Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) đăng ký giao dịch 308 triệu cổ phiếu với mã SGB. Vốn điều lệ của ngân hàng là 3.080 tỷ đồng, xếp cuối trong ngành dù đã có 27 năm hình thành và phát triển. Cổ phiếu SGB của Saigonbank là cổ phiếu ngân hàng thứ 2 giao dịch trên sàn UPCoM trong năm nay sau cổ phiếu BVB của VietCapital Bank.
Lợi nhuận mang tính kỹ thuật
Mặc dù là một trong những ngân hàng "có tuổi" nhất trong hệ thống ngân hàng, nhưng Saigonbank lại có hoạt động kinh doanh không mấy tươi sáng, lợi nhuận trồi sụt thất thường. Cụ thể, lợi nhuận năm 2016, 2017, 2018, 2019 và Quý I/2020 lần lượt đạt: 139 tỷ đồng, 55 tỷ đồng, 41 tỷ đồng 144 tỷ đồng và 48,36 tỷ đồng.
Saigonbank được đánh giá là có hoạt động kinh doanh không mấy tươi sáng, lợi nhuận trồi sụt thất thường |
Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 42% so với cùng kỳ lên 125 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch kinh doanh năm. Khoản lợi nhuận tăng vọt này được cho là mang tính kỹ thuật bởi ngân hàng giảm tới 86% trích lập dự phòng xuống chỉ còn 6 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến ngày 30/6/2020 của Saigonbank là 20.569 tỷ đồng, giảm 10% so với cuối năm 2019. Trong đó giảm mạnh nhất là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác, giảm hơn 1.400 tỷ đồng, sau đó là cho vay khách hàng giảm 3% còn 14.037 tỷ đồng.
Ngoài ra, Saigonbank còn đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác, với giá trị ghi nhận cho tới cuối quý II/2020 đạt mức 99,3 tỷ đồng. Trong đó, có khoản góp vốn hơn 71,7 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) tương đương tỷ lệ sở hữu 2,34%.
Tổng tài sản giảm nhưng khoản mục tài sản có khác lại tăng mạnh thêm gần 25% lên mức 432 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu tăng; lãi phí phải thu đều tăng lần lượt 45% và 33%. Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng đến 30/6 tăng gấp 2,4 lần so với cuối năm 2019 lên mức 2.844 tỷ đồng, chủ yếu là cam kết giao dịch ngoại hối ở mức 2.436 tỷ đồng.
Cũng giống như VietCapital Bank, BCTC quý II/2020 của Saigonbank không có bản thuyết minh chi tiết nên không cụ thể được các khoản nợ xấu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra, HĐQT ngân hàng cho biết, đối với việc xử lý nợ tồn đọng, ngân hàng sẽ sử dụng các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhằm xử lý cơ bản nợ xấu, tăng thu nhập; kiểm soát nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Về trách nhiệm với cổ đông, “sau 3 năm dồn lực xử lý nợ xấu thì đúng ra năm nay ngân hàng sẽ chia lợi nhuận với tỷ lệ 4% nhưng vẫn xin phép cổ đông để dành chưa chia”, ông Vũ Quang Lãm – Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho biết.
Luẩn quẩn với “mớ bòng bong”
Trước thềm niêm yết, bên cạnh việc không giữ vững được phong độ kinh doanh Saigonbank còn có nhiều vướng mắc về cơ cấu cổ đông, vốn điều lệ luôn ở mức thấp nhất hệ thống nhưng không chịu tăng vốn dù đã được NHNN chấp thuận.
Saigonbank đã được chấp thuận niêm yết cổ phiếu SGB trên sàn UPCoM |
Theo đó, tính đến ngày 29/5/2020 Saigonbank có 2.183 cổ đông, trong đó 50 cổ đông tổ chức sở hữu hơn 239,87 triệu cổ phần, tương đương 77,883% vốn điều lệ.
Danh sách cổ đông cũng cho thấy Saigonbank có 4 cổ đông lớn là Văn phòng Thành ủy Tp. HCM với tỷ lệ sở hữu cao nhất 18,8% (tương đương 56 triệu cổ phần), tiếp đó là Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận với tỷ lệ 16,64% (51,25 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa nắm giữ 16,35% (50,3 triệu cổ phần) và Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp. HCM (Saigon Petro) nắm 14,08% vốn điều lệ (43,3 triệu cổ phần).
Phần lớn các cổ đông lớn của Saigonbank đều có đại diện trong HĐQT nhà băng này. Có thể kể đến như ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank, là đại diện vốn cho Văn phòng Thành ủy Tp. HCM và Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận. Bà Trần Thị Phương Khanh, Thành viên HĐQT Saigonbank, đại diện cho số cổ phần của Saigon Petro.
Trong khi đó, cổ đông lớn Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ Hòa không có đại diện trong HĐQT Saigonbank ngay cả trên giấy tờ. Ngoài ra, Saigonbank còn có 1 cổ đông “gần lớn” là tổ chức nước ngoài nắm giữ 15,22 triệu cổ phần, tương đương 4,944% vốn điều lệ.
Về vốn điều lệ, tháng 3/2016 Saigonbank đã được NHNN chập thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng nhưng từ đó đến nay nhà băng này vẫn chưa triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng đang phải áp chuẩn Basael II.
Hiện, vốn điều lệ của Saigonbank vẫn “dậm chân tại chỗ” ở mức hơn 3.000 tỷ đồng. Được biết, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4.080 tỷ đồng đã được nhà băng này nhắc đến từ năm 2014.
Mặc dù khó tăng vốn nhưng Saigonbank lại từ chối thương vụ M&A với Vietcombank hồi cuối năm 2014 đầu năm 2015. Trong khi đây được xem là giải pháp khả thi nhất cho nhà băng này, nhất là khi nợ xấu tăng cao.
Những vấn đề này khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra "lăn tăn" về sức mạnh của cổ phiếu SGB sẽ niêm yết trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Saigonbank vẫn được khá nhiều nhà đầu tư săn đón.
Thế mạnh của nhà băng này nằm ở khối bất động sản lớn đang sở hữu như: Khách sạn Riverside Saigon (18-19-10 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM); Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C - Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) ; một tòa nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM) với 2 mặt tiền; ngôi nhà ở 40 - Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở quận 7 (TP.HCM), Lào Cai, Đắc Lắk…
Linh Đan