Trái ngược với tín hiệu tích cực trong nước, áp lực tâm lý trên thị trường vẫn khá lớn khi liên tục đón nhận những tin kém tích cực từ một số nhà băng trên thế giới, với những sự kiện Silicon Valley Bank, Signautre Bank, hay mới nhất là Credit Suisse.
Sắc đỏ bao trùm
Theo đó, VN-Index đã có những phiên giảm điểm gây 'choáng váng' cho giới đầu tư. Trong đó, sự “chao đảo” của nhóm cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân chính tác động khá lớn đến chỉ số chính, bởi đây là nhóm ngành “ngốn” thanh khoản bậc nhất thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng đang chịu áp lực lớn cả trong nước và thế giới. (Ảnh minh họa) |
Nhìn chung, tuần giao dịch vừa qua, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm loạt lãi suất điều hành (15/3), nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có phiên giao dịch đầy hưng phấn khi sắc xanh bao trùm hầu hết các mã cổ phiếu, trừ NVB của Ngân hàng Quốc dân đứng giá tham chiếu. Tuy nhiên, các phiên còn lại, nhóm cổ phiếu này giao dịch khá tiêu cực, nếu như không muốn nói là gánh nặng của toàn thị trường.
Cụ thể, mở đầu 2 phiên đầu tuần (13 -14/3), VN-Index ghi nhận 2 phiên đầu tuần liên tục giảm điểm và nhóm ngân hàng là nhóm đè nặng áp lực lên chỉ số chính.
Trong phiên 14/3, gần 20 cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, chiếm áp đảo trong nhóm giao dịch tiêu cực nhất, với các đại diện đến từ các ông lớn như BID (BIDV), VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank), ACB (Á Châu), CTG (Vietinbank), MBB (MB)… Tới phiên 16/3, chỉ duy nhất cổ phiếu EIB của Eximbank giữ sắc xanh.
Còn nhớ, giai đoạn cuối năm 2022, cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức tăng vượt trội so với VN-Index khi có nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh 30 – 40% từ đáy. Giai đoạn này, nhiều ý kiến đánh giá cao vào triển vọng của nhóm cổ phiếu này trong năm 2023.
Tuy nhiên, với những biến động về thị trường tài chính bất ngờ xảy ra trong mấy ngày qua, cho nên dù Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành đã giúp các ngân hàng “dễ thở” hơn nhưng cũng chưa ổn định được tâm lý của các nhà đầu tư trước những rủi ro tiềm ẩn của thị trường tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thực tế, vụ việc SVB phá sản được cho là không ảnh hưởng quá lớn nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, ngay cả khi không có rủi ro hệ thống nào xảy ra, nhưng khó khăn của SVB là một lời nhắc nhở rằng, các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận ngay cả trong môi trường lãi suất cao. Chưa kể ngay sau đó cũng có 2 ngân hàng trên thế giới tiếp theo lâm vào tình cảnh tương tự, dấy lên nghi ngại về hiệu ứng “domino” về rủi ro mang tính hệ thống. Do đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư là điều dễ hiểu.
Mặt khác, NHNN giảm lãi suất điều hành nhưng trần lãi suất huy động không giảm khi kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 6%, trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn giữ nguyên ở mức 1% cho thấy, lãi suất huy động và cho vay có thể giảm nhưng không thực sự nhiều.
Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất tiền gửi vẫn giữ ở mức cao sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng, vốn cũng đang gặp rất nhiều thách thức để đẩy vốn cho vay ra. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng “ngại” trong việc vay vốn khi tiềm ