Cổ phiếu MCM của sữa Mộc Châu sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày 18/12. |
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 30.000 đồng/cp, tương đương với mức định giá hơn 2.000 tỷ đồng. Với biên độ 40% trong phiên chào sàn, giá cổ phiếu sẽ biến động trong khoảng 18.000 – 42.000 đồng/cp.
Ban đầu, Sữa Mộc Châu từng dự tính niêm yết trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10, doanh nghiệp này thay đổi kế hoạch sang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán được đánh giá là bước đi tiếp theo, nối tiếp một loạt thay đổi của Mộc Châu Milk và GTN Foods sau khi "về một nhà" với Vinamilk.
Mộc Châu Milk cũng đang có kế hoạch phát hành 43,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng; trong đó có chào bán riêng lẻ cho Vinamilk và GTNFoods với giá phát hành là 30.000 đồng/cp.
Cuối năm 2019, Vinamilk thông báo sở hữu 75% vốn của GTNFoods, công ty mẹ của Mộc Châu Milk. Hai tháng sau thương vụ này, bà Mai Kiều Liên trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của GTN Foods và các công ty thành viên.
Theo bà Mai Kiều Liên, hiệu quả của thương vụ này là giá trị cộng hưởng giữa Sữa Mộc Châu và Vinamilk được tạo ra từ lợi thế của mỗi bên. Sữa Mộc Châu chưa tìm được đường vào thị trường phía Nam và xuất khẩu, trong khi Vinamilk có sẵn tiềm lực từ hệ thống phân phối có thể giúp làm được điều này. Ngược lại, Vinamilk có thể mở rộng tới những thị trường Tây Bắc nhờ sự hỗ trợ của Sữa Mộc Châu.
Thực tế, ngay sau khi "về một nhà" với Vinamilk, kết quả kinh doanh của sữa Mộc Châu đã có cải thiện rõ nét khi liên tục tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Hết quý III/2020, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu đạt 774,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 102,4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 13,7% và 113% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 2.141 tỷ đồng, tương đương 73,7% kế hoạch doanh thu dự kiến; lợi nhuận sau thuế đạt 208 tỷ đồng tương đương 132% kế hoạch lợi nhuận dự kiến của cả năm 2020.
Từ những sự chuyển biến về kết quả kinh doanh, sự góp mặt của Vinamilk cũng có thể là "cái nôi" cho cổ phiếu MCM tăng trưởng. Bởi lẽ, ngoài thành quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng của Vinamilk, cổ phiếu VNM đã tăng gấp hơn 30 lần sau 15 năm lên sàn.
Lâu nay, đây vẫn là doanh nghiệp được đánh giá là "từ tốt đến vĩ đại" do được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo "cấp độ 5" vừa khiêm tốn nhưng lại vừa quyết đoán trong công việc, trong đó bà Mai Kiều Liên hiện cũng đang "dẫn dắt" Sữa Mộc Châu.
Nhìn vào những dẫn chứng trên có thể thấy, kỳ vọng của giới đầu tư là hoàn toàn có cơ sở nhưng thị trường chứng khoán vốn là một hệ thống khá phức tạp, nơi cổ phiếu của các công ty được công khai phát hành và trao đổi mua bán.
Do đó, giá của cổ phiếu tăng đến đâu còn phụ thuộc khá nhiều vào cung cầu của thị trường, "khẩu vị" đầu tư của các cá nhân, tổ chức và nhiều yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Có những cổ phiếu mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông nhưng có những cổ phiếu cũng khiến các cổ đông rơi vào "thế khó".
Có thể kể đến như một cổ phiếu sữa khác là HNM của CTCP Sữa Hà Nội (Hanoi Milk) vừa bị hủy niêm yết trên HNX từ tháng 6/2020 do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.
Trước khi bị tạm ngừng giao dịch, cổ phiếu HNM được giao dịch trên thị trường với giá 4.500 đồng/cổ phiếu và thường xuyên không có thanh khoản.
N.L