Cổ phiếu STB đã có ba phiên tăng giá liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu từ mức 11.850 đồng/cp lên 12.650 đồng/ cp, tương đương mức tăng đạt 6,75%, khối lượng giao dịch trung bình đạt 8,7 triệu đơn vị.
Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 19/9, STB dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với 11,8 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.
Ngược dòng thành công
Cổ phiếu STB khởi đầu tháng 9 không mấy suôn sẻ với 4 phiên giảm giá liên tiếp từ mức giá 11.550 đồng/cp (phiên 30/8) xuống còn 11.050 đồng/cp (phiên 6/9), tương đương mức giảm đạt hơn 4,3%.
Tuy nhiên, STB đã nhanh chóng lấy lại những gì đã mất, thậm chí bứt phá mạnh mẽ 9,5% với 4 phiên tăng liên tiếp chinh phục mức giá 12.100 đồng/cp. Trước khi “thăng hoa” như hiện tại, STB cũng đã có ba phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật, mức giảm chỉ đạt hơn 2%.
Trước đó, sau khi tăng mạnh lên mức giá 15.000 đồng/cp hồi tháng 1/2018 và duy trì suốt nhiều tháng sau đó, thậm chí có thời điểm STB bật tăng lên mức giá trên 16.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4/2018.
Trước biến động của thị trường hồi quý II, cổ phiếu STB đã liên tiếp giảm về vùng giá 13.000 đồng/cp, sau đó là “lình xình” quanh mức giá 12.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, chuỗi ngày giảm giá “thê thảm” của STB bắt đầu từ đầu tháng 7, cổ phiếu này đánh mất mốc 12.000 đồng/cp và liên tiếp giảm về mệnh giá (10.000 đồng/cp), thậm chí phiên 5/7, STB còn giảm xuống còn 9.720 đồng/cp.
Những ngày cuối tháng 7, nhờ động thái tích cực thu dọn nợ xấu, Sacombank công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với lợi nhuận trước thuế gần 1.000 tỷ đồng, hoàn thành 54,2% kế hoạch năm.
Ngoài ra, ngân hàng cũng thông báo đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nợ xấu của ngân hàng đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.
Thông tin tích cực này đã có tác động đến thị giá cổ phiếu, STB từng bước hồi phục lên mức giá trên 11.000 đồng/cp. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, thị giá STB ghi nhận tại mức giá 11.350 đồng/cp.
Điểm lại diễn biến của STB từ đầu năm đến nay, có thể thấy rõ cổ phiếu này đã và đang từng bước “chuyển mình” lấy lại vị thế. Trong quá khứ, Sacombank từng là một trong những ngân hàng vững mạnh, thậm chí là đi tiên phong trong khối ngân hàng tư nhân.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, vấn đề nợ xấu lại là trọng tâm của Sacombank khi tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2015 và 2016 lần lượt là 5,8% và 6,68%.
Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền điều hành (tháng 6/2017) đến nay, Chủ tịch Dương Công Minh đã tăng tốc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu Sacombank.
Với những gì đang diễn ra tại Sacombank, ông Dương Công Minh đang tiến chắc, đúng tiến độ trong thực hiện lời “hứa” xử lý nợ xấu của ngân hàng này. Thông tin bán nợ xấu kể trên dường như đã có những tác động lên giá cổ phiếu STB trong thời gian qua.
Thông tin bán nợ xấu đã có những tác động lên giá cổ phiếu STB trong thời gian qua. |
Triển vọng dài hạn
Mới đây, Sacombank rao bán 4 bất động sản để thu hồi nợ với giá trị lên tới 20.600 tỷ đồng, bao gồm: khu công nghiệp Phong Phú huyện Bình Chánh; dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao thuộc Tiểu khu 3 – khu dân cư Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân); khu dân cư Bình Thủy, Cần Thơ; khu nhà ở Long Bình thuộc Quận 9.
Trong số 4 bất động sản rao bán này, khu công nghiệp Phong Phú huyện Bình Chánh được định giá cao nhất với giá khởi điểm là 7.600 tỷ đồng; tiếp theo là khu dân cư Bình Trị Đông có giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng; hai dự án còn lại lần lượt có giá khởi điểm là 4.565 tỷ đồng và 1.815 tỷ đồng.
Được biết, đây là các bất động sản từng thuộc sở hữu (trực tiếp và gián tiếp), liên quan đến ông Trầm Bê – cựu Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Ngoài 4 khối bất động sản nghìn tỷ trên, Sacombank còn đang rao bán hàng loạt bất động sản khác có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng như: khu đất 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại quận 1, Tp.HCM; đất cơ sở SXKD ở số 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Tp.HCM; khu đất rộng 6.382 m2 tại 36/70 đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp.HCM…
Mới đây, theo nhận định của CTCK Bản Việt, vấn đề của Sacombank không phải là số liệu nợ xấu chính thức mà là trái phiếu VAMC và các khoản phải thu đồng thời kỳ vọng ngân hàng sẽ giải quyết xong nợ tồn đọng vào giữa năm 2020, tức trong vòng khoảng 2 năm tới.
Theo một số nhà đầu tư, trong đợt chào bán lần này, Sacombank nhiều khả năng sẽ thanh lý được rất nhanh hai dự án bất động sản thuộc VAMC và cũng là hai bất động sản có giá trị cao nhất, (KCN Phong Phú và dự án KDC Bình Trị Đông), tổng cộng giá trị sổ sách vào khoảng 14.300 tỷ đồng.
Sacombank sẽ thu được số tiền tương ứng và xóa được số dư này trên khoản mục trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn, Sacombank đạt được mục đích tối ưu là thu hồi được nợ.
Dù số tiền từ xử lý những khối tài sản khổng lồ này Sacombank sử dụng vào mục đích gì thì cũng đều đem lại khoản lợi nhuận lớn cho ngân hàng, đồng thời giải được bài toán dư địa cho vay của Sacombank.
Trước đó, cuối năm 2017, Sacombank cũng đã đấu giá 3 lô đất có liên quan đến ông Trầm Bê tại khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng.
Linh Đan