bán tài sản và duy trì quy mô vay lớn, đạt 1.197 tỷ đồng (giảm 19%). Dù vậy, tiền và tương đương tiền cuối tháng 6/2024 chỉ còn 369 tỷ đồng, giảm 47% so với đầu năm.
Được biết, kể từ năm 2021 đến nay, FECON đã theo đuổi 10 dự án bất động sản dân cư và khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Phần lớn các dự án này đều đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng.
Trên thị trường, sau khi tăng lên mức 16.900 đồng/cp trong phiên 1/4, cổ phiếu FCN bắt đầu đảo chiều với xu hướng giảm. Hiện, cổ phiếu đang giao dịch quanh mức 11.400 đồng/cp, tương đương giảm khoảng 32,5% so với mức đỉnh ngày 1/4.
Châu Anh