Trong mấy ngày vừa qua, giá dầu thô duy trì đà tăng, theo diễn biến xung đột Israel - Hamas. Thị trường lo ngại đợt bùng phát chiến sự lần này có thể tác động đến nguồn cung "vàng đen" của một số quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới như Saudi Arabia và Iran.
Cổ phiếu ngành dầu khí hưởng lợi
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent trung bình quý IV/2023 sẽ duy trì quanh ngưỡng 93 USD/thùng, đưa giá trung bình cả năm 2023 lên mức 84 USD/thùng, và 88 USD/thùng cho năm 2024. Mức dự phóng này cũng tương đồng với dự phóng từ 42 nhà kinh tế học và phân tích do Reuters khảo sát hồi tháng 9/2023 là 84 USD/thùng cho năm 2023 và 86,45 USD/ thùng cho năm 2024.
Giá dầu thô dự báo neo cao sẽ có các tác động trái chiều đến hoạt động kinh doanh cũng như giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp. |
Không chỉ tác động đến giá dầu thế giới, ngay sau khi xung đột tại Trung Đông bùng nổ, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực dầu khí cũng tăng mạnh trong phiên đầu tuần (9/10), đó là nhóm cổ phiếu ngành phân bón, hóa chất và rõ nhất là nhóm dầu khí.
Cụ thể, GAS (PVGAS) tăng 2,97%, là trụ mạnh nhất của VN-Index. Cùng với đó, PSH (Dầu khí Nam Sông Hậu) tăng kịch trần, PVC (Hóa chất và Dịch vụ dầu khí) tăng 6,13%, BSR (Lọc - Hóa dầu Bình Sơn) tăng 4,59%, OIL (Tổng công ty Dầu Việt Nam) tăng 4%, PVB (Bọc ống dầu khí Việt Nam) tăng 3,68%, PVS (Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) tăng 3,53%, PVD (PV Drilling) tăng 3,1%...
Nhìn chung, việc giá dầu thô tăng cao được cho là tác động tích cực tới nhóm doanh nghiệp dầu khí niêm yết, nên dòng tiền “vội vã” tìm đến ngay những cổ phiếu thuộc nhóm ngành này. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng cao kết hợp với áp lực tỷ giá USD/VND sẽ tác động không đồng nhất đến từng doanh nghiệp, là điểm mà nhà đầu tư cần cân nhắc chú ý.
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), giá dầu thô tăng cao sẽ có “tác động nhanh” lên kết quả kinh doanh của PVGAS, nhưng có thể chỉ “tác động mức trung bình” đến kết quả kinh doanh của CTCP Lọc - Hóa dầu Bình Sơn và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX).
Trong khi đó, mức độ hưởng lợi của PV Drilling và Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam sẽ “có độ trễ từ 6 - 12 tháng”. Còn đối với Phân bón Dầu Khí Cà Mau (DCM) và Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), giá dầu tăng cao chỉ “tác động trung tính” đến hoạt động kinh doanh của 2 doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, ACBS nhận định PVGAS và PV Drilling chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND.
Cụ thể, PV Drilling sẽ đối mặt với “rủi ro tỷ giá ở mức cao” khi nợ vay chiếm tới 18% tổng tài sản của doanh nghiệp này; trong đó hầu như toàn bộ là vay bằng USD với dư nợ vay tại cuối quý II/2023 là 151,8 triệu USD, tương đương 3.554 tỷ đồng với lãi suất thả nổi theo LIBOR cộng biên độ.
“Đồng USD cứ tăng giá 1% sẽ khiến PV Drilling lỗ tỷ giá 35 tỷ đồng”, ACBS ước tính.
Còn hoạt động kinh doanh của PVGAS chịu tác động của tỷ giá ở cả đầu ra và đầu vào, nhưng dữ liệu lịch sử cho thấy chênh lệch tỷ giá/lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp luôn dưới 2%.
