Phiên 29/6, ba cổ phiếu API (CTCP đầu tư châu Á Thái Bình Dương), APS (CTCP chứng khoán châu Á Thái Bình Dương), IDJ (CTCP đầu tư IDJ Việt Nam) tiếp tục giảm sâu, đánh dấu 4 phiên giảm sàn liên tiếp. Dự báo đà giảm còn chưa thể ngừng.
Hệ lụy từ việc lãnh đạo thao túng giá cổ phiếu
Cũng như trường hợp “họ FLC” hay "họ Louis" một thời, đà giảm sâu của ba cổ phiếu "họ Apec" diễn ra sau thông tin về vụ việc khởi tố thao túng chứng khoán, xảy ra tại CTCP chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec), CTCP đầu tư châu Á Thái Bình Dương và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam của ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc Chứng khoán APEC, Phạm Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT, Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng), Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng, Phạm Thị Đức Việt - Phó phòng dịch vụ khách hàng.
Bộ ba cổ phiếu "họ Apec" tiếp tục giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp. |
Trước đó, hồi tháng 4/2023, ba cổ phiếu API, APS, IDJ đều cùng nhau tăng phi mã tới 46% chỉ trong 2 tháng, và hiện tại cũng đồng loạt rơi sâu trong sự hoang mang của thị trường.
Ngược thời gian, giai đoạn 2020-2021, thị trường từng xôn xao khi chứng kiến “sức nóng hầm hập” của bộ ba này. Với tầm ảnh hưởng cùng những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Đỗ Lăng, cổ phiếu API đã tăng giá hơn 15 lần, từ mức “trà đá” khoảng 3.800 đồng/cp lên gần 60.000 đồng/cp. Cổ phiếu APS là một trong những cổ phiếu tăng “nóng” nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021, với mức tăng giá khoảng 25 lần. Còn với IDJ, giá của cổ phiếu này cũng tăng từ khoảng 6.000 đồng/cp lên 48.000 đồng/cp, tương đương mức tăng 8 - 9 lần.
Tuy nhiên, ngay sau khi lập đỉnh, ba cổ phiếu này đã nhanh chóng giảm sốc, thiết lập “mô hình cây thông”, đánh bay mọi thành quả của nhà đầu tư lỡ mua vào. Với mức giá như hiện tại, những nhà đầu tư đu đỉnh cổ phiếu “họ Apec” thời điểm cuối năm 2021 đều đang chịu mức lỗ rất lớn tới 60-80% giá trị.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ năm 2021, cổ đông từng đặt nghi vấn về thao túng giá khiến cổ phiếu API tăng mạnh, song chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định làm đúng luật, nếu phát hiện dấu hiệu gian lận API sẽ cam kết xử lý nghiêm. Sau đó, bộ ba cổ phiếu này “nằm im” cho đến cuối tháng 3 vừa qua bắt đầu 'nổi loạn' trở lại với “game” tăng vốn.
Khó có thể “trở mình”?
Điểm tương đồng của 3 cổ phiếu này là luôn diễn biến đồng pha với nhau, cùng nhau tăng, cùng nhau giảm trong cùng một giai đoạn. Tốc độ tăng nóng theo hệ số nhân trong thời gian ngắn. Chính nhờ đó đã hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư, bỏ qua cả nghi vấn về giá trị thực của cổ phiếu cũng như kết quả kinh doanh ảm đạm.
Ba công ty của bộ ba cổ phiếu API, IDJ, APS được biết đến là trụ cột chính thuộc nhóm Apec (Apec Group). Chứng khoán Apec hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Trong năm 2022, APS ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 44% về 421,4 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 450 tỷ đồng. Bước sang quý I/2023, APS ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 127 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.
Còn CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Năm 2022, API ghi nhận doanh thu giảm 33% xuống còn 777 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu từ bán bất động sản khi ghi nhận 718,5 tỷ đồng. Khấu trừ đi các chi phí, API thu về 121 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 40% so với năm ngoái.
Kết thúc quý I/2023, API ghi nhận doanh thu thuần giảm 79% xuống còn 62,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận gần 48,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tư vấn mua bán doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, lập và quản lý các dự án đầu tư. Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 8% xuống 816,8 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 147,5 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2021.
Quý I/2023, IDJ ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc hơn hai doanh nghiệp còn lại khi doanh thu thuần tăng gấp 3 lần cùng kỳ lên 245 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp đôi lên mức hơn 30 tỷ đồng.
Trở lại với vụ việc khởi tố, các công ty trên đã công bố thông tin rằng, không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc thao túng thị trường chứng khoán.
Đồng thời nhấn mạnh, sự việc này hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của công ty. Và không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với công ty.
Tuy nhiên, vụ việc xảy ra đã khiến các công ty rơi vào tình cảnh “rắn mất đầu”, trong khi tình hình kinh doanh kém khởi sắc, cũng như việc nhà đầu tư mất hết niềm tin và đang phản ứng mạnh với cổ phiếu cho thấy các công ty này khó có thể bình thường được, giống như trường hợp của "họ FLC" và "“họ Louis” đã từng xảy ra.
Như với trường hợp “họ FLC”, Tập đoàn này đã nhiều lần cho rằng, sau khi xảy ra vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT và bà Hương Trần Kiều Dung, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT của Tập đoàn bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022, FLC và các đơn vị thành viên đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho các báo cáo tài chính năm 2021 trong một thời gian dài. Chính vì chậm trễ trong việc báo cáo tài chính, đến nay 7 cổ phiếu "họ FLC" đều lần lượt rời sàn, 3 mã cổ phiếu còn lại là các mã KLF (CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS), ART (CTCP Chứng khoán BOS) và FLC (CTCP Tập đoàn FLC) cũng đã bị đình chỉ giao dịch.
Còn nhóm cổ phiếu “họ Louis” cũng rơi vào thảm cảnh sau khi cựu Chủ tịch Đỗ Thành Nhân bị khởi tố do phạm tội thao túng giá cổ phiếu. Hiện cổ phiếu BII và VKC trong nhóm này đang có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến trong báo cáo tài chính năm 2022.
Hải Giang