Thời gian gần đây, cổ phiếu API (CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương), IDJ (CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam), APS (CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương) đang “đại náo” thị trường với những phiên giao dịch “nóng” cùng thanh khoản đáng chú ý.
"Người cũ" xuất hiện, cổ phiếu "nổi sóng"
Trong đó, cổ phiếu API đã có 9 phiên tăng trần gần như là liền mạch (chỉ ghi nhận giảm nhẹ trong phiên 16/5). Kết phiên 25/5, mã này tiếp tục tăng lên mức 9.400 đồng/cp. Như vậy, chỉ sau chưa đầy nửa tháng giao dịch, thị giá cổ phiếu này đã tăng hơn 2,2 lần, từ 4.700 đồng/cp (phiên 13/5).
Đáng chú ý, thị giá API tăng mạnh trong tình trạng liên tục trắng bên bán và dư mua giá trần lên đến hàng triệu đơn vị. Thanh khoản bình quân tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó, lên khoảng 1,2 triệu đơn vị/phiên. Trong đó, phiên 22/5 có khối lượng giao dịch tới hơn 4 triệu cổ phiếu.
Bộ ba cổ phiếu "họ Apec" nổi sóng trở lại. |
Không tăng mạnh bằng API nhưng cổ phiếu IDJ cũng ghi nhận đà tăng giá khá tốt khi cùng thời gian, cổ phiếu này tăng từ 5.600 đồng/cp lên 7.200 đồng/cp, tương đương tăng 28,6%. Thanh khoản trung bình cũng tăng cao, đáng chú ý phiên 14/5 có tới gần 8 triệu cổ phiếu được sang tay.
Tương tự, cổ phiếu APS cũng tăng 27,4% từ 6.200 đồng/cp lên 7.900 đồng/cp trong chưa đầy nửa tháng. Thanh khoản trung bình khoảng 1,4 triệu đơn vị/phiên, trong đó phiên 22/5 có khối lượng giao dịch nhiều nhất với gần 3,7 triệu cổ phiếu.
Được biết, cả ba cổ phiếu trên của 3 công ty đều là những trụ cột nằm trong hệ sinh thái Apec Group. Và việc nhóm cổ phiếu này bắt đầu “nóng” trở lại được cho là sau khi “người cũ” là ông Nguyễn Đỗ Lăng - nguyên Chủ tịch Apec Group, cựu Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương xuất hiện tại ĐHĐCĐ của doanh nghiệp này ngày 10/5 vừa qua, sau một thời gian vướng lùm xùm về thao túng thị trường chứng khoán.
Gần một năm trước, vào cuối tháng 6/2023, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng vợ là bà Huỳnh Thị Mai Dung và 3 bị can khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam về cáo buộc thao túng giá cổ phiếu của APS, API và IDJ, thu lợi bất chính hơn 157 tỷ đồng.
Theo chuyên gia, nguyên nhân giá cổ phiếu tăng sốc đến từ 2 vấn đề. Đầu tiên là về câu chuyện liên quan đến cổ phiếu đó. Với “họ Apec”, giá cổ phiếu trước đó giảm sâu do lùm xùm của lãnh đạo doanh nghiệp, đến khi ông Lăng quay trở lại thì cổ phiếu tăng bởi vấn đề đã được triệt tiêu.
Chưa kể những "lời có cánh" của người cũ “như đã từng” đã bình ổn tâm lý của nhà đầu tư, và hội chứng FOMO cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư bị thu hút, sợ bỏ lỡ mà nhảy vào mua đuổi như “con thiêu thân bay vào ngọn lửa bốc cháy”, đẩy giá cổ phiếu liên tục thăng hoa cùng thanh khoản vượt trội.
Đà tăng khó duy trì?
Với đà tăng giá hiện tại, các cổ đông lỡ “đu đỉnh” bộ ba cổ phiếu "họ Apec" đang nhen nhóm hy vọng được “về bờ” nhanh chóng, còn các nhà đầu tư mới nuôi kỳ vọng vào một đợt tăng giá “như đã từng”.
Dù vậy cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, 3 cổ phiếu thuộc “họ Apec” mang “vóc dáng” cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Hơn nữa, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để nhóm cổ phiếu “họ Apec” thoát khỏi vùng đáy. Kể từ sự việc lãnh đạo vướng lùm xùm, thị giá của 3 cổ phiếu này đã mất khoảng 60%, và so với đỉnh cao vào giữa tháng 11/2021 đã giảm đến 80-90%.
Chưa kể, đà tăng giá của 3 cổ phiếu "họ Apec" không có thông tin gì tích cực hỗ trợ, bất chấp hiện tại, nhóm cổ phiếu này vẫn đang chịu án phạt từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cụ thể, cổ phiếu API đã bị cảnh báo từ ngày 9/4/2024 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2023 âm và kiểm toán có ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính hợp nhất 2023. Trong khi đó, cổ phiếu APS bị cảnh báo từ ngày 1/4/2024 do lợi nhuận sau thuế kiểm toán âm trong 2 năm liên tiếp. Còn IDJ bị cảnh báo từ ngày 4/4/2024 do ý kiến ngoại trừ từ kiểm toán về số tiền phải thu và tạm ứng cho nhân viên.
Có thể thấy, từ sau khi ông Nguyễn Đỗ Lăng bị khởi tố, bắt tạm giam, các doanh nghiệp “họ Apec” đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh về kết quả kinh doanh trong năm 2023.
Trong năm 2023, CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần hơn 197 tỷ đồng, giảm 75% so với năm trước đó. Trừ đi các chi phí, công ty lỗ sau thuế kỷ lục từ khi niêm yết với 50 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 121 tỷ đồng.
Sang năm 2024, Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 51 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết thúc quý I/2024, doanh nghiệp còn cách khá xa mục tiêu khi doanh thu hợp nhất giảm gần một nửa so với cùng kỳ về 34,9 tỷ đồng, tương ứng chỉ hoàn thành 10% kế hoạch. Khấu trừ thuế phí, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 11,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 4,4 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, doanh nghiệp báo lỗ, trước đó trong quý IV/2023 cũng lỗ 19,45 tỷ đồng.
Đối với Chứng khoán Apec, năm 2023 ghi nhận doanh thu hoạt động 435 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty lỗ sau thuế 180 tỷ đồng do đánh giá lại giá trị tài sản danh mục tự doanh.
Năm 2024, Chứng khoán Apec lên kế hoạch doanh thu 123,4 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng, cách xa so với khoản lỗ 180 tỷ đồng cùng kỳ. Kết thúc quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu gần 24 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 14% kế hoạch. Lãi sau thuế ở mức 8,1 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và hoàn thành 16% mục tiêu đề ra.
Còn Đầu tư IDJ Việt Nam năm 2023 ghi nhận doanh thu hơn 862 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước đó và lợi nhuận trước thuế gần 142 tỷ đồng, giảm hơn 20%.
Năm 2024, doanh nghiệp dự kiến doanh thu đạt 331 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng, lần lượt giảm 60% và 54% so với kết quả năm 2023. Sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 67,7 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 20% kế hoạch. Lãi trước thuế đạt 19,2 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ và hoàn thành 29% mục tiêu đề ra.
Hải Giang