Thống kê cho thấy, kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp ngành dược tương đối khả quan khi phần lớn các doanh nghiệp đều thông báo tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Tăng trưởng khả quan
Ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất là Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) với doanh thu đạt 428,5 tỷ đồng (+62,3%); lãi sau thuế đạt 22,4 tỷ đồng (+150,4%), chủ yếu là do doanh thu từ bán thành phẩm của công ty sản xuất.
Theo sát nút về mức tăng trưởng lợi nhuận là Traphaco (TRA) với mức tăng 60,2%, đạt 88,6 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần tăng 32,3% lên 624 tỷ đồng nhờ tận dụng được cơ hội thị trường trong 3 tháng đầu năm nên đã triển khai được nhiều sản phẩm và kiểm soát tốt chi phí.
Ngoài ra, 4 doanh nghiệp khác ghi nhận đà tăng ở cả hai chỉ tiêu là Dược Hậu Giang (DHG), Dược phẩm Imexpharm (IMP), Dược Lâm đồng Ladophar (LDP), và Dược phẩm OPC (OPC).
Dự báo nhóm ngành dược sẽ là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ nhiều biến động như hiện nay. |
Số ít còn lại như Dược phẩm Hà Tây (DHT) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) báo doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Riêng Dược phẩm Vimedimex (VMD) báo doanh thu và lợi nhuận đều giảm với mức lần lượt là 51,1% và 98%, còn 1.888,9 tỷ đồng và 192 triệu đồng.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research ước tính trong quý I/2022, tổng doanh thu dược phẩm của cả nước tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ kênh nhà thuốc tăng 23% so với cùng kỳ và kênh bệnh viện giảm 5% so với cùng kỳ. Đợt bùng phát biến thể Omicron với tỷ lệ nhập viện thấp và các thuốc điều trị Covid được thương mại hóa giúp doanh thu kênh nhà thuốc tăng đột biến và duy trì doanh thu của cả ngành ổn định.
Cụ thể, kết quả kinh doanh từ các công ty dược niêm yết cho thấy, tăng trưởng doanh thu tại kênh nhà thuốc của IMP, DBD (CTCP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định), TRA trong quý I/2022 lần lượt đạt 34%, 53%, 29% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng doanh thu tại kênh bệnh viện hầu hết đều thấp hơn ở mức -44%, 8% và 41% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, quá trình phê duyệt thuốc kéo dài khiến nguồn cung thuốc trong ngành bị thắt chặt gây ảnh hưởng bởi tốc độ cấp phép thuốc hiện tại. Mặc dù điều này tác động tới mỗi công ty không giống nhau và phụ thuộc vào số đăng ký thuốc đang có hoặc cơ cấu doanh thu sản phẩm, song mặt bằng giá của nhiều loại thuốc có mức tăng tương đối ổn định, đủ để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao, giúp duy trì lợi nhuận ngành ổn định trong kỳ.
“Cửa sáng” cho đầu tư
Về triển vọng ngành dược, SSI Research kỳ vọng nhu cầu dược phẩm tiếp tục tăng đến cuối năm 2022 khi doanh thu ở kênh bệnh viện phục hồi mạnh, từ đó giúp tăng trưởng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước Covid-19.
Bên cạnh đó, ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay gồm Long Châu, An Khang, Pharmacity đang có kế hoạch mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh thành cả nước, đưa tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc lên 7.300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần. Việc này sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2 - 5 năm tới, chủ yếu do các cửa hàng mới này sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.
Đáng chú ý, các chuỗi nhà thuốc này vẫn kinh doanh phần lớn thực phẩm chức năng và thuốc nhập khẩu.Vì vậy, mức tăng trưởng đột biến về số lượng cửa hàng của các chuỗi này không đồng nghĩa với mức tăng trưởng tương đương với doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước.
Không chỉ vậy, việc quy trình phê duyệt thuốc tiếp tục diễn ra với tốc độ chậm như hiện nay, một số loại thuốc sẽ có thể khan hiếm tạm thời, trong khi mức độ cạnh tranh trong ngành giảm bớt và các công ty dược phẩm tiếp tục duy trì lợi thế tăng giá bán ổn định cho khách hàng.
Tuy nhiên, thuốc nhập khẩu tiếp tục là mối lo ngại đối với các doanh nghiệp trong nước. Tổng giá trị nhập khẩu thuốc của Việt Nam tăng 21% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tiếp tục tăng 25% trong quý I/2022, trong khi nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc trong nước chỉ tăng 3% so với cùng kỳ trong năm 2021 và giảm 11% so với cùng kỳ trong quý I/2022.
Tăng trưởng thuốc nhập khẩu năm 2021 và 2022 cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 13% trong giai đoạn 2015 – 2020. Điều này có thể là do việc thắt chặt phê duyệt thuốc dẫn đến hoạt động sản xuất trong nước giảm sút và nhu cầu nhập khẩu thuốc điều trị Covid trong giai đoạn vừa qua tăng lên.
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngành dược, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài, lạm phát tăng cao và thị trường liên tục biến động, hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao, với chi phí đầu vào ổn định so với các ngành khác. Kỳ vọng cổ phiếu ngành dược sẽ tiếp tục phát huy khả năng của cổ phiếu phòng thủ.
Thực tế, xét BCTC của các công ty dược niêm yết, chi phí đầu vào bình quân của hầu hết các công ty dược phẩm đều có tỷ trọng khá tương đồng: 60% chi phí nguyên vật liệu, 20% chi phí nhân công, 10% chi phí quảng cáo/tiếp thị, 4% khấu hao, 3% chi phí R&D và 3% thuộc chi phí logistics & các chi phí khác. Do đó, cấu thành chi phí sản xuất viên thuốc cuối cùng sẽ rất phân mảnh và hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.
Ngoài ra, Việt Nam đã dỡ bỏ phần lớn các yêu cầu nhập cảnh đối với cả khách du lịch và doanh nghiệp nước ngoài, kỳ vọng các công ty dược phẩm tại Việt Nam sẽ thu hút được nhiều thương vụ M&A hơn nữa. Các công ty dược niêm yết của Việt Nam với cơ cấu cổ đông hợp nhất, tỷ lệ thả nổi thấp và được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý sẽ có định giá cố định ở mức cao, từ đó tạo ra hầm trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong thời kỳ thị trường biến động như hiện tại.
“Dược phẩm là một ngành phòng thủ với nhu cầu ổn định qua các thời kỳ, vì vậy triển vọng sẽ chắc chắn hơn so với các ngành khác trong trường hợp nền kinh tế suy thoái”, báo cáo SSI Research nêu.
Hải Giang