Số liệu thống kê từ HoSE và HNX cho thấy, từ đầu năm đến hết ngày 10/11/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết hoặc giao dịch trên UPCoM đạt hơn 46,6 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành toàn thị trường.
Cung vượt cầu
Trong đó, VietinBank (CTG), VPBank (VPB), BIDV (BID) và MB (MBB) là những ngân hàng có số cổ phần lưu hành lớn nhất thị trường hiện nay với số cổ phiếu lưu hành lần lượt là 4,806 tỷ, 4,445 tỷ, 4,022 tỷ và 3,778 tỷ đơn vị.
Bảng tổng hợp số cổ phiếu ngân hàng đang lưu hành tính đến ngày 10/11/2021. |
Cũng theo thống kê, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường gần 10,3 tỷ cổ phiếu thông qua việc niêm yết mới, đăng ký giao dịch trên UPCoM và phát hành thêm.
Cụ thể, bên cạnh 3 ngân hàng mới gia nhập thị trường chứng khoán trong năm nay là Ngân hàng Phương Đông (OCB) đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HoSE, Ngân hàng Đông Nam Á (SSB) niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HoSE, và Ngân hàng Việt Á (VAB) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM, đã có gần 7 tỷ cổ phiếu mà các ngân hàng chia cổ tức, phát hành cho cổ đông hiện hữu, ESOP (cổ phiếu phát hành theo chương trình chọn lựa người lao động) cũng được đưa vào thị trường.
Như vậy, theo kế hoạch các ngân hàng đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, con số trên chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch. Do đó, nếu thực hiện đúng kế hoạch, cuối năm sẽ có thêm 5 tỷ cổ phiếu nữa được các ngân hàng đưa vào lưu hành trên thị trường chứng khoán.
Thực tế cho thấy, trong kế hoạch cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều nhà băng đã dự kiến đưa thêm hàng tỷ cổ phiếu vào thị trường thông qua chia cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ.
Điển hình như Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Nếu thành công, lượng cổ phiếu lưu hành của Vietcombank sẽ tăng lên hơn 4,7 tỷ đơn vị.
Tương tự, BIDV cũng chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về việc trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%.
Có thể thấy, việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành đã phần nào khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá làm cho giá cổ phiếu điều chỉnh giảm trong thời gian qua.
Trái ngược với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, sau khi chốt quyền chia cổ tức, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc mạnh như cổ phiếu VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam) đã liên tục giảm giá kể từ ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 40%; cổ phiếu CTG của VietinBank cũng giảm sâu sau khi chốt quyền trả cổ tức hơn 29% bằng cổ phiếu vào ngày 8/7.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS): “Khi nguồn cung quá nhiều và về dồn dập trong một thời gian ngắn sẽ dẫn tới việc cổ phiếu bị pha loãng. Điều này chắc chắn có tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư”.
Kỳ vọng đảo chiều
Có thể thấy, sau giai đoạn giảm sâu, mặc dù một số mã có tốc độ phục hồi khá cao nhưng nhìn chung nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn luôn rơi vào trạng thái đi ngang. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng dẫn tới việc cắt lỗ hàng loạt làm cho giá cổ phiếu khó có thể hồi phục trong một thời gian ngắn.
Hiện tại, thị giá nhiều mã ngân hàng đã có mức giảm khá sâu so với mức đỉnh hồi cuối tháng 6. Trong đó, giảm sâu nhất vẫn là VIB và CTG (khoảng 24%), LPB, VCB, EIB, MBB, BAB (hơn 10%).
Nhóm ngân hàng vẫn nhận được sự kỳ vọng vào giai đoạn sắp tới. (Ảnh: Int) |
Đáng chú ý, trong phiên thanh khoản kỷ lục ngày 3/11 với gần 52.000 tỉ đồng, tương đương 2,28 tỉ USD, thị trường chứng kiến một loạt cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, cùng với đó là sự bán tháo ở nhóm bất động sản đã mang tới kỳ vọng về sự xoay chiều của cổ phiếu “vua”. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu ngân hàng lại tiếp tục rơi vào trạng thái đi ngang (sideway), trong đó nhiều mã bluechip suy giảm.
Đánh giá về triển vọng của nhóm ngân hàng trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, giá cổ phiếu ngân hàng đã trải qua giai đoạn tăng trưởng khá nóng vào đầu năm. Cùng với đó là việc bị pha loãng mạnh mẽ nên cần khoảng thời gian dài để thị trường hấp thụ hàng tỷ cổ phiếu phát hành mới. Nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng muốn tăng phải đi kèm hai yếu tố là dòng tiền thực sự lớn để đẩy giá nhóm này lên và kết quả kinh doanh làm bệ đỡ.
Tương tự, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư TVSI cho rằng, trong giai đoạn quý IV/2021 hay cả năm 2022, khả năng gia tăng tín dụng sẽ hỗ trợ ngân hàng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, trong 1, 2 tuần gần đây, một số cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (CTG, MBB,...) đang có xu hướng đi lên và trong quý IV/2021 có thể sẽ là nhóm biến động tốt. Tuy nhiên, để quay trở lại đỉnh vào thời điểm quý I và quý II/2021 sẽ cần một khoảng thời gian khá dài.
Trong khi đó, đối với một số mã cổ phiếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt cùng với chất lượng tài sản ổn định của một vài ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (TCB, TPB, HDB,...) sẽ còn động lực nhất định giúp cho các cổ phiếu này tiếp tục vượt đỉnh cũ trong tháng 7/2021, vươn lên một mức giá mới.
Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, dòng cổ phiếu ngân hàng được đánh giá tương đối ổn định và sẽ còn một số cơ hội cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.
“Tôi đánh giá đây là thời điểm thích hợp để tích lũy dần một số cổ phiếu ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao và nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có thể duy trì cho chỉ số VN-Index ổn định đi lên trong giai đoạn sắp tới”, ông Nam chia sẻ.
Hải Giang