Theo quan sát, kể từ vùng đáy ngắn hạn hồi tháng 11/2022 cho tới chốt phiên ngày 15/5, thị giá cổ phiếu HPG “lặng lẽ” đi lên với mức tăng tới... 85% chỉ sau nửa năm.
“Lặng lẽ” đi lên
Đáng chú ý, trong phiên 12/5 vừa qua, lực mua ồ ạt với hơn 45 triệu cổ phiếu HPG khớp lệnh thành công, tương đương tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng đã giúp thị giá HPG tăng 2,8%, đồng thời vượt ngưỡng cản thành công để lên mức giá cao nhất trong vòng 8 tháng. Không chỉ vậy, cổ phiếu này còn dẫn đầu về giá trị giao dịch trên sàn HoSE, gần bằng 2 mã xếp sau là SSI và STB cộng lại và là cổ phiếu được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị ròng gần 40 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu đứng thứ ba trong danh sách những mã tác động tích cực nhất đến chỉ số chung.
Nếu so với vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 10/2021, thị giá cổ phiếu HPG vẫn còn cách tới 49% giá trị. |
Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán Đông Á, cổ phiếu HPG nói riêng và cổ phiếu thuộc các nhóm ngành liên quan đến đầu tư công (như xây dựng, vật liệu xây dựng...) đang hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ hưởng lợi từ nỗ lực của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, bù đắp cho sự chậm lại của khối sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng khi kết quả kinh doanh quý I/2023 đã ngắt mạch thua lỗ 2 quý liên tiếp với lợi nhuận hơn 380 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023.
Lâu nay, cổ phiếu HPG luôn được giới đầu tư ưu ái gọi bằng cái tên “cổ phiếu quốc dân” bởi giao dịch đầy sôi động kể cả khi thị trường chung thăng hoa hay ảm đạm. Tính trong 20 phiên gần nhất, giá trị giao dịch bình quân phiên của cổ phiếu thuộc doanh nghiệp đầu ngành thép này lên đến gần hơn 370 tỷ đồng.
Với thanh khoản cao cộng thêm là mã chứng khoán doanh nghiệp đầu ngành nên rất dễ hiểu khi HPG luôn lọt vào tầm ngắm từ cá nhân đến các tổ chức, từ công ty chứng khoán đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, hay thậm chí cả những doanh nghiệp “tay ngang”.
Điển hình, trong nhóm các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý I/2023, Chứng khoán Trí Việt (TVB) là đơn vị “ôm” nhiều cổ phiếu HPG, với giá gốc tại thời điểm 31/3 lên đến hơn 171 tỷ đồng dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng bán (AFS). Thậm chí, doanh nghiệp cùng hệ sinh thái là CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) cũng nắm hơn 897 tỷ đồng giá gốc cổ phiếu HPG.
Không chỉ các công ty chứng khoán, hàng loạt quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng đều đang có HPG trong danh mục. Có thể kể đến quỹ tỷ đô VEIL Dragon Capital, VOF VinaCapital đều nắm giữ cổ phiếu HPG với tỷ trọng nhất nhì trong danh mục đầu tư.
Ngoài các quỹ chủ động, các ETF cũng không thể thiếu HPG trong danh mục do đặc thù đầu tư thụ động theo một chỉ số nhất định. Với lợi thế cổ phiếu đầu ngành, quy mô vốn hóa lớn cùng thanh khoản dồi dào dễ dàng mua/bán với khối lượng lớn, HPG còn thường xuyên nằm trong các rổ chỉ số quan trọng như VN30-Index, FTSE Vietnam Index, MVIS Vietnam Index,...
Một số doanh nghiệp "tay ngang" mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư chứng khoán cũng có "cổ phiếu quốc dân" trong danh mục như Hóa An (DHA), CTCP Đầu tư CMC (CMC)…
Do đó, việc thị giá HPG hồi phục sau hơn 1 tháng đã giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như “cá mập” thở phào nhẹ nhõm khi các khoản lỗ đã giảm bớt phần nào.
Đường “về bờ” ngày một gần?
Dù vậy, có thể thấy, việc danh mục phục hồi chỉ có thể xảy ra khi các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân đủ kiên trì nắm cổ phiếu HPG. Bởi thực tế, cổ phiếu đầu ngành thép cũng trồi sụt, trải qua nhiều nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên từ đầu năm tới nay. Thêm vào đó, khoản lỗ tuy được giảm đôi chút, song vẫn không quá đáng kể với khoản lỗ đang phải dự phòng. Nếu so với vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 10/2021 thì thị giá cổ phiếu HPG vẫn còn cách tới 49% giá trị.
VNDirect phân tích, hiện cổ phiếu HPG đang được giao dịch ở mức P/E 2023 – 2024 lần lượt là 12,0x và 8,7x, không quá hấp dẫn để đầu tư ngắn hạn. Đồng thời, VNDirect cũng cho rằng Hòa Phát đang trong giai đoạn khó khăn nhất của chu kỳ kinh doanh và dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ phục hồi đang khá chậm.
Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể lỗ trong quý II/2023 dù doanh nghiệp vừa báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm có bước tiến tích cực. Bởi rủi ro lớn nhất mà Hòa Phát đang phải đối mặt là giá bán thép trong nước và thế giới tiếp tục giảm mạnh. Ngoài ra, những nút thắt trong hành lang pháp lý làm ảnh hưởng tới thị trường bất động sản cùng với sự chậm trễ của nguồn vốn giải ngân đầu tư công có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ thép của doanh nghiệp đầu ngành này.
Theo VCBS, mặc dù có lãi trong quý I/2023, song biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát chỉ đạt 6,3%. Nếu loại trừ khoản hoàn nhập hàng tồn kho giảm giá khoảng 948 tỷ đồng nhờ giá thép tăng thì doanh nghiệp này vẫn lỗ ròng khoảng 416 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm, giá thép có sự hồi phục lớn là yếu tố chính dẫn tới lợi nhuận của Hoà Phát dương trở lại. Tuy nhiên, giá thép đã giảm mạnh trong giai đoạn cuối tháng 4, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cũng bắt đầu hạ nhiệt.
Hơn nữa, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp diễn trong bối cảnh nhu cầu tiêu cực đang tạo áp lực lên giá thép và sản lượng tiêu thụ.
Đáng chú ý, trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục sụt giảm nhưng Hoà Phát lại cho hoạt động trở lại 1 lò cao, cộng thêm việc giá bán thép bắt đầu giảm mạnh trong quý II có thể tạo áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn.
“Kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ tiếp tục giảm tốc và không thể hoàn thành kế hoạch 150.000 tỷ doanh thu và 8.000 tỷ lợi nhuận đề ra. Dự phóng năm 2023, doanh thu của Hòa Phát chỉ ở mức 111.538 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 7.284 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 21% và 14% so với năm 2022”, báo cáo nêu.
Hải Giang