Kể từ đầu tháng 12 đến nay, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán liên tiếp thăng hoa, đóng vai trò trụ đỡ của thị trường. Trong đó, SSI của Chứng khoán SSI là một trong những mã tăng tốt nhất với mức tăng 18,6%. Tiếp đến là HCM của Chứng khoán HSC với mức tăng gần 11%; VND của Chứng khoán VNDirect tăng gần 7,4%; SHS của Chứng khoán SHS tăng 6,3%...
Thực tế, đà tăng mạnh này của nhóm cổ phiếu chứng khoán đã bắt đầu từ giữa tháng 11. Song song với đà tăng trưởng về thị giá, khối lượng giao dịch cũng có những chuyển biến tích cực, phiên sau cao hơn phiên trước.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Trong báo cáo về triển vọng ngành chứng khoán, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, sau những điều chỉnh mạnh của tuần giao dịch cuối cùng tháng 10 trước những lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trở lại tại châu Âu và Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại và duy trì xuyên suốt trong 4 tuần tháng 11 và gần 2 tuần giao dịch đầu tháng 12, bất chấp đà bán ròng của khối ngoại.
Dòng tiền liên tiếp đổ vào nhóm cổ phiếu chứng khoán báo hiệu có thể sắp có một đợt "sóng" mới. |
Một trong những thông tin hỗ trợ chính cho thị trường là sự thành công bước đầu của cuộc thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19, khiến các nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế thế giới sẽ giảm thiểu thiệt hại trong thời gian tới.
Bên cạnh những thông tin tích cực về vắc xin, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ từ dòng tiền F0 trong môi trường chính sách tiền tệ được nới lỏng chưa từng có và sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư khác.
Dòng tiền đổ vào thị trường càng mạnh bao nhiêu thì các công ty chứng khoán càng được hưởng lợi bấy nhiêu. Thậm chí có ý kiến cho rằng, năm 2020 là năm "được mùa" của nhóm doanh nghiệp ngành chứng khoán.
Thật vậy, các thống kê đều cho thấy khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Những phiên giao dịch có giá trị đạt 10.000 tỷ đồng đã không còn là hiếm, và đi kèm với đó đương nhiên sẽ là những khoản phí môi giới được đổ về các công ty chứng khoán.
Thực tế, tâm lý "ăn xổi" đầu tư kiểu T+3 của nhóm đầu tư mới đã giúp cho vòng quay của dòng tiền trên thị trường đang nhanh hơn bao giờ hết. Tất nhiên, với vai trò là "người ở giữa", các công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhờ thu phí giao dịch, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh bất chấp cuộc cạnh tranh giảm phí.
Giá trị giao dịch tăng kéo theo dư nợ margin tại các công ty chứng khoán cũng tăng trưởng mạnh với mức tăng bình quân khoảng 20% mỗi tháng. Đặc biệt là trong bối cảnh "mua là thắng" như hiện nay, nhà đầu tư lại càng mặc sức dùng tiền của công ty chứng khoán để giao dịch trên thị trường nhằm thu lợi nhiều nhất cho bản thân.
Ngoài thu lợi từ phí giao dịch và lãi vay, danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đang được phục hồi trên 20%. Cùng với đó là các nhân tố hỗ trợ khác như niêm yết mới, trả cổ tức cao, thoái vốn nhà nước... khiến ngành chứng khoán "ăn nên làm ra".
Mới chỉ là "màn khởi động"?
Nhìn vào những yếu tố kể trên có thể thấy, sự kỳ vọng vào kết quả kinh doanh thăng hoa của nhóm doanh nghiệp ngành chứng khoán đã thúc đẩy mức tăng giá của cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2020 vẫn sẽ là động lực chính hỗ trợ trong năm 2021, khi mà nền kinh tế Việt Nam được hầu hết các tổ chức tài chính lớn trên thế giới như WB, IMF, ADB... dự báo sẽ tăng trưởng cao (phổ biến trong khoảng 6,5-7%).
Ngoài ra, theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Nam - Tổng giám đốc SSI, năm 2021, thị trường chào đón 3 bộ luật mới (sửa đổi) có hiệu lực, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư, tạo khuôn khổ pháp lý cho chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) và cả hệ thống thanh toán bù trừ đối tác trung tâm, quá trình cổ phần hóa cũng có thể tăng tốc.
"Ðiều này có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ trở nên lớn hơn cả về chất và lượng. Đây có thể là cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán tăng trưởng kết quả kinh doanh", ông Nam khẳng định.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, không phải lúc nào doanh nghiệp kinh doanh tốt cũng đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu sẽ tăng.
Vậy, động lực nào khiến các nhà đầu tư "không ngại xuống tiền" với các cổ phiếu chứng khoán?
Nhìn lại diễn biến của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong vòng 3 năm qua có thể thấy, những mã này chưa có một "con sóng" nào đủ lớn cho đến giai đoạn hiện tại - khi mọi thống kê giao dịch đều cho ra kết quả về hoạt động mua, bán cổ phiếu chứng khoán rất sôi động, thậm chí có mã đạt khối lượng giao dịch hàng triệu đơn vị/phiên.
Ngoài ra, dù thị giá các cổ phiếu chứng khoán đều đã tăng cao nhưng chưa nhiều so với mặt bằng chung. Thực tế cho thấy, chỉ đến năm 2020, người ta mới nhắc đến cổ phiếu chứng khoán nhiều, còn những năm trước đó gần như "im hơi lặng tiếng" trên thị trường.
Do đó, giá của các cổ phiếu chứng khoán vẫn là khá rẻ so với những nhóm đã tăng mạnh trong thời gian qua. Theo phân tích nhanh của một số chuyên gia tài chính, hiện đã hội tụ đầy đủ những yếu tố lớn đang là trợ lực tăng giá cho nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, nên những gì đang diễn ra chỉ được xem như "màn khởi động".
Tuy nhiên, thị trường luôn luôn tồn tại những yếu tố bất ngờ không ai kiểm soát được. Do đó, việc có "đổ tiền" vào nhóm cổ phiếu chứng khoán hay không phụ thuộc vào "khẩu vị" của mỗi nhà đầu tư.
Minh Khuê