Chỉ tính riêng trong tuần giao dịch vừa qua, thị giá cổ phiếu QCG đã bị cuốn bay hơn 18% thị giá từ mức 7.040 đồng/cp xuống còn 5.770 đồng/cp (phiên 23/11). Đây là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu QCG kể từ tháng 4/2017.
Mới đây, Quốc Cường Gia Lai vừa có thông báo về việc chấp thuận đơn từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) vì lý do cá nhân. Vài ngày trước, ông Cường cũng có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT và cũng đã được chấp thuận.
Con trai Chủ tịch từ nhiệm
Các đơn từ nhiệm của ông Cường đều do mẹ ông là bà Nguyễn Thị Như Loan, hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty, ký. Như vậy, ông Cường sẽ không còn giữ chức vụ gì tại Quốc Cường Gia Lai.
Trước đó, ông Cường được bầu vào vị trí HĐQT vào ngày 26/4/2012 và tái bổ nhiệm ngày 29/6/2017.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, ông Nguyễn Quốc Cường hiện đang nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG, tương đương với tỷ lệ sở hữu gần 0,2% và có tổng giá trị khoảng 2,8 tỷ đồng.
Động thái từ nhiệm của ông Nguyễn Quốc Cường được diễn ra trong bối cảnh công ty đang gặp nhiều khó khăn, gây hoang mang cho các cổ đông dù lượng sở hữu của ông Cường là không đáng kể, so với hơn 37,05% cổ phần của mẹ cũng như 14,32% của em gái Nguyễn Ngọc Huyền My.
Trong tuần giao dịch vừa qua (19-23/11), cổ phiếu QCG đã có tới hai phiên giảm sàn, trắng bên mua và hai phiên giảm sâu, cho thấy áp lực bán ra cổ phiếu này là rất lớn. Với mức giá 5.770 đồng/cp như hiện tại, vốn hóa thị trường của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn 1.587 đồng/cp.
Ngoài sóng gió về nhân sự, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai cũng phải chịu áp lực từ kết quả kinh doanh bết bát của công ty đứng trước nguy cơ cao bị vỡ kế hoạch năm.
Trong quý III/2018, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai đạt 82,5 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt vỏn vẹn 1 tỷ đồng, gần bằng 1% quý III/2017.
Nguyên nhân sụt giảm được công ty giải thích là trong kỳ không có dự án nào bàn giao căn hộ cho khách hàng nên chưa ghi nhận được doanh thu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không có khoản thu nhập đáng kể nào từ việc đầu tư tài chính. Tình trạng này tương tự với quý II, thời điểm doanh nghiệp vướng vụ lùm xùm “mua hụt” 30 ha đất công của công ty Tân Thuận.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai đạt 519,1 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 57,6 tỷ đồng, bằng 11,8% cùng kỳ năm 2017.
Nếu tính chung trong một tháng qua, kể từ khi kết quả kinh doanh của công ty chính thức được công bố đến khi ông Nguyễn Quốc Cường từ nhiệm, thị giá của QCG đã mất 33% giá trị.
Quốc Cường Gia Lai sẽ còn đối mặt với những khó khăn gì nếu Sunny Island “chán” Phước Kiển? |
Gặp khó với dòng tiền
Không chỉ có vấn đề về kết quả kinh doanh, sóng gió nhân sự, Quốc Cường Gia Lai còn đang “gặp hạn” với dòng tiền, công ty đang chủ yếu vay mượn từ các cá nhân vì không được sự ủng hộ của các ngân hàng.
Cụ thể, sau khi thanh toán kịp thời khoản nợ với BIDV Quang Trung kèm yêu cầu miễn giảm 50% tiền lãi, Quốc Cường Gia Lai đã bị ngân hàng này “bít cửa tín dụng”, đây là “nỗi hổ thẹn lớn nhất của doanh nghiệp”, theo bà Như Loan.
Cũng theo bà Loan, dù Quốc Cường Gia Lai còn nhiều tài sản nhưng đa phần là tài sản xây dựng dở dang. Bên cạnh đó áp lực lãi vay quá lớn nên công ty không dám vay thêm để mở rộng đầu tư dự án, dù có quỹ đất sạch.
Tính đến ngày 30/9, tổng nợ Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 8.379 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó nợ ngắn hạn là 7.919 tỷ đồng, tương đương 94,5% tổng nợ, tập trung tại hai khoản là doanh thu chưa thực hiện 1.075 tỷ và phải trả ngắn hạn 6.492,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại các khoản vay ngân hàng, hầu hết dự án QCG từ bất động sản, thủy điện hay nông trường cao su đều được mang đi thế chấp.
Hiện, chủ nợ lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai là ngân hàng Vietcombank chi nhánh Gia Lai với tổng số tiền vay là 490 tỷ đồng, trong đó có 74 tỷ đồng là vay ngắn hạn, còn lại là vay dài hạn.
Ngoài ra, công ty cũng đang vay mượn khoảng 1.437 tỷ đồng từ các cá nhân, trong đó riêng bà Nguyễn Thị Như Loan cho công ty vay 251,4 tỷ đồng, bà Lại Thị Hoàng Yến cho vay 342 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho vay 362,6 tỷ đồng và bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) cho vay 147,4 tỷ đồng… và tất nhiên những khoản vay này đều không có lãi.
Được biết, Phước Kiển là dự án chiếm đa phần các khoản vay tại QCG, dự án được hạch toán vào BCTC QCG từ năm 2009 với tên gọi Dự án đất nền Phước Kiển, giá trị dở dang lúc bấy giờ là 762 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối năm 2017, dự án này được coi là “phao cứu sinh” của Quốc Cường Gia Lai khi đạt được thỏa thuận về chuyển nhượng cho đối tác là Sunny Island để nhận về khoản tạm ứng gần 2.900 tỷ đồng.
Nhưng cho đến nay, sau hơn hai năm ký bản thỏa thuận đầu tiên, khu đất 90ha Phước Kiển vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao theo cam kết.
Giả sử, nếu Sunny Island không còn mặn mà với dự án này và đòi lại khoản tiền tạm ứng nói trên thì Quốc Cường Gia Lai sẽ phải đối mặt thêm với những khó khăn gì?
Có nhiều ý kiến cho rằng động thái “rút êm” của ông Nguyễn Quốc Cường tại chính doanh nghiệp mang tên mình và có ý định thành lập doanh nghiệp khác đang báo trước một sóng gió mới tại Quốc Cường.
Linh Đan