Theo FiinGroup, tính tới thời điểm hiện tại đã có 92/1.648 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I/2023. Con số này tương đương 23,6% tổng vốn hóa ở cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Báo cáo sơ bộ cho thấy, ngân hàng đang là ngành “ăn nên làm ra” nhất trên sàn chứng khoán.
Bị bán mạnh dù “ăn nên làm ra”
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế (LNST) trong quý I/2023 của 10/27 ngân hàng, đại diện cho 70,6% vốn hóa ngành ngân hàng ước tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Theo FiinGroup, ngân hàng đang là ngành “ăn nên làm ra” nhất trên sàn chứng khoán. |
FiinGroup phân tích: Trong quý IV/2022, ngành ngân hàng tăng trưởng rất mạnh lên tới 33,9% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, con số 13,9% của quý I/2023 đang cho thấy sự giảm tốc.
Tuy nhiên, nếu so 2 quý với nhau, thì quý I/2023 vẫn tăng 17,8%. FiinGroup cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, thì đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Trên thị trường chứng khoán, FiinGroup nhận thấy giá cổ phiếu của các ngân hàng có lợi nhuận tăng cao trong quý I/2023 (bao gồm BID của BIDV, ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, STB của Sacombank), hiện ở vùng đỉnh 1 năm sau khi hồi phục mạnh 40% - 60% so với giữa tháng 11/2022.
Thậm chí, trong nhận định về thách thức với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích từ CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành ngân hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng với mức tăng trong quý dự báo lên tới hai con số, từ 10% - 15%.
Tương tự, ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu khối Khách hàng tổ chức từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận xét, một số doanh nghiệp có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong trong quý I/2023. Trong đó, bao gồm các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)…
Điều đáng nói, dù kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng đang được giới chuyên môn đánh giá khá cao, song thực tế những phiên gần đây, cổ phiếu của nhóm này lại bị bán ra khá mạnh, gây áp lực lên chỉ số chung toàn thị trường.
Chẳng hạn, trong phiên 19/4 vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm bị bán mạnh nhất khi trong số 20 cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE và HNX có tới 17 mã đỏ sàn. Trong đó, MSB (Ngân hàng Hàng Hải), STB, SHB (Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội) là 3 cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán rất mạnh.
Điển hình, MSB bị nhà đầu tư nước ngoài bán 30 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 400 tỷ đồng; STB bị bán 1,7 triệu cổ phiếu; SHB bị bán 1,2 triệu cổ phiếu.
Trước đó, trong phiên 17/4, nhóm tự doanh cũng bán ròng mạnh nhất cổ phiếu EIB theo phương thức thỏa thuận với giá trị lên tới 108 tỷ đồng. Theo sau MBB và TCB cũng bị bán ròng trên 6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ tái cơ cấu danh mục tới (28/4), SSI Research tính toán, DCVFM VNDiamond ETF – quỹ nội có quy mô lớn nhất thị trường (theo số liệu cập nhật đến ngày 18/4) sẽ bán nhiều nhất cổ phiếu MSB (15,6 triệu cổ phiếu), ACB (14 triệu cổ phiếu) và EIB của Eximbank (5,62 triệu cổ phiếu).
Vẫn còn sức hấp dẫn?
Nhìn chung, một trong những yếu tố khiến nhóm ngân hàng bị bán mạnh là thông tin hàng chục ngân hàng có dư nợ cho vay hàng trăm ngàn tỷ đồng qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Điều này khiến thị trường suy đoán, nhiều ngân hàng không thu hồi được vốn nếu doanh nghiệp không thanh toán trái phiếu đến hạn vào quý II/2023. Khi đó, nợ xấu sẽ tăng lên, tác động tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng.
Hơn nữa, nhóm ngân hàng trước đó đã ghi nhận đà hồi phục khá mạnh từ giữa tháng 11/2022 đến nay. Cho nên nhóm này bị bán ra cũng là điều dễ hiểu. Dù vậy, nhìn chung các chuyên gia vẫn cho rằng đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn là một chiến lược hợp lý trong bối cảnh hiện tại.
Gần đây, Chính phủ đã có thêm nhiều động thái làm ấm thị trường bất động sản, song chính sách này lại đang tạo cho ngân hàng nhiều ưu thế hơn. Vì các nhà băng đang nắm giữ phần lớn tài sản thể chấp là bất động sản có độ minh bạch và tính pháp lý cao.
“Những chính sách bất động sản càng ra, càng khơi thông kênh này thì ngân hàng lại càng hưởng lợi. Do đó, thay vì lựa chọn đầu tư kênh bất động sản, nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng đang có P/B hấp dẫn và có các câu chuyện riêng về giải quyết các vấn đề ở thị trường bất động sản”, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh hội sở, CTCP Chứng khoán SSI đánh giá.
Mặt khác, khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư thường kỳ vọng 2 điều: sự tăng giá của cổ phiếu và chính sách cổ tức của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu thường bị tác động bởi các yếu tố thị trường, song cổ tức của doanh nghiệp chất lượng tốt là nguồn thu nhập ổn định cho cổ đông.
Nhìn về cổ phiếu ngân hàng, nhóm này đang được đánh giá cao khi P/E về vùng hấp dẫn nhất của thập kỷ. Hầu hết các ngân hàng đang có kết quả kinh doanh tăng trưởng và có kế hoạch trả cổ tức cao cho cổ đông.
Hiện, mùa ĐHCĐ năm nay đã có 9 ngân hàng công bố phương án chia cổ tức năm 2022, 2023. Trong đó, 3 ngân hàng chốt trả cổ tức bằng cả tiền lẫn cổ phiếu cao gồm: ACB, HDBank (HDB) và VIB.
Trong báo cáo phân tích về triển vọng ngành năm 2023, nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect nhận định, ngành ngân hàng vẫn đạt tăng trưởng trong năm nay, dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại, ở mức khoảng 10 - 11% (so với mức 32% của năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn nhấn mạnh sẽ có sự phân hóa lợi nhuận diễn ra giữa các nhóm ngân hàng, rõ nét nhất trong nửa sau năm 2023.
“Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong số nhóm cổ phiếu đáng chú ý trong thời gian tới. Dù vậy, sự phân hóa lợi nhuận sẽ diễn ra. Trong đó, các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt và số dư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu tổng dư nợ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực”, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lưu ý.
Hải Giang