Sau những ngày cuối cùng trong hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đã bị hủy niêm yết do thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Trước tình trạng kinh doanh "bết bát" tại những doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện tại, dự kiến làn sóng hủy niêm yết sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Trong khi các cổ phiếu bluechip gần đây đang có xu hướng giao dịch thiếu tích cực thì nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là VHG của CTCP Cao su Quảng Nam lại tiếp tục gây chú ý cho thị trường.
VHG nhen nhóm tạo "game" mới?
Sau 4 phiên bị chốt lời, giảm sàn liên tiếp có lúc tưởng chừng các nhà đầu tư vào sau bị mắc kẹt khi gần như không có lệnh mua, VHG lại bất ngờ nhận lực cầu lớn trở lại trong phiên 2/5.
Lực cầu lớn trong phiên 2/5 giúp hấp thụ hết lượng dư bán giá sàn, kéo VHG có lúc về tham chiếu, trước khi đóng cửa giảm hơn 3% trong phiên này với hơn 6 triệu đơn vị được khớp lệnh.
VHG lại tiếp tục kéo tăng trở lại và lên thẳng mức giá trần 1.510 đồng/ cp trong phiên giao dịch ngày 3/5 với hơn 1,25 triệu đơn vị được khớp, thậm chí dư mua trần.
Việc VHG nhen nhóm tạo "game" mới gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư, bởi cổ phiếu này sẽ phải rời sàn HoSE từ ngày 22/5 do kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.
Trước đó, VHG đã "làm mưa, làm gió" trên thị trường chứng khoán với hàng chục phiên tăng trần liên tiếp, đặc biệt là chuỗi 24 phiên liên tiếp gần đây nhất, đưa cổ phiếu VHG đạt mức giá 1.940 đồng/cp từ vùng giá 440 đồng/cp, tương đương mức tăng đạt 341%.
Không đạt mức tăng khủng như VHG nhưng cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương vẫn đang giao dịch sôi động dù "án" hủy niêm yết sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5 tới.
Trước đó, khi điều chỉnh về mức giá hơn 900 đồng/cp như hiện nay, PPI đã tăng trần liên tiếp lên mức 1.240 đồng/cp (phiên 24/4). Diễn biến giao dịch của PPI cũng gây chú ý khi chỉ có những phiên tăng trần và giảm sàn liên tiếp nhưng thanh khoản khá đều ở mức vài trăm nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.
Đây là mức thanh khoản mà nhiều cổ phiếu đang giao dịch bình thường không đạt đến được, chưa kể PPI chỉ còn khoảng hơn 10 phiên giao dịch nữa là sẽ phải rời khỏi sàn chứng khoán.
Tương tự, cổ phiếu PVV của CTCP Vinaconex 39 cũng "theo chân" các cổ phiếu nói trên rời sàn chứng khoán vào ngày 23/5 tới do kết quả kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên, PVV vẫn đang được giao dịch đều với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt gần 430.000 đơn vị/phiên.
Nhiều nhà đầu tư đang đánh cược với nhóm cổ phiếu hủy niêm yết |
Kỳ vọng được "lái"
Không phải đến thời điểm hiện tại những thông tin về việc bị hủy niêm yết đối với các cổ phiếu nói trên mới xuất hiện mà đã được các Sở GDCK cảnh báo từ trước đó, thậm chí ngay chính bản thân các nhà đầu tư cũng có thể đoán trước được tình hình khi nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Vậy tại sao họ vẫn quyết tâm đánh cược, đổ tiền vào những cổ phiếu này; Phải chăng đây là nhóm các nhà đầu tư "gà mờ", "đu sóng". Thực tế, điều mà họ quan tâm là khả năng tạo đột biến tại những cổ phiếu này khi được "đội lái" vào cuộc.
Việc "tất tay" (all in one) vào một cổ phiếu liên tục tăng trần, với biên độ dao động trên sàn HoSE chỉ 7% như trường hợp cổ phiếu VHG cũng đã khiến tài khoản của các nhà đầu tư liều lĩnh "ăn bằng lần".
Hơn nữa, VHG vẫn tiếp tục được giao dịch trên sàn UPCoM với biên độ lợi nhuận lên tới 15% cũng như tính minh bạch thông tin không quá khắt khe thì lại càng có thêm yếu tố để thu hút các "đội lái".
Ngoài ra, Cao su Quảng Nam cũng công bố nghị quyết HĐQT thông qua chủ trương tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 như thoái vốn tại Bất động sản Tây Hồ Tây, đầu tư mua lại mảng sản xuất và kinh doanh ống nhựa, chuyển đổi cơ cấu trong hoạt động cao su, nghiên cứu tìm đối tác cùng phát triển nông nghiệp, du lịch… Do đó, kỳ vọng về sự đột biến là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào xuống sàn UPCoM cũng nhận được sự quan tâm của "đội lái". Có thể lấy ví dụ cổ phiếu VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa khi bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ đã chuyển xuống giao dịch tại UPCoM.
Thế nhưng, kể từ khi chuyển sàn, VKP gần như không có một biến động nào về giá cũng như thanh khoản, đồng nghĩa với việc khối lượng giao dịch luôn đạt mức 0. Lợi nhuận tiếp tục ghi nhận con số âm, hiện đang bị tạm ngừng giao dịch do vi phạm nghiêm trọng về quy định công bố thông tin.
Nhìn chung, khi lựa chọn đầu tư vào các nhóm cổ phiếu bị hủy niêm yết, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hay còn được giới đầu tư gọi là cổ phiếu "xác sống", thường có hai kiểu: người có tâm lý ham rẻ, tâm lý đầu cơ; nhà đầu tư dài hạn nhận thấy tiềm năng sống lại của doanh nghiệp.
Nếu thành công, chắc chắn sẽ đem lại mức sinh lời "trong mơ" lên đến vài trăm phần trăm, thậm chí vài nghìn phần trăm mà dòng midcaps hay bluechip không dễ gì có được.
Nhưng việc kỳ vọng vào "một bàn tay vô hình" kéo, đẩy, cùng những thông tin tốt "mập mờ" như một nguồn "năng lượng" để thu hút dòng tiền và thúc đẩy xu thế tăng giá hay doanh nghiệp hồi phục trở lại sau thua lỗ trong bối cảnh nguồn tín dụng ngày càng trở nên khó khăn cũng có thể khiến người mua trở thành người cuối cùng "ôm bom".
Linh Đan