“Đầu sóng ngọn gió” với dịch vụ vận chuyển
Chiều ngược lại, giá xăng dầu tăng có tác động trực tiếp rất mạnh lên các công ty và giá cả hàng hóa. Tùy theo dịch vụ hàng hóa trực tiếp hay gián tiếp mà mức độ bị ảnh hưởng khác nhau, nhưng tất cả cáclĩnh vực đều chịu tác động. Các dịch vụ vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất, sau đó là các hàng hóa có chi phí vận chuyển cao.
Tại Việt Nam, đa số doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đều có chi phí dựa trên năng lượng từ xăng dầu và đều cao hơn các nước. Điều này là do kết cấu vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam chủ yếu dựa trên đường bộ nên phải chịu chi phí cao hơn.
Cùng với đó, các dạng sản xuất tại Việt Nam đều thâm dụng nhiên liệu nhiều hơn các nước, do máy móc thiết bị thuộc thế hệ cũ nhiều hơn. Hơn nữa, kết cấu về quản lý, vận chuyển, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam chưa được hợp lý như các nước.
Nhìn chung, giá xăng dầu neo cao có thể tạo áp lực tiêu cực lên chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa, logistics, nhựa, săm lốp… Do đó, cổ phiếu của những nhóm ngành liên quan sẽ không được “sáng cửa”.
Với ngành vận tải, giá xăng Jet A1 và dầu DO/FO để vận hành máy bay và tàu biển có tương quan thuận chiều với giá dầu thô. Theo ước tính, chi phí nhiên liệu chiếm 30 - 50% giá vốn của các doanh nghiệp vận tải thuộc 2 loại hình này.
Với ngành săm lốp, giá dầu tăng khiến giá cao su tổng hợp - sản phẩm thay thế cao su tự nhiên cũng tăng. Đây là 2 nguyên vật liệu đầu vào chính chế tạo săm lốp (cao su tự nhiên chiếm 35% giá vốn, cao su tổng hợp chiếm 11 - 15% giá vốn). Do đó, dự báo giá dầu neo cao sẽ làm cho chi phí nguyên vật liệu các doanh nghiệp săm lốp cao hơn.
Ngành nhựa cũng được đánh giá tiêu cực do hạt nhựa là chế phẩm dầu mỏ, nên có tương quan cao với giá dầu, đặc biệt là với hạt nhựa PE và PP.
Ngành điện cũng tiêu cực do giá dầu tăng kéo theo giá khí tăng làm cho các doanh nghiệp sản xuất điện khí khó hưởng lợi. Dù vậy, tác động của giá khí lên lợi nhuận của các doanh nghiệp điện khí không quá lớn với 85% biến động giá nguyên liệu đầu vào được chuyển sang cho EVN.
Riêng đối với nhóm ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, giá xăng dầu tăng, chi phí logistics cũng sẽ tăng cao, các doanh nghiệp nhóm ngành này sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, khiến lợi nhuận bị "bào mòn". Dù vậy, tỷ giá vẫn trong xu hướng tăng cao lại tác động có lợi cho xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Cho nên, với nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao.
Tại tọa đàm “Tâm điểm vĩ mô và thị trường chứng khoán quý IV” vừa diễn ra, ông Đào Minh Châu – Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu, SSI Research đã có chia sẻ về những nhóm ngành đầu tư nổi bật trong quý IV/2023 và năm 2024.
Theo đó, ông Châu cho rằng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là nhóm ngành được đánh giá cao, dự báo sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho tại các thị trường lớn thời gian gần đây đang giảm dần. Sang năm 2024, dự báo nhóm ngành này sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận 20%.
"Tuy nhiên, định giá một số cổ phiếu đã phản ánh triển vọng phục hồi năm sau, vì vậy nhà đầu tư nên mua vào trong thời điểm điều chỉnh hơn là mua đuổi giá cổ phiếu”, ông Châu lưu ý.
Hải Giang