Những thương hiệu nổi tiếng một thời này được kỳ vọng sẽ tìm lại "ánh hào quang" khi quay lại sàn chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong muốn, những cổ phiếu này thường xuyên mất thanh khoản, thị giá đi ngang.
Nhà đầu tư "ngó lơ"
Cổ phiếu TTJ của CTCP Thủy Tạ bắt đầu giao dịch trên UpCOm từ cuối tháng 6/2017 với giá tham chiếu là 31.000 đồng/cp. Từ khi lên sàn, cổ phiếu TTJ liên tục tăng giá, gấp hơn hai lần, lên 77.190 đồng/cp.
Kem Thủy Tạ hiện đang khai thác nhà hàng trên đất vàng bên Hồ Gươm và 259 cửa hàng, đại lý kinh doanh phủ khắp Hà Nội. Nhưng cơ cấu cổ đông cô đặc, chưa có chiến lược mới cho hoạt động kinh doanh là nguyên nhân khiến TTJ chưa thu hút được nhà đầu tư lớn.
Hơn nữa, do nguồn vốn hạn chế nên Thủy Tạ cũng không khai thác được hết tiềm năng của mình, không đổi mới, cải tiến dây chuyền sản xuất, hay mở rộng địa điểm kinh doanh.
Trong vòng ba tháng kể từ khi chính thức lên sàn, cổ phiếu TTJ chỉ khớp lệnh được gần 10.000 đơn vị, trong một tháng trở lại đây hầu như không có thanh khoản.
Tương tự như TTJ, cổ phiếu CMN của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (đơn vị sở hữu thương hiệu mỳ tôm Miliket), bắt đầu lên sàn từ tháng 7/2017 với giá khởi điểm là 25.000 đồng/cp.
Cổ phiếu này cũng tăng hơn 50% ngay sau khi lên sàn, nhưng thanh khoản chỉ từ vài trăm cho tới vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Niêm yết trên sàn gần 5 triệu cổ phiếu, nhưng vốn của Colusa-Miliket chỉ đạt 124 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt 1.981 đơn vị, hiện đang giao dịch tại mức giá 51.500 đồng/cp.
Trước đó, năm 2016, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của đơn vị này đạt 41%, thu nhập trên vốn cổ phần đạt 4.103 đồng/cp.
Bi đát hơn là cổ phiếu DTN của CTCP Diêm Thống Nhất lên sàn chứng khoán từ năm 2014 với giá tham chiếu 12.000 đồng/cp. Sau 4 năm giao dịch, cổ phiếu này đã mất gần 3 lần giá trị, hiện đang giao dịch tại mốc giá 4.800 đồng/cp.
Đi cùng với sự sụt giảm của cổ phiếu là tình trạng mất thanh khoản kéo dài, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt 224 cổ phiếu. Đặc biệt, từ đầu năm 2018, DTN mới khớp lệnh hai phiên giao dịch.
Tương tự là cổ phiếu GTD của CTCP Giày Thượng Đình. Hiện cổ phiếu này đã mất 77,2% thị giá, chỉ còn 10.000 đồng/cp, và cũng không có thanh khoản. Cổ phiếu này hiện bị hạn chế và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017 của công ty.
Việc cổ phiếu GTD lao đao cũng một phần do kết quả kinh doanh của Giầy Thượng Đình không mấy khả quan |
Vật lộn trong khó khăn
Cổ phiếu của những thương hiệu "vang bóng một thời" rơi vào tình trạng "hẩm hiu" là do gặp nhiều khó khăn khi vấp phải sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ thị trường.
Doanh thu của Kem Thủy Tạ trong 5 năm gần đây chỉ quanh ngưỡng 50 tỷ đồng/năm và gần như không có tăng trưởng, với biên lợi nhuận gộp khoảng 20 tỷ đồng.
Vẫn báo lãi đều đặn nhưng kết quả kinh doanh mảng kem của Thủy Tạ đang ngày càng sụt giảm. Từ mức 2,2% thị phần của năm 2013 đã liên tục giảm trong các năm gần đây, đến năm 2017 chỉ còn 1,5%. Kem Thủy Tạ đang bị các ông lớn Kido, Vinamilk, Unilever… bỏ rất xa về thị phần nắm giữ.
Từng trở thành "vua mỳ tôm" vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhưng sự xuất hiện của các đối thủ nhiều tiền đã khiến thị phần của Miliket ngày càng thu hẹp.
Tuy nhiên, cũng giống Kem Thủy Tạ, Miliket vẫn đều đặn báo lãi hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Năm 2017, doanh thu thuần của Miliket đạt 553 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 23 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Đạt được những thành tựu này là nhờ việc tập trung vào thị trường nông thôn, người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, hàng ăn.
Việc cổ phiếu GTD lao đao cũng một phần do kết quả kinh doanh của Giầy Thượng Đình không mấy khả quan.
Năm 2017, Giầy Thượng Đình ghi nhận khoản lỗ 14 tỷ đồng, tăng đột biến so với năm trước dù doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng. Nguyên nhân chính là do phải trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu.
Trước đó, tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa nhưng doanh nghiệp vẫn đều đặn báo lãi mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất của Giày Thượng Đình có lẽ là đang sở hữu một danh mục bất động sản có giá trị, với nhiều nhà xưởng nằm trên khu đất "vàng". Trong đó, đáng kể là khu đất rộng hơn 36.000m2 trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Việc nhiều nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu của những thương hiệu này là do họ đang kiếm tìm tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu và triển vọng tương lai của doanh nghiệp.
Thùy Linh