Khoảng 2 tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu thủy sản, tiêu biểu như cổ phiếu IDI (Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I), VHC (Vĩnh Hoàn), ANV (thủy sản Nam Việt), FMC (thực phẩm Sao Ta)… đã ghi nhận đà tăng mạnh từ 11% - 18% cùng thanh khoản tăng lên đáng kể.
VHC tăng lên mức cao nhất 12 tháng
Thậm chí, cổ phiếu của “nữ hoàng cá tra” VHC còn tăng lên mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây (84.500 đồng/cp phiên 20/9). So với mức đáy hồi cuối tháng 3/2023, cổ phiếu này đã tăng hơn 58%.
Cổ phiếu VHC tăng lên mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây. |
Thủy sản Vĩnh Hoàn hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm thị phần chi phối tại Mỹ, Canada và Anh. Tính đến tháng 6/2023, doanh nghiệp cho biết doanh thu từ thị trường Mỹ (chiếm 30% - 35% doanh thu) giảm 25% và thị trường châu Âu (chiếm 20% doanh thu) giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tình trạng chung của toàn ngành thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Thủy sản Vĩnh Hoàn đã có tín hiệu khởi sắc trong quý II/2023. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này sang Mỹ và Trung Quốc trong quý II/2023 đã lần lượt tăng 31% và 43% so với quý I/2023. Đồng thời, tỷ suất lãi gộp trong quý II/2023 đạt 20,7%, cao hơn mức 17,3% của quý I/2023.
Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn thông tin, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đã được cải thiện so với quý II/2023 cả về sản lượng và giá tiêu thụ.
Nhìn chung, sự chuyển biến mạnh của nhóm cổ phiếu thủy sản diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản được hỗ trợ từ yếu tố tỷ giá khi tỷ giá USD/VND đang tăng trở lại trong thời gian gần đây.
VNDirect Research nhận định, mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (ít hơn 3%) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu này nhen nhóm nổi sóng một phần bắt đầu từ kỳ vọng sau chuyến sang thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hiện, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Mới đây nhất, sau chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan với Ủy ban châu Âu (EC) nhằm nỗ lực vận động EC gỡ thẻ vàng hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trước khi Đoàn thanh tra IUU vào Việt Nam tiến hành đợt thanh tra thứ 4 đã đẩy nhóm cổ phiếu thủy sản “bùng cháy”.
Theo đó, ngay đầu phiên sáng 20/9, chỉ số ngành thủy sản đã tăng 5,3% và dẫn đầu thị trường, gần 11 triệu cổ phiếu đã được sang tay (giá trị tương ứng 285 tỷ đồng) trong đó quá nửa thuộc về cổ phiếu IDI.
Dòng tiền mua đồng loạt gia tăng ở các cổ phiếu ngành này. Trên đồ thị kỹ thuật, IDI, FMC, VHC,... đang có xu hướng bứt lên khỏi vùng đỉnh giá (kháng cự) 1 năm.
Kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc những tháng cuối năm
Ngoài ra, động lực chính giúp nhóm này duy trì “phong độ” trong những tháng cuối năm được cho là tình hình xuất khẩu cho thấy những tín hiệu tích cực hơn và dự báo quý cuối năm sẽ tốt hơn khi thị trường xuất khẩu bước vào mùa tiêu thụ lễ tết.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt trên 1 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 30%, xuất khẩu cá tra giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia nhận định, Hoa Kỳ là thị trường có nhiều triển vọng để hai sản phẩm chủ lực tôm, cá tra “đột phá” về doanh số xuất khẩu những tháng cuối năm. Dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ cũng sẽ tích cực hơn do đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ có xu hướng tăng, nhu cầu cho dịp lễ cuối năm tích cực hơn, nhu cầu nhập hàng phục vụ dịp “Lễ hội ăn chay” (Lent) năm tới cũng nhích lên…
Ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, sức mua tôm của thị trường Hoa Kỳ đang phục hồi trở lại. Thị trường này kỳ vọng sớm khởi sắc trong năm 2024. Nguyên nhân là lạm phát của Hoa Kỳ dần được kiểm soát, ngoài ra thông tin thị trường và chính sách minh bạch, ổn định góp phần tạo cơ hội thuận lợi khi xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Tương tự, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ những tháng cuối năm và thời gian tới cũng được dự báo đang có những tín hiệu tích cực khi mới đây VASEP đón nhận thông tin cá tra Việt Nam được giảm thuế ở Hoa Kỳ.
Cụ thể, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị đơn bắt buộc gồm: Vĩnh Hoàn và Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg. Các doanh nghiệp tự nguyện khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là Đầu tư phát triển đa quốc gia I.D.I, Thủy sản Cafatex, Thủy sản Lộc Kim Chi và Thủy sản Hùng Vương.
Theo VASEP, mức thuế sơ bộ lần này giảm so với kết quả cuối cùng trước đó. Đây là những tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.
Trong báo cáo phân tích triển vọng kinh tế Việt Nam mới công bố của Chứng khoán VCBS, tình hình cuối năm được kỳ vọng sẽ “sáng” hơn trong bối cảnh nhu cầu trữ kho tại các thị trường xuất khẩu tăng khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội.
Việc các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, kỳ vọng thu hút được nhiều bạn hàng hơn. Lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này. Hiện hàng tồn kho bên Mỹ cũng đã cạn dần và nhu cầu nhập hàng của họ sẽ quay trở lại phục vụ mùa cao điểm lễ hội trong quý III có thể là yếu tố hỗ trợ giá cá tra tại khu vực Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, hoạt động vận tải được khơi thông với giá cước vận tải xuống mức rất thấp so với cùng kỳ, nguồn cung tàu và thiết bị container đã đáp ứng đủ tại các cảng Châu Á, trong khi đó các cảng tại Mỹ hầu như đạt tối đa công suất cho thấy tình trạng tắc nghẽn đã dần được xử lý.
“Cuối quý III/2023, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ sẽ phục hồi, tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Cùng với đó, thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục cải thiện và ổn định; xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022”, các chuyên gia đưa ra dự báo.
Hải Giang