CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2018 diễn ra ngày 25/10.
Gỗ Trường Thành đã công bố chi tiết phương án sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh – trụ sở chính đặt tại đường D2, cụm sản xuất Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Mua lại thế nào?
Theo phương án sáp nhập, Gỗ Trường Thành sẽ phát hành thêm cổ phiếu TTF cho các cổ đông của Sứ Thiên Thanh để hoán đổi lấy cổ phiếu Sứ Thiên Thanh trên cơ sở tỷ lệ hoán đổi là 8,21:1, tức 8,21 cổ phiếu TTF đổi lấy 1 cổ phần Sứ Thiên Thanh.
Số cổ phiếu TTF dự kiến phát hành để hoán đổi là 96,59 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau phát hành dự kiến được nâng lên 3.112 tỷ đồng.
Sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, Sứ Thiên Thanh thành công ty TNHH MTV. Gỗ Trường Thành được hưởng các quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của Sứ Thiên Thanh.
Theo ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành, do số cổ phần phát hành thêm chiếm tới hơn 45% tổng số cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ ảnh hưởng đến mức độ pha loãng, giá trị sổ sách của cổ phiếu và quyền biểu quyết của cổ đông.
Theo ước tính của Gỗ Trường Thành, giá trị sổ sách của cổ phiếu TTF sẽ giảm 2,4% sau phát hành, còn 4.493 đồng, EPS dự kiến giảm 0,5% xuống còn 505 đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF hiện đang giao dịch quanh vùng giá 5.000 đồng/cp trong bối cảnh thị trường lao dốc, thanh khoản của TTF vẫn được duy trì ở mức cao với trung bình hơn 1 triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.
Trước khi hồi phục về mức giá như hiện tại, cổ phiếu TTF đã có giai đoạn lao dốc xuống mức giá dưới 3.000 đồng/cp hồi tháng 8/2018.
Thời gian qua, cổ phiếu TTF đã được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 19/4/2018. Nguyên nhân đến từ lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2017 đạt 10,73 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2017 là –1.406,8 tỷ đồng (theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017).
Được biết, Sứ Thiên Thanh hiện có vốn điều lệ 117,6 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm gốm sứ. Tại thời điểm cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 56 tỷ đồng, tổng tài sản đạt khoảng 136 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2015- 2017, Sứ Thiên Thanh có doanh thu tăng trưởng đều đặn qua từng năm lần lượt đạt 138,31 tỷ đồng, 145,03 tỷ đồng và 159,03 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại liên tục giảm mạnh, lần lượt đạt 12,58 tỷ đồng, 8,15 tỷ đồng và 0,75 tỷ đồng.
Đáng chú ý, CTCP Đồng Tâm của ông Võ Quốc Thắng đang là cổ đông lớn nắm giữ 47,27% cổ phần của Sứ Thiên Thanh. Năm 2018, công ty lên kế hoạch doanh thu đạt 177,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 5,1 tỷ đồng.
Soi "sức khỏe" của Trường Thành
Trong các thương vụ sáp nhập, một diễn biến thông thường là "cá lớn nuốt cá bé", hoặc nói cách khác là một doanh nghiệp (DN) mạnh sẽ nhận sáp nhập một DN yếu hơn.
Trong trường hợp này, đơn vị nhận sáp nhập là Gỗ Trường Thành, vậy "sức khỏe" của Gỗ Trường Thành ra sao? Thực tế, đây không phải là câu hỏi quá khó trả lời đối với giới đầu tư.
Đã từng là một DN lớn trong ngành gỗ, nhưng Trường Thành dần đi xuống và gần như mất hút trên thị trường xuất khẩu sau những lùm xùm tài chính cách đây vài năm, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Chỉ sau khi có sự xuất hiện của CTCP Xây dựng U&I (U&I Construction) – công ty thành viên của CTCP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) do ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Trường Thành đang từng bước tái cơ cấu và khôi phục lại công ty.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 theo Báo cáo tài chính soát xét, Gỗ Trường Thành vẫn ghi nhận lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 685,2 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh khoản lỗ thuần 732 tỷ đồng phát sinh trong kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2018 của Gỗ Trường Thành. Theo đó, công ty ghi nhận lỗ lũy kế hơn 2.092 tỷ đồng, tương đương 97,5% vốn điều lệ.
Mặt khác, nợ phải trả ngắn hạn của nhóm công ty đã vượt 100 tỷ đồng so với tổng tài sản ngắn hạn. Căn cứ theo đó, kiểm toán đặt nghi ngờ về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Vì vậy, theo ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành, kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để sáp nhập, tăng vốn điều lệ sẽ giúp cho công ty thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ đang cận kề.
Cũng tại ĐHĐCĐ bất thường, ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành đã trình cổ đông nội dung phương án đổi tên thành CTCP Total Furniture với tên viết tắt là TTF và mã chứng khoán vẫn không thay đổi là TTF, nhằm "tạo điều kiện thuận lợi khi giao dịch và mở rộng thị trường".
Thực tế, "thay tên, đổi vận", tăng vốn, sáp nhập, có thể là chiến lược mới mà ban lãnh đạo DN này áp dụng để tìm lại "hào quang" của quá khứ, với mức giá cổ phiếu chạm ngưỡng 4x.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tin tưởng vào Gỗ Trường Thành một lần nữa hay không lại là một vấn đề đáng chú ý.
Mặt khác, với "sức khỏe" như hiện tại, Gỗ Trường Thành có thực sự đủ năng lực để nhận sáp nhập một công ty khác với "quyền lợi" cả về những khoản nợ, trong khi bản thân DN cũng đang "nợ chồng chất"?
Phía lãnh đạo của Gỗ Trường Thành cũng cho biết, năm 2018, công ty sẽ không đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đề ra, do đây là mốc để xử lý toàn bộ những vấn đề tồn đọng.
Tổng Giám đốc Mai Hữu Tín hứa với cổ đông: "Từ năm 2019, chúng ta sẽ tốt lên chứ không thể xấu hơn". Ông Tín khẳng định sang năm 2019, Gỗ Trường Thành sẽ sạch nợ, nhưng đồng thời cũng nhắn nhủ với các cổ đông trong 5 năm tới, công ty sẽ không chia cổ tức vì "tôi thích một cuộc chơi dài hạn và những thách thức mà tôi đang có".
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/10, cổ phiếu TTF đã giảm sàn về mức 4.420 đồng/cp ghi nhận phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp, thanh khoản giảm đột biến khi chỉ khớp lệnh được gần 160.000 đơn vị.
Linh Đan