Theo đánh giá của Chứng khoán VNDIRECT, ngành điện Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ do Chính phủ đang cố gắng cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp đầu ngành tăng trưởng mạnh
Thống kê cho thấy, quý I/2022, sản lượng điện năng lượng tái tạo được EVN huy động khoảng 10,01 tỷ kWh, xếp thứ 3 trong số các nguồn điện huy động, chiếm 15,9% trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện năng lượng tái tạo tăng 28,4% so với cùng kỳ lên 10,01 tỷ kWh nhờ nguồn điện gió 3.980MW đi vào vận hành từ tháng 11 năm ngoái.
Mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm này có sự phân hóa lớn, song các doanh nghiệp đầu ngành năng lượng tái tạo đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
REE lên kế hoạch lãi hơn 2.000 tỷ đồng năm 2022, động lực từ mảng cơ điện lạnh và năng lượng. |
Nổi bật nhất là Cơ điện lạnh REE (REE) với doanh thu hợp nhất trong quý I/2022 đạt 2.045 tỷ đồng, tăng 72,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chạm mốc gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với thực hiện quý I/2021.
Báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm cho thấy, đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của REE đến từ mảng năng lượng. Cụ thể, tổng doanh thu mảng năng lượng của doanh nghiệp này đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực điện gió ghi nhận thêm sản lượng của 3 nhà máy là Trà Vinh V1-3, Phú Lạc 2 và Lợi Hải 2.
Được biết, năm 2022, REE đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu đạt 9.279 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.064 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2022, REE đã đạt 22% kế hoạch doanh thu và 46,2% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Đặc biệt, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu REE cũng là cái tên gây chú ý gần đây khi liên tục bứt phá, thiết lập đỉnh mới, trong bối cảnh thị trường chung gặp nhiều biến động suốt thời gian qua.
Tính chung tuần qua, cổ phiếu REE đã tăng 17,6% với 4 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có hai phiên tăng trần và kết thúc tuần ở mức giá 89.600 đồng/cp. Đây cũng là mức giá kỷ lục đối với REE sau hơn 20 năm niêm yết.
Tương tự, Điện Gia Lai (GEG) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, lần lượt đạt 570 tỷ đồng (+87%) và 174 tỷ đồng (+127%) so với cùng kỳ năm 2021.
Công ty cho biết, quý I/2022, doanh thu bán điện tăng 270 tỷ đồng (+89%) và giá vốn tăng 96 tỷ đồng là do các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại từ quý IV/2021.
Trong khi đó, CTCP Tập đoàn PC1 (PC1) có doanh thu ở mức 1.477 tỷ đồng (-9%), nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, đạt 179 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của PC1, doanh thu từ bán điện chiếm lớn nhất với 456 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Chiều ngược lại, CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) và Tập đoàn Hà Đô (HDG) có kết quả quý I/2022 ảm đạm với lợi nhuận giảm lần lượt là 54% và 26%. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu giảm mạnh, tương ứng lần lượt là 22% và 50%.
Triển vọng lớn trong trung và dài hạn
Dù doanh thu và lợi nhuận của nhóm năng lượng tái tạo phân hóa nhưng nhìn chung nhóm vẫn ghi nhận sự phát triển đầy triển vọng trong thời gian tới. Chuyên gia cho rằng, năm 2022, công suất tiêu thụ điện sẽ tăng trở lại. Theo đó, việc phát triển một hệ thống điện phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng là rất quan trọng.
Cổ phiếu năng lượng tái tạo nhiều triển vọng trong trung và dài hạn. |
Hiện tại, thủy điện đã dần cạn kiệt tiềm năng khai thác, điện than phải đối mặt với những khó khăn tài chính đầy thách thức do tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, năng lượng tái tạo nhận được sự quan tâm rất lớn do tính chất sạch và tiềm năng tăng trưởng công suất lớn.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, VNDIRECT cho rằng, do tính không ổn định và hệ số công suất thấp do phụ thuộc vào thời tiết nên việc phát triển thêm nguồn điện nền như điện khí là điều cần thiết để hỗ trợ hệ thống điện một cách đầy đủ..
Đáng chú ý, Dự thảo Quy hoạch điện 8 mới đang đặt trọng tâm vào chuyển đổi năng lượng sạch mạnh mẽ để đáp ứng cam kết "net zero" của Việt Nam. Trong đó, tỷ trọng công suất điện năng lượng tái tạo đã có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là điện gió.
Theo thống kê, 3 tháng vừa qua, điện mặt trời ghi nhận công suất huy động được cải thiện trong khi điện gió đã thể hiện sự thiếu ổn định khi bước ra khỏi đợt gió chướng từ tháng 3/2022. Hiện tại, cuộc đua giá FIT đã kết thúc, và các nhà đầu tư điện năng lượng tái tạo đang chờ đợi một cơ chế mới để khởi động lại một giai đoạn phát triển mới.
VNDIRECT nhận định, công suất phát triển điện MT sẽ chậm lại đến 2030 trong khi điện gió kỳ vọng sẽ là mũi nhọn cho phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2022-2045. Theo đó, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng vào sự gia tăng đáng kể của điện năng lượng tái tạo trong dài hạn và ưa thích các công ty có dự án đang triển khai, đồng thời cơ chế giá điện mới được cho sẽ tiếp tục hấp dẫn trong thời gian tới.
Nhận định về nhóm cổ phiếu này, VNDIRECT tin rằng các công ty tập trung đầu tư năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới. Do đó, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế, như nhóm ngành này là một lựa chọn an toàn và hợp lý, nhất là khi thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến động lớn. Theo đó, cổ phiếu REE sẽ là ứng cử viên nặng ký mà công ty khuyến nghị.
Tương tự, Chứng khoán MBS cũng đánh giá cao triển vọng tươi sáng của ngành điện và sản xuất điện khi nhu cầu tiếp tục tăng lên cùng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng điện năng lượng tái tạo có mức tăng trưởng cao nhất với 38%. Theo đó, REE và PC1 sẽ là cổ phiếu nhà đầu tư nên chú ý.
Hải Giang