Theo lãnh đạo Fecon, trong năm qua ngành xây dựng gặp không ít khó khăn dẫn tới nhiều nhà thầu lớn nhỏ bị phá sản do không thể tiếp cận nguồn vốn, chịu nhiều rủi ro pháp lý kinh doanh và khó khăn trong công tác thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư. “các hợp đồng ký được giá rất thấp, không thu được công nợ, chi phí ăn mòn lợi nhuận gộp”, ông Khoa cho hay.
Trong bối cảnh đó, nửa cuối năm ngoái, Fecon đã triển khai đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tái cơ cấu các khoản nợ vay phải trả. Kết quả của đợt phát hành trái phiếu đã thành công thu về 126 tỷ đồng. “Với tình hình khó khăn chung của thị trường trái phiếu, trong suốt thời gian hoạt động Fecon luôn đảm bảo trả gốc và lãi cho trái chủ. Tình hình khó khăn thì việc phát hành trái phiếu khó hơn, lãi cũng cao hơn nhưng Fecon vẫn phát hành thành công để đảm bảo hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh”, đại diện Fecon cho hay.
Tuy nhiên, ông Khoa nhận định thị trường xây dựng được dự báo sẽ phục hồi dần từ đầu quý III năm nay. “Trong năm 2024, việc triển khai bán hàng các dự án đầu tư khu đô thị sẽ mang lại dòng tiền và lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp, nhằm tiết giảm chi phí tài chính và tạo tiền đề phát triển các dự án tiếp theo. Fecon đặt ra mục tiêu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 39% so với 2023”, Chủ tịch Fecon nói.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Fecon trong sáng 26/4/2024. |
Với mục tiêu này, lãnh đạo Fecon tiết lộ: Năm 2024, công ty đã ký được những hợp đồng lớn. Ban lãnh đạo đánh giá 4.000 tỷ đồng là khả thi. Gói thầu lớn có thể kể là Dự án cảng Lạch Huyện 5-6 Hải Phòng, Dự án Vũng Áng 2 Hà Tĩnh khoảng 1.000 tỷ đồng, dự án hạ tầng Vsip Cần Thơ,…
Trả lời câu hỏi của cổ đông về dòng tiền kinh doanh các năm trước đều âm nhưng năm 2023 dương. Năm 2024 liệu dòng tiền có cải thiện hơn không? Bà Nguyễn Thị Nghiên, Giám đốc tài chính Fecon, nói: Việc dòng tiền cải thiện đến từ cuối năm 2023 công ty trúng hàng loạt hợp đồng giá trị lớn và nhận được tiền tạm ứng. Để tiếp tục cải thiện dòng tiền trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một số giải pháp như thu hồi công nợ cũ tồn đọng khó đòi, gia tăng tạm ứng từ hợp đồng mới, đồng thời sàng lọc kỹ dự án, chọn chủ đầu tư tốt để đảm bảo dòng tiền cho dự án, thoái vốn tại một số lĩnh vực để cải thiện dòng tiền kinh doanh cốt lõi.
Về mục tiêu kinh doanh năm 2024, doanh số hợp nhất 6.500 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 60 tỷ đồng.
Với mục tiêu trên, cổ đông chất vấn: Vì sao năm nay Fecon đặt mục tiêu doanh thu cao nhưng lợi nhuận chỉ 60 tỷ đồng? Phải chăng thị trường xây dựng chưa khởi sắc? Các luật mới về bất động sản, nhà ở, xây dựng,… tác động thế nào đến Fecon?
Ông Phạm Việt Khoa cho rằng, mặc dù doanh thu cao nhưng hợp đồng ký vào thời điểm thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, do đó mặt bằng lợi nhuận ký rất thấp, lợi nhuận tạo ra từ công tác thi công không có nhiều. Kỳ vọng dự án có nhiều hàm lượng công nghệ cao sẽ lấy được lợi nhuận trong thời gian tới. Thực tế, trên thị trường có những công ty xây dựng đạt doanh thu 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận cũng chỉ 30 - 40 tỷ đồng.
Đồng thời, ông Khoa khẳng định: Các luật mới ban hành, sửa đổi đối với Fecon tác động không nhiều lắm. Liên quan đến mảng công nghiệp chúng tôi nghĩ thông thoáng hơn, giao về các địa phương sẽ có cơ chế cấp phép nhanh hơn. Về cơ bản, các dự án của Fecon khá thuận lợi trong thời gian này.
Trước đó, năm 2023 Fecon ghi nhận lợi nhuận gộp dương nhưng lại lỗ sau thuế 42 tỷ đồng, cổ đông đặt câu hỏi về nguyên nhân từ đâu?
Trả lời vấn đề này, ông Khoa cho biết năm ngoái, lợi nhuận gộp Fecon dương do tập trung vào sản xuất cốt lõi nhưng lãi sau thuế âm vì chi phí tài chính quá lớn, đầu tư vào một vài doanh nghiệp nhưng chưa thoái được vốn, vay ngân hàng nhiều, hoạt động thi công thu hồi công nợ rất chậm, chính vì thế chi phí tưởng lãi đều phải mang đi trả ngân hàng.
“Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn tới công ty không có sẵn tiền trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông và đã phải lùi kế hoạch này hai lần. Công ty cam kết sẽ trả vào quý IV năm nay. Hy vọng sẽ không phải nợ cổ tức cổ đông nữa”, ông Khoa nói.
Duy Thế