Đại hội đồng cổ đông Kido Foods đã thông qua phương án sáp nhập vào Tập đoàn Kido (Ảnh: TL) |
CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods, mã: KDF) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 nhằm thông qua các tờ trình quan trọng như kế hoạch kinh doanh, phương án sáp nhập vào Tập đoàn Kido (mã: KDF)...
2019 là năm thành công của Kido Foods với doanh thu thuần đạt 1.383 tỷ đồng (tăng 10%), lợi nhuận sau thuế đạt 185 tỷ đồng (tăng 488%). Kết quả năm 2019 của công ty đến từ hàng loạt giải pháp quyết liệt nhằm tái cơ cấu hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tập trung vào các ngành hàng và sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao.
Với thành công của năm 2019, cổ đông của HĐQT của Kido Foods thông qua tờ trình về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần đạt 1.600 tỷ đồng (tăng 15,7%), lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng (tăng 7,9%), cổ tức tiền mặt lên đến 30%.
Đáng chú ý, Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua phương án sáp nhập vào công ty mẹ - Tập đoàn Kido. Theo phương án sáp nhập, Tập đoàn mẹ Kido sẽ phát hành thêm 23 triệu cổ phần để hoán đổi hơn 17,76 triệu cổ phần phổ thông của Kido Foods, tỷ lệ hoán đổi 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF đổi lấy được 1,3 cổ phiếu KDC).
Lãnh đạo Tập đoàn Kido lý giải áp dụng tỷ lệ hoán đổi 1:1,3 cao hơn mức định giá (1:1,2) là do HĐQT muốn trả thêm cho cổ đông Kido Foods một khoản thặng dư 8,3% cho việc nắm giữ cổ phiếu KDC sau khi hoàn tất sáp nhập.
Sau hoán đổi, Kido Foods chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ CTCP sang công ty TNHH MTV do công ty mẹ sở hữu 100% vốn. Thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ khi Kido nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Nguyên nhân của việc sáp nhập này, theo chia sẻ của ban lãnh đạo Kido Foods tại Đại hội đồng cổ đông là do kể từ khi đại chúng hóa và đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM vào năm 2017, cổ phiếu KDF chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, chưa phản ánh đúng vị thế doanh nghiệp.
Đồng thời, mặc dù doanh thu và thị phần của đơn vị tăng trưởng nhưng lợi nhuận thu về không như kỳ vọng, chưa đạt được mục tiêu HĐQT đề ra. Chính vì thế, doanh nghiệp mặc dù có khả năng tham gia vào ngành hàng kinh doanh có điều kiện (ngành hàng lạnh) nhưng chưa đủ nguồn lực để nắm bắt.
Do đó, sáp nhập là để được thừa hưởng toàn bộ nền tảng của Tập đoàn; có đủ nguồn lực và điều kiện để mở rộng ngành lạnh, đa dạng hóa sản phẩm; tận dụng hệ thống marketing, quản trị, công nghệ thông tin của tập đoàn.
Thực tế, Kido Foods vẫn luôn là "người một nhà" với Kido khi Tập đoàn nắm 65% cổ phần ở doanh nghiệp - giữ vai trò công ty mẹ. Trước đó, từ tháng 8/2011 - 9/2016, Kido cũng từng sở hữu toàn bộ Kido Foods.Vì thế, về mặt nào đó, bước sáp nhập hoàn toàn này không gây ra những cú sốc lớn.
Biến động có chăng là Kido Foods sẽ không còn hoạt động dưới dạng CTCP với cơ cấu nhiều cổ đông và mọi quyền hạn sở hữu điều hành đều trong tay Kido.
H.T