Là cái tên được quan tâm nhiều trên thị trường chứng khoán, CTCP chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) được đánh giá là tăng trưởng ổn định và bền bỉ từ trước đến nay lại ghi nhận sự “đứt gãy” chuỗi hoạt động hiệu quả.
Cổ phiếu các công ty xuất khẩu gỗ được đánh giá là có triển vọng trong dài hạn. (Ảnh: Int) |
Quý III/2021, do giãn cách xã hội, Gỗ Đức Thành đã phải ngừng sản xuất từ 15/7 nên lợi nhuận ròng chỉ đạt 5,7 tỷ đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 12 năm qua. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty thực hiện được 106 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 22 tỷ đồng, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, quý II/2021, doanh thu thuần của Gỗ Đức Thành tăng gần 30%, lên hơn 114,5 tỷ đồng; lãi sau thuế là 19,2 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 214,6 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với 6 tháng đầu năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 37,2 tỷ đồng, tăng 24%.
Một công ty gỗ khác trước đây được đánh giá cao cũng kinh doanh kém khởi sắc là CTCP Gỗ An Cường (ACG) khi doanh thu quý III/2021 chỉ đạt 499 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tiết kiệm chi phí, song lãi ròng cổ đông công ty mẹ vẫn chỉ đạt 59 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả thấp nhất tính theo quý kể từ khi công ty công bố báo cáo tài chính (quý II/2018). Luỹ kế 9 tháng, doanh thu công ty đạt 2.218 tỷ đồng, giảm gần 14%, trong khi lãi ròng vẫn đi ngang so với cùng kỳ năm trước ở mức 296 tỷ đồng. EPS 9 tháng đạt 3.392 đồng...
Trước những giảm sút về doanh số cũng như lợi nhuận của quý III/2021, các doanh nghiệp gỗ đã gấp rút lên kế hoạch ngay khi tái mở cửa sau dịch để có thể “bứt phá” cho giai đoạn cuối năm.
Đơn cử như Gỗ Đức Thành, sau gần 3 tháng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát, công ty đã hoạt động trở lại từ đầu tháng 10 và tăng cường sản xuất để kịp trả đơn hàng cho đối tác trong những tháng cuối năm. Đáng chú ý, chỉ trong tháng đầu tiên tái hoạt động, công ty đã nhận được đơn hàng xuất khẩu hơn 4 triệu USD cho năm 2022, chiếm gần 30% doanh số cả năm.
Không chỉ vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GDT liên tục lập kỷ lục mới. Đến ngày 5/11 đã chạm mốc 63.400 đồng/cp, tăng hơn 50% so với thời điểm đầu năm 2021 (4/1), vượt mức 60.000 đồng/cp thời điểm cao nhất tháng 7/2021. Chốt phiên ngày 2/12, cổ phiếu GDT đóng cửa ở mức 63.800 đồng/cp.
Theo đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã nâng giá mục tiêu theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức của cổ phiếu GDT lên 71.800 đồng/cp (Upside: 20%, đã bao gồm suất cổ tức 7,8% của năm 2021).
“GDT là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi cho nhiều chủ đề đầu tư, chẳng hạn như: phục hồi xuất khẩu; chủ đề phòng thủ, được hỗ trợ bởi vị thế tài chính mạnh mẽ, trả cổ tức tiền mặt cao, ban lãnh đạo tâm huyết và thị trường kinh doanh ngách giúp giảm áp lực cạnh tranh”, BVSC khuyến nghị.
Được biết, Gỗ Đức Thành hiện đang có kế hoạch muốn phát hành khoảng 843.390 cổ phiếu, giá không thấp hơn giá trị sổ sách và dành bán cho nhà cung cấp, đối tác để gắn kết lợi ích nhằm gia tăng sức, đứng vững vàng hơn qua mọi cơn bão.
Mới đây, Gỗ Đức Thành đã thanh toán cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền với tỷ lệ 20% (tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Như vậy, với hơn 17,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ phải chi hơn 35,42 tỷ để thanh toán.
Tương tự, Gỗ An Cường cũng đã lên kế hoạch dự kiến phát hành 48,2 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 1.358 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phát hành 43,8 triệu cổ phiếu tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và chào bán gần 4,4 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Theo đại diện công ty, mục đích của việc chào bán cổ phiếu là để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty, cụ thể dùng để tạm ứng cổ tức bằng cổ phiếu và thanh toán các khoản vay.
Đồng thời, việc tăng vốn cũng giúp An Cường thỏa điều kiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Thời điểm công ty dự kiến nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HoSE là từ quý II/2022.
Hiện tại, cổ phiếu ACG chốt phiên giao dịch ngày 2/12 là 111.500 đồng/cp, tăng gần 24% kể từ đầu tháng 8 khi chính thức giao dịch trên UPCoM với thị giá 90.000 đồng/cp.
Nhận xét về triển vọng cổ phiếu ngành gỗ, các chuyên gia phân tích cho rằng, đặc trưng của ngành này là phát triển chậm, không có nhiều yếu tố để bứt phá và liên quan nhiều đền nguồn nguyên liệu…
Hiện nay có nhiều nguyên liệu mới, thay thế gỗ để làm nội thất, đồ gia dụng nên gỗ dần dần được xem là kén khách hàng. Tuy nhiên, đối với thị trường nước ngoài thì lại khá ưa chuộng, nên những mã cổ phiếu của các công ty xuất khẩu như PTB (CTCP Phú Tài), GDT, ACG… được đánh giá cao hơn so với các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp gỗ tiêu thụ trong nước.
“Động lực tăng trưởng của ngành gỗ trong những năm tới đến từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng này có thể giúp các nhà xuất khẩu gỗ của Việt Nam gia tăng thị phần của mình tại Mỹ. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) kỳ vọng sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ tại các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu”, Chứng khoán MB (MBS) nhận định.
Hải Giang