Về bản chất hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) ngành dược duy trì mức tăng trưởng ổn định nhưng không quá hấp dẫn do thiếu vắng sự đột phá. Hiện tại, cổ phiếu ngành dược đang có mức định giá P/E trung bình 13 lần, được đánh giá là khá rẻ so với mặt bằng chung.
Thanh khoản thấp
Bên cạnh mức định giá rẻ, câu chuyện thanh khoản thấp hiện nay đang diễn ra tại hầu hết các cổ phiếu ngành dược. Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu dẫn dắt ngành là DHG của CTCP Dược Hậu Giang. Sau khi tăng mạnh lên vùng giá 118.000 đồng/ cp (giá điều chỉnh) trong những tháng đầu năm, DHG bắt đầu chuỗi điều chỉnh dài hạn từ cuối tháng 5.
Hiện, DHG đang giao dịch tại mức giá 91.000 đồng/cp, tương đương ghi nhận mức giảm tới 29,7%. Đáng chú ý là trong khoảng hơn 1 năm qua, thanh khoản trung bình của DHG duy trì mức ở thấp, chỉ khoảng hơn 150.000 cổ phiếu mỗi phiên.
Trong kỳ tái cơ cấu danh mục quý II vừa qua, cổ phiếu DHG đã bị loại khỏi rổ VN30 do không đủ tiêu chí về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng cũng như điều kiện phụ liên quan tới giá trị vốn hóa trung bình 12 tháng.
Tình trạng thị giá giảm, thanh khoản thấp cũng xảy ra với cổ phiếu IMP của CTCP Dược phẩm Imexpharm khi thị giá giảm 18% từ mức 58.460 đồng/cp hồi đầu năm, xuống còn 47.900 đồng/cp phiên 18/9. Thanh khoản trung bình của IMP trong vòng 1 năm vừa qua chỉ trong khoảng hơn 10.000 đơn vị/phiên.
Bên cạnh DHG và IMP, chỉ có DBD của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar), PME của CTCP Pymepharco, DCL của Dược Cửu Long… bảo đảm được tính thanh khoản nhưng cũng không phải ở mức gây được sự chú ý.
Theo một chuyên gia chứng khoán, ngay cả các cổ phiếu lớn như TRA của Traphaco cũng chỉ có mức thanh khoản trung bình một vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên, chưa kể còn có những cái tên “mất hút” thanh khoản thì việc hấp dẫn được các nhà đầu tư là rất khó.
Có thể kể đến “tân binh” NTF của CTCP Dược - Vật tư Y tế Nghệ An. Kể từ khi lên sàn hồi đầu tháng 7 tới nay, NTF mới chỉ ghi nhận 2 phiên giao dịch với thanh khoản đạt trên 1.000 đơn vị. Trong khi đó, những “tân binh” thường được kỳ vọng là “làn gió mới” thu hút nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói chung và nhóm ngành cổ phiếu đó nói riêng.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo đưa gần 2,5 triệu cổ phiếu LDP, tương đương 31,88% vốn điều lệ của CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar) ra bán đấu giá trọn lô với giá khởi điểm 28.100 đồng/cp. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 14h30 ngày 10/10/2019 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Sự an toàn quá mức ảnh hưởng đến sự bứt phá của cổ phiếu ngành dược |
Tăng trưởng chưa vững
Mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra đang cao hơn 21% so với mức giá thị trường hiện nay của cổ phiếu LDP (23.300 đồng/ cp). Bên cạnh đó là việc LDP đang trong diện bị cảnh báo cùng với bức tranh thanh khoản thấp chung của ngành đã khiến nhiều người lo ngại phiên đấu giá có thể thất bại.
Hầu hết báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK) về ngành dược Việt Nam đều cho rằng dư địa phát triển của ngành này vẫn còn rất lớn, do tình trạng dân số đang già hóa nhanh, mức thu nhập tăng lên, nên mức chi tiêu bình quân đầu người cho chăm sóc sức khỏe cũng tăng.
Con số này năm 2015 là 38 USD, năm 2017 tăng lên 56 USD nhưng vẫn còn rất thấp so với mức trung bình trên thế giới. Dự báo chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì mức tăng trưởng hàng năm ít nhất là 14% cho tới năm 2025.
Tuy nhiên, do thị phần của DN sản xuất dược nội địa vẫn còn quá nhỏ nên đà tăng trưởng dài hạn vẫn chưa vững vàng. Hiện tại, sản xuất dược nội địa mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường trong nước, còn lại là phụ thuộc vào nhập khẩu.
Giá trị nhập khẩu thuốc năm 2018 là gần 2,8 tỷ USD. Chỉ trong quý I/2019 đã có khoảng 570 triệu USD, tương đương hơn 13.000 tỷ đồng được chi ra để nhập khẩu dược phẩm.
Trong khi đó, với hàng trăm DN sản xuất dược phẩm tại Việt Nam, mới chỉ có khoảng 20 dây chuyền sản xuất đạt được các tiêu chuẩn như PIC/S-GMP, EU-GMP, Japan - GMP (Nhật Bản)…
Một yếu tố tác động không mấy tích cực khác của các DN ngành dược là giá nguyên liệu dự kiến vẫn tiếp tục tăng cao, sự giảm sút ở kênh OTC, giá đấu có khả năng bị siết chặt hơn và cả tình trạng chiếm dụng vốn từ các khách hàng trong kênh ETC…, trong khi tăng trưởng chung của ngành dường như chậm lại và câu chuyện cạnh tranh vẫn khá khốc liệt.
Tại Đại hội đồng cổ đông của Dược Hậu Giang diễn ra hồi đầu tháng 6/2019, công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu thuần 3.943 tỷ đồng, tăng 1,6%; chủ yếu nhờ sự tăng trưởng 12,6% của hàng sản xuất, nhưng doanh thu các mặt hàng khác lại dự kiến giảm tới 46%.
Theo đánh giá của CTCK ACB, doanh thu dự kiến hầu như không đổi so với cùng kỳ, nên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của Dược Hậu Giang chưa có nhiều kỳ vọng bứt phá.
Các DN ngành dược khác như Trapharco và Imexpharm đều có kế hoạch tăng trưởng khá cao trong năm 2019, nhưng góc nhìn chung của các CTCK và nhà đầu tư đều cảm nhận đó là những chỉ tiêu thách thức.
Về bản chất, chính sự an toàn của ngành dược nói chung đã đánh mất sức hấp dẫn của cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thừa nhận việc thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp, một lãnh đạo của Trapharco cho biết do tiềm năng lớn của cổ phiếu nên cổ đông chủ yếu là các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn. Với DN làm ăn bài bản thì giá trị vô hình còn nhiều hơn cả hữu hình.
Linh Đan