Từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu nhóm chứng khoán miệt mài leo dốc với đà tăng ấn tượng, nhất là giai đoạn từ đầu quý II. Đà tăng của nhóm cổ phiếu này thậm chí còn vượt trội hơn hẳn so với mức sinh lời của chỉ số chung như VN-Index hay VN30.
Đà tăng ấn tượng
Mặc dù còn cách khá xa so với đỉnh cao vào cuối năm 2021, nhưng nếu so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 11/2022, hầu hết các cổ phiếu chứng khoán đã có mức tăng bằng lần.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu nhóm chứng khoán miệt mài leo dốc với đà tăng ấn tượng, nhất là giai đoạn từ đầu quý II. |
Có thể thấy, cổ phiếu chứng khoán là một trong số các nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất thị trường (-60,5%), chỉ sau nhóm bất động sản trong một năm đầy biến động với những “cơn gió ngược” cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cổ phiếu chứng khoán đã có sự phục hồi mạnh mẽ và nằm trong Top 2 nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh nhất thị trường kể từ đầu năm tới nay, sau nhóm cổ phiếu đầu tư công.
Trong đó, nổi bật là các mã cổ phiếu có mức tăng hơn 100% như: VIX của Chứng khoán VIX (+199%), AGR của Chứng khoán Agribank (+116,7%), BSI của Chứng khoán BIDV (+107,8%), CTS của Chứng khoán Vietinbank (+107%)… Trong số 35 mã cổ phiếu chứng khoán, có tới 17 mã có mức thanh khoản bình quân 50 phiên đạt trên 1 triệu cổ phiếu/phiên, nhiều cổ phiếu siêu thanh khoản khi đạt trên 18 triệu cổ phiếu/phiên như: VND của VNDirect (33 triệu cổ phiếu/phiên), VIX (22,3 triệu cổ phiếu/phiên), SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (20,5 triệu cổ phiếu/phiên), SSI của Chứng khoán SSI (18,3 triệu cổ phiếu/phiên)…
Sự trở lại của nhóm ngành chứng khoán đến từ kỳ vọng sự hồi phục của thị trường chung trong bối cảnh lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể và Chính phủ có nhiều chính sách, biện pháp kích thích kinh tế. Với việc lãi suất tiền gửi giảm khoảng một nửa so với đỉnh, một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm đáo hạn đã chú ý tới kênh đầu tư có khả năng sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán, trong khi kênh đầu tư khác như bất động sản vẫn “đóng băng”.
Theo đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng điểm tích cực, liên tiếp đón nhận dòng tiền hàng tỷ USD mỗi phiên giao dịch. Và nhóm cổ phiếu chứng khoán được hưởng lợi, bởi lẽ đây là nhóm cổ phiếu có độ “nhạy” cao với thanh khoản của thị trường.
Ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích và chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong tháng 7, thanh khoản trên sàn HoSE đạt trung bình 18.361 tỷ đồng/phiên, mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 150.400 tài khoản chứng khoán trong tháng 7, tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng 6. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7 cao nhất trong vòng 11 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái. Giá trị cho vay margin (vay ký quỹ) trong quý II cũng ghi nhận mức tăng gần 20% so với quý I.
Nhiều yếu tố hỗ trợ duy trì đà tăng
Tuy vậy, sau chuỗi tăng khá dài, nhiều nhà đầu tư bày tỏ băn khoăn: Những tháng cuối năm 2023, nhóm cổ phiếu chứng khoán có tiếp tục “làm nên chuyện”?
Giới phân tích nhận định, từ nay tới cuối năm, TTCK vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng tiền tham gia. Đây là cơ hội rất lớn cho nhóm cổ phiếu chứng khoán duy trì đà tăng.
Một số ý kiến còn cho rằng, khả năng cuối quý III, đầu quý IV sẽ có một số công ty chứng khoán điều chỉnh kế hoạch kinh doanh khi thị trường thời gian qua cho thấy sự thuận lợi rõ ràng hơn. Dự báo sẽ còn xuất hiện nhiều phiên giao dịch có thanh khoản cao trong thời gian tới.
Theo ông Đỗ Thanh Tùng, Phó phòng Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền gửi nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tăng 10.000 - 20.000 tỷ đồng so với cuối quý II. Từ đó, thanh khoản bình quân phiên dự báo dao động trong khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng vào giai đoạn nửa cuối năm.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VNDirect cho rằng, cổ phiếu chứng khoán sẽ có diễn biến tích cực trong nửa cuối năm 2023, dựa trên 3 luận điểm.
Trước hết, tiềm năng của ngành chứng khoán trong tương lai còn rất lớn. VNDirect đánh giá ngành chứng khoán Việt Nam là một trong những ngành đầu tư hấp dẫn nhất với tính thâm nhập thấp và thu nhập gia tăng. Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu của các công ty môi giới. Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện các bước hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực chứng khoán.
Thực tế, thông tin hệ thống KRX vận hành vào cuối năm 2023 được xem là “đòn bẩy” giúp hàng loạt cổ phiếu chứng khoán tăng rực rỡ và hút mạnh dòng tiền (phiên 22/8), bất chấp thị trường chung biến động.
Tiếp theo, TTCK sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tài khóa hỗ trợ. VNDirect kỳ vọng giá trị giao dịch trung bình 3 sàn có thể đạt 20-25 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023 - ngang mức giai đoạn năm 2021, nhờ lãi suất huy động ở mức thấp cũng như nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn.
Cuối cùng là yếu tố định giá hấp dẫn và kỳ vọng kết quả kinh doanh nhóm chứng khoán kỳ vọng hồi phục mạnh. Đến thời điểm hiện tại, định giá ngành đang giao dịch ở mức P/B là 1,6 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành trong 3 năm gần đây. Trong bối cảnh này, lĩnh vực chứng khoán sẽ là đại diện tốt nhất cho sự "hồi sinh" của thị trường.
“Các công ty môi giới với lợi thế nhà đầu tư nhỏ lẻ và mức độ số hóa cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn chảy mạnh vào TTCK. Với hoạt động cho vay ký quỹ nhộn nhịp hơn, các công ty dịch vụ tài chính cũng có tiềm năng tăng trưởng cho vay ký quỹ và khả năng duy trì spread (chênh lệch giữa lãi suất cho vay ký quỹ và chi phí vốn) sẽ có khả năng mở rộng thu nhập ký quỹ”, báo cáo của VNDirect nêu.
Hải Giang