Sau thời kỳ chạm đáy năm 2016, giá dầu trên thị trường thế giới đã bắt đầu xu hướng phục hồi từ đầu năm 2017 nhờ nhu cầu năng lượng tăng cao. Cổ phiếu nhóm ngành dầu khí, nhờ đó, cũng tăng và được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trong năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng của nhóm này trong năm 2017 có thể chỉ là “mưa cơn”, bởi cổ phiếu dầu khí vốn phụ thuộc nhiều vào giá dầu và do đó mức tăng khó kỳ vọng duy trì ổn định.
Nhiều doanh nghiệp báo lỗ
Nhận định của các chuyên gia có vẻ như đã đúng khi hết quý I/2018, nhiều doanh nghiệp dầu khí công bố BCTC quý I với lợi nhuận tăng trưởng âm.
Chẳng hạn, CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã: PXS), công bố kết quả kinh doanh với doanh thu thuần chỉ đạt 18,6 tỷ đồng, giảm 94,4% so với con số 343,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017.
Lãi gộp vỏn vẹn 2,85 tỷ đồng, giảm gần 94% so với cùng kỳ; sau khi trừ các khoản chi phí; doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh đạt 28,6 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 khoản này PXS thu về 2,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí PXS chịu lỗ 20,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thuế đạt 20,17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của PXS là 488,9 tỷ đồng, chiếm 67,4% vốn chủ sở hữu (724,7 tỷ đồng).
Tương tự, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling – mã : PVD) cũng công bố BCTC quý I/2018 với kết quả kinh doanh thua lỗ.
Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần đạt 1.105,7 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần cùng kỳ nhưng giá vốn lại lên tới 1.150,3 tỷ đồng nên PVD chịu lỗ gộp 44,56 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 7,8 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí và chịu thêm hơn 4 tỷ đồng lỗ từ hoạt động liên doanh liên kết, kết quả PVD lỗ ròng 253 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 239 tỷ đồng. Cùng kỳ, PVD cũng lỗ gần 201 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2018, doanh thu thuần của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP_ (mã: PVC) đạt 514 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt gần 32 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các khoản chi phí và chịu thêm lỗ khác 1,4 tỷ đồng, PVC lỗ ròng 12,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017, doanh nghiệp này đã lỗ gần 17 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp “họ” dầu khí khác như CTCP Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An (mã: PXA) đã báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp, hay Tư vấn Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã: PPE) báo lỗ 2,37 tỷ đồng; Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí (mã:PXI) cũng báo lỗ thêm 1,85 tỷ đồng trong quý I/2018 sau khi đã lỗ liên tiếp trong 2 năm 2016 và 2017.
Thậm chí, ngay cả CTCP chứng khoán dầu khí (mã: PSI) cũng báo lỗ 230 triệu đồng trong quý I/2018, đi ngược lại đà tăng trưởng của các công ty chứng khoán khác.
Kinh doanh bết bát và thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh mẽ khi Vn-Index liên tục bị đục thủng các ngưỡng hỗ trợ đã phản ánh vào họ cổ phiếu dầu khí.
Giá dầu tăng, cổ phiếu họ dầu khí lại giảm |
Chưa rõ điểm hồi phục
Cổ phiếu PXS đã giảm 40,1% so với hồi đầu năm, hiện đang giao dịch tại mốc giá 6.190 đồng/cp; PVS cũng giảm 30,5% so với hồi đầu năm, hiện đang giao dịch tại mốc giá 16.400 đồng/cp; thị giá cổ phiếu PVD đã giảm gần 36%, xuống còn14.950 đồng/cp.
Trong một tháng trở lại đây, “ông lớn” GAS đã liên tiếp giảm từ mốc giá 136.100 đồng/cp hồi đầu tháng 4, hiện đang giao dịch tại mốc giá 98.000 đồng/cp (phiên giao dịch ngày 3/5), tương đương mức giảm 28,2%.
Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ lên 93.100 đồng/cp hồi đầu năm, hiện PLX đang giao dịch tại mức giá 66.200 đồng/cp, tương đương mức giảm 28,8%.
Bi đát hơn là PXA đang đứng trước bờ vực bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017. Nằm trong diện bị kiểm soát là PVC, PCN và PXI. PXI thuộc diện bị cảnh báo.
Nhằm khắc phục tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm phương án mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, hay thực hiện bán vốn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tập trung thu hồi công nợ….
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cổ phiếu của một nhóm ngành dầu khí lệ thuộc quá nhiều vào giá dầu thế giới, nên mức tăng trưởng là khó kỳ vọng, trừ khi có thêm các yếu tố hỗ trợ khác hoặc phải cho ra đời những sản phẩm đột phá.
CTCK Rồng Việt cũng đưa ra cảnh báo về việc OPEC và các đồng minh có thể cắt giảm sản lượng thỏa thuận sớm hơn so với dự kiến nếu thị trường sớm trở về trạng thái cân bằng.
Trước đó, OPEC và Nga quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018 với mức sản lượng vào khoảng 1,8 triệu thùng/ngày.
Theo một chuyên gia, nhóm cổ phiếu dầu khí khó có thể quay trở lại thời kỳ vàng son, do kết quả kinh doanh yếu kém, ngay cả khi giá dầu lên cũng không tác động nhiều.
Thùy Linh