Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chỉ đạo “nóng” liên quan đến thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động đến việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Giá gạo tăng tốc
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 8/9, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với mặt hàng xuất khẩu gạo tấm (chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu) và đánh thuế 20% đối với các giống gạo khác (trừ gạo Basmati và gạo đồ).
Được biết, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm 40% thị phần quốc tế. Khách hàng chính của nước này là các nước châu Á và châu Phi. Trong đó, Việt Nam cũng đang là đối tác nhập khẩu một số loại gạo của Ấn Độ. Và điều này rất có thể sẽ gây áp lực và khiến giá gạo thế giới tăng lên.
Trong quá khứ, năm 2007, Ấn Độ cũng từng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Thời điểm đó, giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn.
Nhóm cổ phiếu gạo được dự báo sẽ còn diễn biến tích cực. (Ảnh: Int) |
Theo số liệu từ Chứng khoán VnDirect, giá gạo kể từ đầu năm 2021 đã điều chỉnh khoảng 45% so với mức đỉnh khoảng 570 USD/tấn trong 6 tháng và sau đó dao động trong khoảng 390 – 490 USD/tấn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến nay, bất chấp giá thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, VnDirect nhận thấy giá gạo bắt đầu tăng.
Mặt khác, nguồn cung gạo toàn cầu cũng đang đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt tại các nước xuất khẩu lớn. Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu.
Do đó, trong bối cảnh giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn sẽ thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
“Việt Nam có thể tận dụng việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu để đẩy mạnh bán gạo ra thế giới”, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá.
Thực tế, trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu gạo trong năm nay có thể đạt khối lượng từ 6,5 - 6,7 triệu tấn, với kim ngạch dao động từ 3,2 - 3,3 tỷ USD.
Cổ phiếu ngành gạo tạo sức hút
Trên thị trường chứng khoán, nhờ tác động từ câu chuyện Ấn Độ cấm xuất khẩu một số mặt hàng gạo tạo ra kỳ vọng tăng giá đối với gạo Việt Nam xuất khẩu, tuần qua (12-16/9), nhóm cổ phiếu gạo đã cho thấy “sức hút” khi giữ được sắc xanh trong tuần giao dịch đầy sóng gió của thị trường và được dự báo sẽ còn diễn biến tích cực.
Đóng cửa phiên cuối tuần (16/9), cổ phiếu PAN (CTCP Tập đoàn PAN) đã tăng hơn 8%, cổ phiếu TAR (CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An) tăng gần 5%, cổ phiếu LTG (CTCP Tập đoàn Lộc Trời) tăng 3%... Tính đến chốt phiên ngày 22/9, cổ phiếu PAN đang dừng ở mức 26.500 đồng/cp, cổ phiếu TAR giao dịch ở mức 28.500 đồng/cp, cổ phiếu LTG là 37.600 đồng/cp
Thực tế, từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây đứt gãy nguồn cung, diễn biến thời tiết phức tạp tại các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Canada…, chi phí vận chuyển duy trì ở mức cao trong khi Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid”, khiến cho giá cả lương thực, thực phẩm biến động. Nhờ đó, nhóm cổ phiếu ngành gạo vẫn luôn được chú ý, thậm chí còn tạo “sóng” trước dự báo giá lương thực tăng của WTO.
Bởi lẽ, trong thời kỳ lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị và chính sách bảo hộ cung – cầu trong nước của nhiều quốc gia, giá cả nhóm hàng hóa liên quan đến lương thực thực phẩm thường dễ có nhiều thông tin. Bên cạnh đó, nhóm này cũng nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nhiều nước nên có nhiều chính sách mới được ban hành cho phù hợp với thị trường mới. Từ đó có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư lớn nhỏ, khiến giá cổ phiếu dễ tạo “sóng”.
Anh Ngọc Giang, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy dịch bệnh, chiến sự thì tôi mua gạo, mua cả lợn. Và cứ đảo vòng quanh các cổ phiếu này thì cũng kiếm được kha khá lợi nhuận, bất kể thị trường sập”.
Trở lại với câu chuyện dự báo giá gạo có xu hướng tăng cao do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu gạo lớn cũng như giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi, kỳ vọng sẽ tạo “sóng” lớn trong thời gian tới.
Chẳng hạn như CTCP Tập đoàn Lộc Trời sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc.
“Sản lượng gạo xuất khẩu tăng sẽ kéo theo những hợp đồng với người nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ đó sẽ thúc đẩy doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng giống cây trồng của Lộc Trời”, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng.
Hay như CTCP Tập đoàn PAN sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc châu Âu giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Hiện nay, mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 39% vào tổng lợi nhuận gộp. Sản lượng sản xuất lúa gạo châu Âu giảm sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Việc giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng tăng sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp của mảng lúa gạo.
Còn CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán.
Thực tế, hơn 1 tuần nay, nhiều thương nhân Trung Quốc hỏi mua gạo tấm của công ty này. Mặc dù chuyên cung cấp gạo trắng thơm, nhưng theo đại diện doanh nghiệp cũng là tín hiệu tích cực cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
“Trung An có triển vọng tích cực nhờ đà tăng giá lương thực và sự gia tăng của xu thế bảo hộ thương mại trước nỗi lo an ninh lương thực. Việc trúng thầu xuất khẩu gạo sang các thị trường và ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản sẽ giúp Trung An có kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022”, Agriseco Research đánh giá.
Hải Giang