Theo nhận định của các công ty chứng khoán, quý IV/2021 là quý cao điểm của thị trường bất động sản khi các công ty sở hữu đất sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng và giá đất tăng, giúp kết quả kinh doanh quý IV và trong cả giai đoạn sắp tới sẽ tốt hơn.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại. Vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực bất động sản đạt 1,74 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; phát hành trái phiếu bất động sản cũng rất sôi động với 148.000 tỷ đồng, chiếm 37% toàn bộ doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán, sau khoảng thời gian điều chỉnh, nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng trở lại. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, thị trường diễn biến tích cực khi chính thức vượt đỉnh 1.400 điểm. Trong đó, hầu hết các ngành đều ghi nhận giao dịch tích cực, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản như các mã VHM, NVL, NBB, DRH, NVT, SD2,NHA,...
Nhóm bất động sản là ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm. |
Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu nhóm này đã có mức tăng phi mã, đưa thị giá vượt ngưỡng 100.000 đồng - 200.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Cụ thể, cổ phiếu VEF của Công ty cổ phần (CTCP) Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) - công ty con do Tập đoàn Vingroup nắm 83,3% vốn đã trở thành mã có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán sau khi tăng hơn 6,52% trong phiên 27/10. Chốt phiên ngày 29/10, cổ phiếu VEF giao dịch tại mức giá 248.000 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 đã tăng hơn 90% trong gần một tháng. Hiện, cổ phiếu L14 đang giao dịch mức 199.000 đồng/cp.
Hay như cổ phiếu CSC của CTCP Tập đoàn COTANA. Tính từ đầu tháng 10, cổ phiếu CSC cũng tạo đỉnh mới ở mức 110.000 đồng/cp sau khi tăng hơn 52% trong ngày 27/10. Cổ phiếu CSC đang giao dịch ở mức 108.900 đồng/cp.
Theo nhận định của Chứng khoán BIDV (BSC), mặc dù dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nền kinh tế chung nhưng nhờ đồng loạt đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin kết hợp với các gói hỗ trợ kinh tế (tài khóa và tiền tệ) nên kênh đầu tư chứng khoán được hưởng lợi gián tiếp do các doanh nghiệp có kỳ vọng phục hồi, tăng trưởng kết quả kinh doanh và mặt bằng lãi suất thấp hơn khiến mức chấp nhận định giá các tài sản tài chính cao hơn.
Trong đó, từ hưởng lợi triển vọng phục hồi sau dịch trong nửa cuối năm 2021 nên đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc và bất động sản khu công nghiệp được đánh giá cao hơn các nhóm còn lại.
Đánh giá về triển vọng cuối năm 2021, BSC vẫn duy trì quan điểm khả quan đối với nhóm cổ phiếu bất động sản.
Trong khi đó, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, quý IV thường là mùa hạch toán ghi nhận doanh thu các dự án bất động sản và có yếu tố vĩ mô thuận lợi khi đầu tư cơ sở hạ tầng là mục tiêu chính trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn tới năm 2030. Do đó, nhóm bất động sản là ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
Tuy nhiên, Agriseco cũng lưu ý, khi các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và dự án chất lượng có mức tăng trưởng về giá và lợi nhuận vượt trội so với ngành thì sự phân hóa trong nhóm này sẽ tiếp tục diễn ra. Hiện tại, nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản để đón chờ kết quả lợi nhuận các dự án vào cuối năm.
H.Giang