Mức giá chào sàn của FRT là 125.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường OTC. Tại thời điểm cuối tháng 3, các quỹ thuộc công ty quản lý quỹ VFM và VinaCapital ghi nhận giá cổ phiếu FRT ở mức từ 140.000-150.000 đồng/cp.
Mức giá chào sàn này của FRT đúng bằng với thị giá cổ phiếu MWG của Thế giới Di động chào sàn cách đây 4 năm.
Doanh thu ổn định
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của FPT Retail, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của công ty đạt 13.146 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2016.
Chi phí tài chính ghi nhận 82 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó chi phí lãi vay là 78,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng đạt 1.154 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 334,2 tỷ đồng, tăng 45,6% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 363 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 289,8 tỷ đồng, tăng 39,6%.
Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản FPT Retail đạt 3.871 tỷ đồng, giảm 17,8% so với năm 2016; hàng tồn kho đạt 1.723 tỷ đồng, giảm 11,55% so với đầu kỳ. Bên cạnh đó, nợ phải trả cũng giảm một khoản tương ứng do công ty tất toán nhiều khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 796,4 tỷ đồng, tăng 54,5% so với đầu kỳ; trong đó khoản lợi nhuận chưa phân phối đạt 396,4 tỷ đồng. Thị phần bán lẻ di động của FPT Retail đứng thứ hai tại Việt Nam với 18%, sau Thế Giới Di động là 45%.
FPT Retail đang sở hữu hai chuỗi bán lẻ là FPT Shop (bán điện thoại di động, máy tính xách tay và phụ kiện từ nhiều thương hiệu) và F.Studio (cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple).
Trong năm 2017, ước tính mỗi ngày hệ thống bán lẻ FPT Shop thu hơn 36 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với bình quân năm trước.
Đáng chú ý, năm 2017, FPT Retail ghi nhận gần 660,2 tỷ đồng tại khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn khác, tăng gần gấp đôi so với đầu năm (370,2 tỷ đồng).
Theo thuyết minh tại Báo cáo tài chính của công ty, chiếm tỷ trọng lớn trong khoản phải thu này là các khoản phải thu hỗ trợ từ nhà cung cấp để thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mãi cho các đại lý mà nhà cung cấp cam kết tài trợ.
Về lý thuyết, các khoản phải thu này đều đã được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp. Từ đó hình thành cơ sở xác định lợi nhuận chung. Do đó, khi thu hồi, khoản phải thu này sẽ được coi là lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tính đến hết năm 2017, FPT Retail còn ghi nhận 25,4 tỷ đồng nợ xấu nhưng chỉ mới thu hồi được 14,65 tỷ đồng, trong đó khoản nợ gần 4,2 tỷ đồng đến từ DigitalTown City không thể thu hồi và 6,6 tỷ đồng nợ khác.
Cổ phiếu FRT chính thức chào sàn ngày 26/4 |
Chiến lược kinh doanh tham vọng
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của FPT Retail, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc, cho biết chiến lược cốt lõi trong thời gian tới của FPT Retail là phát triển mạnh mảng F.Studio, bằng việc tận dụng kênh phân phối sẵn có để phát triển mạnh chuỗi cửa hàng Apple Store với mục tiêu 100 cửa hàng trong năm 2018.
Theo bà Điệp, các nước trên thế giới có tới 400-500 cửa hàng Apple chính hãng thu hút được lượng lớn khách hàng, Việt Nam là thị trường thứ ba trong kênh phân phối của Apple tại Đông Nam Á, đứng sau Thái Lan và Singapore, bởi vậy Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu hướng chung của toàn cầu.
Với quy mô thị trường Apple tại Việt Nam ngày càng tăng trong khi lượng mua hàng xách tay đang chiếm khoảng 50% thị trường (giá trị 450 triệu USD), nhắm thấy tiềm năng này, FPT Retail sẽ đẩy mạnh phân khúc Apple Store, nhằm lôi kéo lượng khách hàng của kênh mua hàng xách tay.
Trong tương lai, FPT Retail sẽ hướng tới dịch vụ cho thuê sản phẩm Apple, như đối với iPhone, iPad… Tức là khách hàng không cần bỏ tiền mua để sở hữu iPhone, mà có thể thuê iPhone và sử dụng với chi phí rẻ hơn.
Theo đó, chuỗi 12 cửa hàng F-studio chuyên kinh doanh các mặt hàng của Apple sẽ được nâng lên khoảng 100 cửa hàng vào 4 năm tới.
Năm 2018, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu lên 16.020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 377 tỷ đồng, tăng 30%; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2020 là 19,5%/năm với doanh thu và 26%/năm với lợi nhuận sau thuế.
Ngoài mảng kinh doanh kỹ thuật số, FPT Retail còn đặt kỳ vọng vào chuỗi dược phẩm Long Châu trong vòng 3-4 năm tới sẽ đóng góp 40% doanh thu FPT Retail.
Để đạt được mục tiêu này, công ty dự kiến sẽ mở khoảng 400 cửa hàng dược phẩm trong 4 năm tiếp theo. Thời gian đầu sẽ đẩy mạnh_thị trường_phía Nam, sau đó là toàn quốc. FPT Retail kỳ vọng chiếm khoảng 30% thị phần kênh nhà thuốc, tương đương mảng điện thoại hiện tại.
Mới đây, FPT Retail đã công bố báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh quý I/2018, với doanh thu đạt 3.884 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 24% kế hoạch năm. Trong đó, 97% doanh thu đến từ chuỗi FPT Shop và 3% đến từ chuỗi F Studio.
Lãi ròng trong quý I đạt 64 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2017 và hoàn thành 17% kế hoạch năm.
Về cơ cấu cổ đông, hiện tại, Tập đoàn FPT nắm 47% cổ phần, hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital nắm 34,32%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Thùy Linh