Thực tế, giới đầu tư nói chung đều nhìn nhận rằng chứng khoán là kênh đầu tư thay thế khi lãi suất tiết kiệm ngày càng có xu thế đi xuống. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chứng khoán như hiện nay rất khó để dòng tiền mới chảy vào thị trường bởi định giá thị trường đã không còn rẻ không thể kích thích được nhà đầu tư mới.
Nội khó kỳ vọng vào lãi suất
Ông Đào Phúc Tường, Nguyên Giám đốc đầu tư Quỹ APS Singapore nói rằng, lâu nay kênh đầu tư chứng khoán luôn được đánh giá là nơi “trú ẩn” của dòng tiền nội khi lãi suất huy động ở mức thấp. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng cần phải đặt câu hỏi “tại sao lãi suất thấp?”.
Thực tế, lãi suất thấp cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn từ đó sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nếu doanh nghiệp niêm yết. Do đó, trong bối cảnh hiện tại lãi suất thấp sẽ khó thu hút những người không có nhiều chuyên môn rút tiền đổ vào chứng khoán và nếu có cũng không nhiều.
Với góc nhìn kĩ thuật bằng định giá P/E, ông Tường cho rằng giá cổ phiếu cũng phụ thuộc vào tăng trưởng của doanh nghiệp. Khi lãi suất giảm xuống và tăng trưởng của doanh nghiệp giảm xuống sẽ tác động tiêu cực đến P/E. Trong trường hợp lãi suất giảm xuống mà tăng trưởng tăng lên tác động tích cực đến P/E, giá cổ phiếu sẽ tăng.
Thị trường chứng khoán hiện nay khó thu hút thêm dòng tiền do định giá đã không còn rẻ |
Theo đó, "chúng ta không nên kỳ vọng rằng lãi suất giảm sẽ tốt cho chứng khoán. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, theo quan điểm cá nhân tôi, lãi suất giảm lại là rủi ro cho chứng khoán, chứ không phải là tốt cho chứng khoán nữa", ông Đào Phúc Tường nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với ông Tường về việc thị trường chứng khoán hiện nay khó thu hút thêm dòng tiền bất chấp việc lãi suất huy động giảm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Đầu tư PVIAM cho rằng lãi suất tiết kiệm giảm đang kích hoạt dòng tiền chuyển sang kênh trái phiếu nhiều hơn là cổ phiếu.
Bởi lẽ việc thị trường chứng khoán hồi phục mạnh trong giai đoạn vừa qua đã khiến mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đã không còn rẻ, trong khi đó trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp có lãi suất khoảng 10%. Đây là mức lãi suất hấp dẫn nếu như so với tiền gửi tiết kiệm.
Đặc biệt với những nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ khả năng phân tích và định giá doanh nghiệp, tài sản đảm bảo sẽ thấy được rằng đó là những trái phiếu tốt để mua ở giai đoạn này. Còn đối với thị trường chứng khoán chỉ có những cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững, chi trả cổ tức ổn định mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Ngoại cũng “chông chênh”
Đối với dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Đào Phúc Tường cho biết, so với các thị trường cận biên (frontier) và trong khu vực, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn trong suốt 20 năm vừa qua, cũng như 10 đến 15 năm tới.
Tuy nhiên, song song với giải ngân các nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng một lượng tiền khá lớn trong các đợt khủng hoảng, điển hình vừa qua là dịch Covid-19. Thống kê của Fiin Group cho thấy, khối các nhà đầu tư nước ngoài này đã rút ròng khoảng 20.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay (không kể giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VHM). Lực rút chủ yếu đến từ các quỹ ETFs cũng như các quỹ Global Fund.
Ông Tường cho rằng rất khó để phán đoán hành vi của nhà đầu tư ngoại nhưng có 2 lý do để lý giải cho động thái rút ròng của các nhà đầu tư ngoại rút tiền là để xử lý vấn đề tại nước sở tại và việc phân bổ theo tương quan các thị trường.
Vài năm gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam đã hút được lượng vốn ngoại khá lớn nhờ yếu tố vĩ mô ổn định cũng như kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường. Tuy nhiên lúc này, các quỹ trên toàn cầu cũng đang gặp nhiều khó khăn sau biến cố dịch Covid-19 nên sẽ phải cân nhắc nhiều về việc gia tăng đầu tư vào các thị trường cận biên.
Trong thời gian tới, vẫn có thể sẽ xuất hiện dòng vốn ngoại mang tính chất tích lũy như các thương vụ KKR mua VHM hay GIC đầu tư MSN. Đây là những giao dịch có thể tác động tích cực đôi chút tới thị trường nhưng là không quá rõ ràng và nhà đầu tư cá nhân sẽ khó có thể hưởng lợi trực tiếp.
Nhìn chung, “thị trường lúc này đang thiếu mồi lửa để hút dòng tiền, thiếu từ chính sách cho tới yếu tố đột phá từ nội tại doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định. Đối với các nhà đầu tư chứng khoán họ sẽ quan tâm đến hai yếu tố cơ bản là doanh nghiệp đi xa được đến đâu và khi nào ra được hàng?
Rõ ràng, thị trường hiện tại đang nằm trong giai đoạn thiếu "người dẫn đầu", và chỉ khi nào nhìn thấy "người dẫn đầu" thì lúc đó mới tự tin rằng dòng tiền sẽ vào vì chắc chắn tiền còn rất nhiều trong dân, đặc biệt khi nhìn vào hạn mức cho vay ở các công ty chứng khoán cũng như nhìn vào tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Tại sao họ - nhà đầu tư phải bỏ tiền vào khi mà “đường đi vẫn còn sương mù giăng lối” trong khi định giá lại không đủ rẻ để rót tiền? Có lẽ, thời gian sẽ là câu trả lời cho câu hỏi này.
Minh Khuê