Tính đến thời điểm hiện tại, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã: VNS) được xem là một trong những doanh nghiệp niêm yết nổi bật nhất của lĩnh vực kinh doanh taxi. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, màu xám phủ kín kết quả kinh doanh của “đại gia” này.
Chính thức niêm yết năm 2008 và 7 năm sau đó là thời kỳ hoàng kim của Vinasun khi doanh thu và lợi nhuận tạo nên một đường thẳng đứng. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 tới nay, kết quả kinh doanh của Vinasun cũng vẫn theo hình mũi tên nhưng là chiều đi xuống.
Doanh nghiệp kinh doanh sa sút
Kết quả kinh doanh mới nhất của Vinasun cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Vinasun giảm 51% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 522 tỷ đồng và “ôm” khoản lỗ ròng hơn 126 tỷ đồng. Năm 2020, Vinasun dự kiến lỗ 115 tỷ đồng - cũng là năm đầu tiên công ty lên kế hoạch lỗ kể từ khi niêm yết.
Nói đến Vinasun thì không thể không nhắc tới một “ông lớn” khác trong ngành taxi là Mai Linh với sai lầm khi "lấn sân" sang bất động sản cùng với cấu trúc cồng kềnh đã đẩy doanh nghiệp mấp mé bên bờ vực phá sản do thua lỗ.
Năm 2019, CTCP Tập đoàn Mai Linh đã phải thực hiện hợp nhất 3 công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của hệ thống là Mai Linh Miền Bắc (mã: MLN), Mai Linh Miền Trung (mã: MNC), Mai Linh Miền Nam (mã: MLG).
Khó kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng của cổ phiếu doanh nghiệp taxi. |
Cùng trong năm, Mai Linh công bố lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 1.039 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, công ty dự kiến lãi sau thuế hợp nhất đạt 39 tỷ đồng và doanh thu thuần đạt 1.730 tỷ đồng.
Tình trạng kinh doanh bết bát cũng xảy ra tại CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Saigontourist Transport, mã: STT) khi dự kiến lỗ 3 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, tại Saigontourist Transport không đơn thuần chỉ là áp lực cạnh tranh “nhấn chìm” lợi nhuận, mà còn là sự mất đoàn kết trong ban quản trị công ty.
Từ năm 2012 trở lại đây, hãng taxi này liên tục hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Tính đến cuối năm 2019, lỗ lũy kế của doanh nghiệp là hơn 93 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Thậm chí, kiểm toán đã đưa ra nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của Saigontourist Transport.
Đỉnh điểm nhất vào tháng 6 vừa qua, Saigontourist Transport còn bị cổ đông lớn kiêm thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Hồng (tỷ lệ sở hữu 21,8%) gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên TAND TP.HCM. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được chấp thuận, đồng thời các lãnh đạo đương nhiệm của Saigontourist Transport cũng lên tiếng khẳng định công ty không mất khả năng thanh toán.
Được xem là “gà cùng một mẹ” với Saigontourist Transport nhưng CTCP PGT Holdings (mã: PGT) đã phải bán hết taxi và chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới là tài chính tiêu dùng thông qua công ty con là Công ty TNHH tài chính vi mô BMF. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh cũng không mấy sáng sủa hơn khi lỗ lũy kế đến năm 2019 của công ty là 40 tỷ đồng.
Cổ phiếu dần rơi vào quên lãng?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành taxi có thời điểm rơi vào "quên lãng" khi vắng bóng trong danh mục khuyến nghị của nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư. Phản ứng của thị trường đã phần nào phản ánh tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Nếu như trước đây, cổ phiếu VNS duy trì vững vàng được vùng giá trên 30.000 đồng/cp thì đến nay chỉ còn 1/3 với 10.800 đồng/cp. Thanh khoản trung bình đạt hơn 5.000 đơn vị/phiên.
Mặc dù thị giá cổ phiếu vẫn chưa lấy lại thời kỳ hoàng kim nhưng VNS lại có giao dịch nội bộ khá sôi động khi mới đây, bà Ngô Thị Thúy Vân - vợ Chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thành đã đăng ký mua vào hơn 5,4 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 10,56%.
Đáng chú ý, số lượng cổ phiếu mà bà Vân đăng ký mua vào bằng đúng số lượng mà con trai bà – ông Đặng Thành Duy - vừa đăng ký bán ra, tương đương 7,97% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Nhiều cổ đông lớn khác như cổ đông Nguyễn Ngọc Phi, Chứng khoán HSC cũng đồng loạt bán ra cổ phiếu VNS với phương thức thỏa thuận, với tổng số lượng cổ phiếu là 7,2 triệu đơn vị. Bên mua vào có thể là Công ty TNHH Tư vấn Kim Ngưu.
"Thảm" hơn VNS, cổ phiếu STT của Saigontourist Transport đang giao dịch tại mức giá “trà đá” 4.400 đồng/cp và thường xuyên “đóng băng” thanh khoản. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, STT chỉ có 7 phiên có giao dịch mua bán, còn lại đều đóng cửa với con số 0.
Tương tự STT, cổ phiếu PGT hiện cũng chỉ giao dịch quanh vùng giá 4.500 đồng/cp với thanh khoản “èo uột”. Trong 8 phiên giao dịch gần nhất, chỉ ngày 26/8 là PGT có giao dịch khớp lệnh với số lượng... 1 cổ phiếu, tổng giá trị là 4.500 đồng!
Về nhóm cổ phiếu “họ” Mai Linh, thực tế ngay từ khi lên sàn, MNC và MLM đã có giao dịch không mấy tích cực, không nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Đây được cho là "gáo nước lạnh" về định giá của thị trường dành cho thương hiệu taxi Mai Linh ở miền Bắc và miền Trung.
Tuy nhiên, do phương án sáp nhập, 2 cổ phiếu này đã bị hủy niêm yết kể từ ngày 29/6 với mức giá đóng cửa cuối cùng của MLC là 3.900 đồng và MNL là 2.300 đồng/cp.
Nhìn vào những diễn biến trên có thể thấy, đà lao dốc của các doanh nghiệp taxi được kết hợp bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nhà đầu tư dường như đang dần mất kiên nhẫn đối với cổ phiếu ngành này, bởi chưa nhìn thấy chiến lược dài hơi và tính khả thi của các công ty trong cuộc đua thời công nghệ số hiện nay.
Linh Đan