Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.Từ đầu năm đến nay, Fed đã nâng lãi suất hai lần, một lần thêm 25 điểm phần trăm trong tháng 3 và một lần 50 điểm phần trăm trong tháng 5. Lãi suất cơ bản của Mỹ đã từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên mức 0,75-1%. Lạm phát tăng cao kỷ lục đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo
Lạm phát tăng cao, cổ phiếu phòng thủ lên ngôi
Tại Việt Nam, giới phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất nhanh như vậy sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD làm giá đồng tiền này tăng lên, gây ra nhiều tiêu cực cho thị trường chứng khoán (TTCK).
“Tỷ giá USD tỷ lệ nghịch với TTCK Việt Nam. Mỗi lần tỷ giá USD tăng, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà cả thế giới cũng sẽ điều chỉnh”, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh Hội sở CTCP Chứng khoán SSI nhận định.
Thị trường chung không mấy khởi sắc nhưng một số nhóm ngành phòng thủ điển hình như điện, nước hay dược vẫn xuất hiện những điểm sáng ngược dòng. |
Thực tế, ngay sau phiên vượt 1.300 điểm (8/6), thị trường liên tục đảo chiều đi xuống trước những thông tin về lạm phát “leo thang”. Chẳng hạn, ngay trong phiên 13/6, áp lực bán mạnh trên diện rộng đã khiến VN-Index giảm đến 57 điểm với hàng loạt cổ phiếu nằm sàn.
Song, đáng chú ý, một số nhóm ngành phòng thủ điển hình như điện, nước hay dược vẫn xuất hiện những điểm sáng ngược dòng.
Nổi bật nhất phải kể đến cổ phiếu đầu ngành điện POW (PV Power) với mức tăng 1,7% lên 15.250 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên đến gần 41 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn sàn, đồng thời cũng là cái tên duy nhất trong nhóm VN30 tăng giá. Nhờ hiệu ứng lan tỏa, nhiều cổ phiếu ngành điện khác như NT2 (Dầu khí Nhơn Trạch 2) và VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) đều tăng 3%, KHP (Điện lực Khánh Hòa) tăng 2,3%, trong khi BTP (Nhiệt điện Bà Rịa), SEB (Điện Miền Trung), SBA (CTCP Sông Ba) cũng xanh nhẹ.
Trước đó, nhiều cổ phiếu ngành điện đã cho thấy khả năng phục hồi từ đáy tốt hơn thị trường chung đặc biệt trong những phiên gần đây khi VN-Index biến động mạnh nhưng không thể gia tăng điểm số. So với đáy hồi giữa tháng 5, POW và NT2 đều tăng khoảng 35% còn VSH thậm chí đã tăng đến 50%, ấn tượng hơn nhiều so với mức tăng gần 6% của VN-Index trong cùng giai đoạn.
Bên cạnh nhóm điện, các cổ phiếu ngành nước cũng rất được chú ý trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Mặc dù áp lực bán bao trùm thị trường trong phiên 8/6 nhưng TDM (Nước Thủ Dầu Một) vẫn ngược dòng tăng nhẹ lên mức 39.000 đồng/cp. So với thời điểm cách đây 1 tháng, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 19%.
Nhìn chung, thời gian qua, đây cũng là 2 nhóm ngành phòng thủ được giới đầu tư nhắc đến khá nhiều. Trong đó, cổ phiếu REE (CTCP Cơ điện lạnh), BWE (CTCP Nước - Môi trường Bình Dương), TDM, HND (CTCP Nhiệt điện Hải Phòng), QTP (CTCP) Nhiệt điện Quảng Ninh)... thường xuyên thu hút dòng tiền.
Còn nhiều sự lựa chọn khác
Lâu nay các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm thường sử dụng chiến lược phòng thủ khi không chắc chắn về thị trường. Đó là giảm tỷ lệ cổ phiếu thị trường (cổ phiếu mà giá có xu hướng vận động tương đương với diễn biến của các chỉ số chứng khoán), cổ phiếu tăng nóng và gia tăng lượng tiền mặt. Bên cạnh đó, chọn thêm cổ phiếu phòng thủ, chủ yếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như cấp nước, sản xuất điện, dược phẩm, y tế… Cũng chính vì động thái dịch chuyển dòng tiền từ cổ phiếu thị trường sang cổ phiếu phòng thủ nên giá nhiều cổ phiếu loại này đi lên, trái ngược thị trường chung là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, không phải cứ thuộc nhóm phòng thủ là có thể “xuống tiền”. Lấy ví dụ về nhóm cổ phiếu ngành dược.
Mặc dù được coi là một trong những nhóm phòng thủ truyền thống bởi hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao nhờ chi phí đầu vào ổn định so với các ngành khác, nhưng trong phiên 8/6 vừa qua, ngành dược cũng chỉ có một đại diện hiếm hoi ngược dòng là TRA (Traphaco) và thực tế trong suốt cả phiên, cổ phiếu này cũng gần như chật vật trong sắc đỏ trước khi được kéo ngược lên tăng nhẹ vào cuối phiên.
Không chỉ vậy, cổ phiếu TRA cũng biến động không quá mạnh trong thời gian gần đây khi giảm khoảng 8% so với đỉnh cách đây gần 2 tháng.
Ngoài ra, không thể phủ nhận bức tranh lợi nhuận quý I/2022 của nhóm cổ phiếu phòng thủ không thực sự khả quan, thậm chí suy giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2022, CTCP Nước – Môi trường Bình Dương ghi nhận doanh thu 733,3 tỷ đồng, tăng 8,6%, lợi nhuận sau thuế 176,4 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 23,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm (750 tỷ đồng).
Tương tự, CTCP Nước Thủ Dầu Một báo cáo doanh thu đạt 105,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng trong quý I/2022, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,3% về doanh thu nhưng giảm 65,5% về lợi nhuận, còn so với kế hoạch cả năm 2022 thì hoàn thành 17,4%.
Đối với nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than và khí, chi phí nguyên liệu đầu vào đang tăng cao. Giá than thế giới từ cuối năm 2021 đến ngày 25/5/2022 tăng 136%, từ 169,6 USD/tấn lên 400 USD/tấn, ở vùng đỉnh lịch sử kể từ năm 2010, làm thu hẹp biên lợi nhuận gộp.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, câu chuyện lạm phát tiếp tục khiến thị trường chứng khoán trong nước khó thoát khỏi xu hướng chung của thế giới. Song về dài hạn, thị trường sẽ tích cực hơn khi những yếu tố nội tại tiếp tục được cải thiện như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có sự tăng trưởng, quy mô thị trường tiếp tục mở rộng với số lượng tài khoản mở mới tăng dần.
“Khi lạm phát tăng thì lãi suất cũng tăng, có thể là tỷ giá USD cũng tăng nên có thể lựa chọn mua cổ phiếu của những doanh nghiệp xuất khẩu vì những công ty này sẽ được hưởng lợi từ đó. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn những doanh nghiệp có tỷ trọng tiền mặt nhiều hơn, tỷ lệ nợ vay thấp hoặc vay nước ngoài thấp thì có thể tránh được rủi ro tài chính. Còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên xem mình đang ở đâu, có tín hiệu nào từ thị trường phát ra để bản thân có thể nắm bắt được nhóm ngành cần mua cổ phiếu”, Giám đốc Kinh doanh SSI khuyến nghị.
Hải Giang