Ngành thép đang đón nhận nhiều thông tin tích cực khi giá thép tăng mạnh, nhu cầu sử dụng sản phẩm trong và ngoài nước tăng cao sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chi tiêu đầu tư công cho hạ tầng hậu đại dịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành thép tăng trưởng, trở thành “bàn đạp” cho nhóm cổ phiếu ngành này thăng hoa trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, do là một ngành biến động theo chu kỳ rất rõ rệt nên có thể cổ phiếu thép cũng sẽ biến động theo chu kỳ.
Giá cổ phiếu đã tăng quá cao
Trong vòng hơn một năm qua, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã tăng tới hơn 3,4 lần từ vùng giá 18.000 đồng/cp lên 62.000 đồng/cp. Và nếu so từ đầu năm đến nay, HPG cũng đã kịp thời ghi nhận thêm 51,2% giá trị.
Cũng trong hơn một năm qua, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen đã tăng tới 460% và tăng 77% kể từ đầu năm 2021 đến nay; cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim gây ấn tượng với mức tăng lên đến hơn 430% sau hơn một năm và 113,3% kể từ đầu năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu ngành thép đã đạt đỉnh. |
Hoà chung không khí leo dốc của cổ phiếu ngành thép, cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina đã tăng 41% kể từ đầu năm đến nay, thị giá hiện tại 19.200 đồng/cp. Nếu tính trong vòng hơn một năm qua, POM cũng không kém cạnh những “đồng nghiệp” kể trên khi tăng tới 380%.
Sau khi chính thức được đưa ra khỏi diện cảnh báo, cổ phiếu TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng thuận chiều xu thế chung kể từ đầu tháng 3 và liên tiếp cán mốc lịch sử. Tính đến hiện tại, thị giá của TLH đang ở mức 19.200 đồng/cp, tăng 162% so với đầu năm - ghi nhận mức tăng mạnh nhất so với các cổ phiếu thép khác.
Ngay cả “tân binh” như HSV của CTCP Gang thép Hà Nội cũng kịp thời “bắt sóng” và mang về cho mình gần 110% giá trị chỉ với 11 phiên giao dịch.
Cổ phiếu HSV bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 27/4 với giá tham chiếu 10.500 đồng/cp. Ngay trong phiên chào sàn, HSV đã tăng kịch trần 40% lên 14.700 đồng/cp và quán tính trần hết biên độ thêm 6 phiên sau đó đưa thị giá cổ phiếu này lên tới 33.800 đồng/cp, tương đương mức tăng 222% so với giá chào sàn.
Tuy nhiên, sau đó, HSV đã có vài phiên điều chỉnh và hiện chỉ còn giao dịch ở vùng giá 22.000 đồng/cp.
Nhìn vào diễn biến của các cổ phiếu thép trong những phiên giao dịch gần đây có thể thấy, dấu hiệu của sự điều chỉnh đã khá rõ ràng khi sắc đỏ luôn chiếm ưu thế tại giờ đóng cửa. Tuy nhiên, chỉ một vài phiên điều chỉnh rất khó để đánh giá xu hướng trong giai đoạn tới của nhóm cổ phiếu ngành thép,
Theo nhận định của bà Bùi Thị Kim - Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, yếu tố thúc đẩy chính cho giá cổ phiếu thép trong thời gian qua chính giá thép trên thị trường. Do đó, một khi giá thép vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới thì giá cổ phiếu thép vẫn có khả năng tăng tiếp.
Lo một cơn thoái trào
Không chỉ tại Việt Nam, giá thép tăng cao trên toàn cầu đã thúc đẩy nhiều cổ phiếu thép trên các thị trường chứng khoán khác cũng liên tiếp lập đỉnh. Trong khi nhiều người cho rằng dư địa tăng của cổ phiếu thép vẫn còn, thì một số chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo tình trạng "bong bóng".
Trong một phỏng vấn mới đây với CNN Business, nhà phân tích Timma Tanners (Bank of America) cho biết, sự thiếu hụt nguồn cung khiến nhu cầu thép đang cao hơn bình thường khi các hoạt động kinh doanh đang dần trở lại sau đại dịch Covid-19, nhưng sự thiếu hụt này sẽ sớm chấm dứt và giá thép sụp đổ.
“Lịch sử cho thấy, cổ phiếu thép thường có xu hướng lập đỉnh khoảng một tháng trước giá thép”, bà Tanners nói.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, việc liên tiếp ghi nhận những mức tăng đáng kể trong thời gian qua đã gợi lại về thời kỳ thịnh vượng của nhóm giá cổ phiếu thép giai đoạn 2016 đến đầu năm 2018.
Thực tế cho thấy, diễn biến giá cổ phiếu trong nhiều trường hợp thường phản ánh trước triển vọng tương lai và điều này đã đúng trong trường hợp cổ phiếu đạt đỉnh vào cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Sau đó, nhóm cổ phiếu ngành thép đã bước vào thời kỳ giảm giá mạnh kéo dài đến gần cuối năm 2020; đặc biệt là suy giảm ngay trước khi chỉ số Vn-Index đạt đỉnh 1.204,33 điểm vào tháng 4/2018.
Không chỉ giá cổ phiếu rơi vào trạng thái thoái trào, mà hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép cũng đi xuống kể từ năm 2018 do ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu, tác động từ việc áp dụng thuế bảo hộ trong năm 2016 đã giảm dần cộng với việc nguồn cung gia tăng và làn sóng bảo hộ thương mại, khiến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thép co hẹp lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, khó có thể dự đoán rằng đâu là đỉnh của cổ phiếu thép, nhưng bài học trong quá khứ cho thấy, giá cổ phiếu ngành này đã tăng trưởng trong một giai đoạn khá dài (đạt đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2017 đến đầu 2018, nay là cuối 2020 đến đầu 2021).
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, việc giá thép tăng mạnh đã gây ra lo ngại lớn khiến Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép. Nhiều nước trên thế giới cũng đang đưa ra các giải pháp nhằm hạ nhiệt đà tăng của giá thép.
Đặc biệt, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thép đã bắt đầu có động thái bán ra cổ phiếu “chốt lời”, cũng là một trong những tín hiệu cho thấy giá cổ phiếu ngành này khó có thể có tiềm năng tăng tiếp.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là một nơi khó đoán định, thậm chí có khi 90% dự báo được đưa ra đều có thể sai. Do đó, cổ phiếu thép đã đạt đỉnh hay vẫn còn tiềm năng là phụ thuộc vào kỳ vọng của mỗi người.
Minh Khuê