Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/12, chỉ số Vn-Index đạt 1.066,99 điểm, vượt qua đa số dự báo của các công ty chứng khoán cho tháng 12. Hiện, chỉ còn ngưỡng kháng cự cao nhất mới được đưa ra là 1.100 điểm nhưng với lượng tiền đổ vào thị trường luôn duy trì ở mức cao, tạo mặt ra bằng thanh khoản mới như hiện nay thì ngưỡng này có thể dễ dàng chạm tới.
Thị trường sẽ vẫn tăng nhưng chậm
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhất định so với năm 2020, nhưng tốc độ phần nào bị hạn chế do hầu hết các yếu tố hỗ trợ trong nửa cuối năm 2020 sẽ không gia tăng về cường độ, thậm chí là suy yếu trong năm tới.
Các nhà đầu tư nên lựa chọn các mã ngành mà mình am hiểu về mô hình kinh doanh cũng như tiềm năng tăng trưởng. |
Mức cao nhất trong năm 2021 của các chỉ số chính được dự báo tăng khoảng 8%-15% so với cuối năm 2020, tuy nhiên sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới” và diễn biến cụ thể của dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Vn-Index sẽ có xu hướng vận động quanh một “nền” giá cao hơn nhưng biên độ dao động (chênh lệch giữa mức cao nhất và mức thấp nhất trong năm) sẽ vào khoảng 120-150 điểm - không lớn như năm 2020. Còn đối với HNX Index sẽ dao động trong biên độ 20 điểm.
Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2021 tiếp tục cải thiện so với năm 2020, đạt bình quân khoảng 400-410 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả 3 sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 5% so với năm trước.
Giá trị giao dịch được kỳ vọng đạt mức tăng khoảng 8%, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 6.900-7.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Cũng đưa ra cái nhìn tích cực về thị trường trong năm 2021, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, khả năng kiểm soát dịch tốt, nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng dương giúp cho độ ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với quan điểm trước đó và khu vực nói chung.
Điều này dẫn đến mức định giá P/E của thị trường Việt Nam và hầu hết các ngành đang ở mức chiết khấu khá nhiều so với mức P/E trung bình của các nhóm nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan) trừ các ngành tài chính, sức khỏe và dầu khí.
Hơn nữa, việc kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ phục hồi tốt trong năm 2021, chỉ số tăng trưởng EPS năm 2021 dự báo sẽ ghi nhận kết quả lạc quan, qua đó giúp P/E của Vn-Index sẽ điều chỉnh về mức hấp dẫn hơn.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, trong suốt thời gian kể từ đầu năm, thị trường chứng kiến dòng vốn ngoại rút ra khá lớn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng đến hiện tại đã có sự chuyển biến nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Lợi nhuận của các công ty niêm yết dự kiến sẽ tăng 34% vào năm 2021.
Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư
Thực tế, đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thử thách cho "sức khỏe" nền kinh tế nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh và sự gia nhập của dòng tiền mới.
Trong năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tiếp chứng kiến những kỷ lục mới về số lượng tài khoản mở mới tại các công ty chứng khoán của các nhà đầu tư trong nước, thể hiện tâm lý tin tưởng vào thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng vượt qua mọi dự báo của giới chuyên gia cũng như sự kỳ vọng của các nhà đầu tư, thị giá của hầu hết các cổ phiếu đều đã đạt mức đỉnh của năm. Vậy, đâu là cơ hội cho năm 2021?
Tại báo cáo mới đây, VCBS cho biết, xu hướng đầu tư trong năm 2021 sẽ quay về những ngành cơ bản thiết yếu như: điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện); sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá); và sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Đây đồng thời cũng là các nhóm ngành được hưởng lợi từ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ thông qua các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho dòng chảy thương mại trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết như nhóm cảng biển - logistics. Đây đồng thời cũng là những nhóm ngành được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí nhân công cạnh tranh hơn, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, VCBS cũng cho rằng, các cơ hội riêng lẻ cũng đến từ các doanh nghiệp có yếu tố ứng dụng công nghệ mới và các doanh nghiệp có "câu chuyện riêng" liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán và sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn,…
Nhìn vào đây có thể thấy, không thiếu “hàng” cho các nhà đầu tư trong năm tới.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu đôi khi thay đổi theo hướng không tương ứng với tiềm năng của doanh nghiệp, dự báo của các công ty chứng khoán.
Vì thế, “hãy lựa chọn đầu tư vào các mã ngành mà bạn am hiểu hơn về mô hình kinh doanh cũng như về tiềm năng tăng trưởng. Cùng với xu hướng gia tăng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về các sản phẩm như nhà ở, ô tô, xe máy cũng tăng lên. Bên cạnh đó, các khối ngành ngân hàng, bất động sản, chăm sóc sức khỏe cũng ghi nhận sự tăng trưởng giá trị tốt”, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành - Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital khuyến nghị.
Minh Khuê