Mộc Châu Milk chào bán gần 40 triệu cổ phiếu cho nhóm cổ đông Vinamilk |
Theo đó, Mộc Châu Milk dự kiến phát hành gần 39,2 triệu cổ phiếu cho CTCP GTNfoods (mã: GTN) và CTCP Sữa Việt Nam (mã: VNM). Cụ thể, chào bán cho GTNFoods là hơn 29,45 triệu cổ phiếu, chiếm 75,2% tổng số cổ phiếu chào bán, chào bán cho Vinamilk là 9,74 triệu cổ phiếu, chiếm 24,8% tổng số cổ phiếu chào bán. Giá phát hành dự kiến là 30.000 đồng/cp.
Hai nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn đều là các tổ chức có mối quan hệ về sở hữu đối với Mộc Châu Milk dù chỉ sở hữu gián tiếp. Vinamilk hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 75,3% vốn GTNFoods. Trong khi GTNFoods nắm giữ 73,7% vốn điều lệ Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) – công ty mẹ sở hữu 51% Mộc Châu Milk.
Ngoài ra, trong Đại hội cổ đông bất thường, doanh nghiệp còn thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là hơn 3,3 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cp, phát hành 668.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Trước tăng vốn, doanh nghiệp có tổng cộng 66,8 triệu cổ phiếu, nhóm Vinamilk sở hữu 51%, tương đương với 34,07 triệu cổ phiếu. Nếu nhóm cổ đông Vinamilk thực hiện toàn bộ quyền trong đợt phát hành, nhóm Vinamilk sẽ nhận được hơn 1,7 triệu cổ phiếu từ phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:05, nhận gần 39,2 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược. Như vậy, sau phát hành, nhóm cổ đông Vinamilk sở hữu gần 75 triệu cổ phiếu, tương đương với 68,1% vốn điều lệ tại Mộc Châu Milk.
Trước đó, tại thời điểm thương vụ M&A giữa GTNfoods và Vinamilk diễn ra đã có ý kiến cho rằng, việc gián tiếp thâu tóm Mộc Châu Milk không chỉ mở rộng hệ sinh thái mảng sữa, mà còn được đánh giá là bước đi phù hợp với Vinamilk. Theo đánh giá của CTCK SSI, mua lại Mộc Châu Milk sẽ là một trong những tiền đề quan trọng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho Vinamilk.
Mộc Châu Milk đang chiếm khoảng 9% thị phần, riêng tại khu vực miền Bắc, tỷ lệ này là 35%. Với hơn 80.000 điểm bán lẻ, Mộc Châu Milk có độ phủ đáng kể trên thị trường sữa tươi.
Lên tiếng về việc này đại diện của Vinamilk cho biết, doanh nghiệp đã tham gia vào Mộc Châu Milk từ đầu năm 2019, đó là cách đi chiến lược của một doanh nghiệp lớn như Vinamilk, góp vốn vào các doanh nghiệp có lợi thế để cùng phát triển.
“Trong câu chuyện này, Vinamilk không muốn dùng từ thâu tóm như một vài ý kiến đã hỏi Ban lãnh đạo Công ty. Chủ trương của chúng tôi không phải thâu tóm thương hiệu Mộc Châu Milk, mà mục đích là tham gia mạnh vào khâu quản trị để Mộc Châu Milk phát triển, trên quan điểm là doanh nghiệp Việt cùng bắt tay nhau để lớn mạnh, dắt tay nhau đi lên”, vị đại diện này cho biết
Mới đây, Mộc Châu Milk công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với doanh thu trong kỳ là 734,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 59,2 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 2,4% và 46,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 1.366,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 106,3 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 7,6% và 40,8% so với 6 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành được 74,7% kế hoạch lợi nhuận.
N.L