Kết phiên đầu tuần (25/9), VN-Index chìm trong “biển lửa” với mức giảm mạnh gần 40 điểm. Cổ phiếu nhóm tài chính tiếp tục lao dốc cùng thị trường chung.
Cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng cùng cảnh ngộ
Trong đó, đa số các cổ phiếu nhóm chứng khoán đều giảm hết biên độ hoặc sát sàn, thậm chí “trắng bên mua”. Tính chung trong 3 phiên giảm mạnh liên tiếp gần nhất, hầu hết các cổ phiếu như SSI, VND, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS,… đều đã “bốc hơi” 15-20% thị giá.
![]() |
Trong nhóm cổ phiếu tài chính, nhóm chứng khoán và ngân hàng đều chung cảnh tiêu cực. |
Trước cú “quay xe” nhanh chóng này, đa phần các cổ phiếu nhóm chứng khoán đã ghi nhận mức tăng từ hàng chục % đến bằng lần so với thời điểm đầu năm. Nhiều cái tên đã trở lại vùng giá cao nhất trong hàng chục tháng, thậm chí gần đỉnh lịch sử. Do đã tăng rất mạnh trong thời gian dài, áp lực chốt lời mạnh là khó tránh khỏi, nhất là khi thị trường chung cũng biến động kém thuận lợi.
Hơn nữa, đà tăng mạnh trước đó đã đẩy định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán không còn thực sự hấp dẫn. P/B của ngành hiện ở mức 1,7 lần tương đương so với mức trung bình trong 3 năm. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn như SSI, VND, HCM, VCI,… có mức P/B trên 2 lần. Con số này cao hơn nhiều so với đầu năm - thời điểm hầu hết các cổ phiếu nhóm này có P/B vào khoảng 1-1,5 lần. Định giá không còn rẻ là một yếu tố khiến dòng tiền bắt đáy dè dặt hơn trong các nhịp điều chỉnh.
Cùng cảnh ngộ, tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, màu sắc ảm đạm cũng bao trùm. Trước đó, trong phiên 22/9, nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 đã đem lại niềm vui cho các nhà đầu tư, song nếu nhìn tổng quan cả tuần giao dịch (18-22/9), có tới 24/27 mã kết tuần trong sắc đỏ.
Trong đó, EIB là mã có mức giảm mạnh nhất toàn ngành, lên đến 8,9%. Theo sau là cổ phiếu LPB với mức giảm 8,6% đánh dấu 8 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ.
Ở nhóm VN30, cổ phiếu của những ngân hàng sở hữu vốn hóa lớn cũng không tránh khỏi diễn biến tiêu cực như MBB, CTG, TCB, BID, VPB, ACB. Thậm chí, “ông lớn” có vốn hóa lớn nhất ngành là VCB cũng điều chỉnh giảm nhẹ 0,6%, kết tuần tại mức 89.300 đồng/cp.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, nhóm ngân hàng ghi nhận diễn biến kém khả quan khi mà nhà đầu tư e dè trước những nhận định của các chuyên gia về triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này.
Đáng chú ý, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa, cho nên thông tin này được cho là có ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý lên nhóm cổ phiếu “nhạy” với diễn biến thanh khoản và lãi suất, bao gồm nhóm cổ phiếu tài chính nói chung.
Chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cho hay, việc NHNN phát gần 10.000 tỷ đồng tín hiệu nhằm hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, hạn chế tình trạng đầu cơ tỷ giá. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại, đây là động thái thắt chặt của NHNN.
Cổ phiếu ngân hàng triển vọng hơn
Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu nhóm ngân hàng mới nhất, Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh tình hình sẽ khả quan hơn trong nửa sau năm 2023.
Trong nửa cuối năm 2023, các mảng ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cân bằng hơn nhờ triển vọng phục hồi kinh tế và lãi suất điều chỉnh về các mức tiệm cận trước dịch Covid-19. Gần đây, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đã bắt đầu khởi sắc trở lại, đây có thể là chỉ báo sớm cho sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, lãi suất dự kiến giảm và tỷ giá ổn định được kỳ vọng mang lại một khoản lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại từ các hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư trái phiếu. Mặc dù triển vọng đà tăng trưởng lợi nhuận so với các năm trước là khá thấp, tuy nhiên rủi ro cũng như yếu tố tiêu cực, như tốc độ gia tăng nợ xấu và áp lực chi phí huy động, đang cho thấy xu hướng ôn hòa hơn.
Chưa kể, so với định giá lịch sử, nhóm ngân hàng, mặc dù đã phục hồi tích cực từ mức thấp trong tháng 10 năm 2022, nhưng vẫn được định giá thấp hơn mức định giá trung bình 5 năm, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân.
Còn đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, giới phân tích đánh giá, những động lực thúc đẩy các cổ phiếu chứng khoán đi lên thời gian qua đang có dấu hiệu phai nhạt dần.
Thực tế, thời gian qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán được hưởng lợi rất lớn từ sự hồi phục mạnh mẽ về mặt thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng này đang có dấu hiệu chững lại kể từ đầu tháng 9. Các phiên giao dịch thanh khoản cao bắt đầu thưa dần.
Mặt khác, trong quá trình đi lên vừa qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán nhận được không ít thông tin hỗ trợ tích cực trong đó đáng chú ý nhất là tiến độ triển khai dự án công nghệ thông tin KRX.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, kỳ vọng vào hệ thống KRX cũng đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu chứng khoán trong thời gian qua. Và nếu cân nhắc kỹ, việc đưa vào hoạt động hệ thống mới sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn trong dài hạn thay vì những tác động rõ rệt trong ngắn hạn. Nâng cao năng lực về thanh khoản thực tế không đồng nghĩa với việc thị trường sẽ hút tiền tốt hơn, nhất là khi các nền tảng cơ bản đang không thật sự vững vàng.
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong ngắn hạn là một câu hỏi lớn trước những cơn gió ngược đến từ lãi suất, tỷ giá hay sự bất ổn bên ngoài,… Tiền đổ vào kênh chứng khoán chủ yếu do nền kinh tế chưa thể hấp thụ được dòng vốn ứ đọng. Dòng tiền này có tính đầu cơ cao, đến nhanh và rút đi cũng nhanh.
Theo đó, thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu chứng khoán nói riêng mang nặng tính chu kỳ. Việc thiếu hụt dòng tiền đầu tư dài hạn khiến thị trường chứng khoán khó đi lên bền vững và vẫn cần thời gian để ổn định.
Hải Giang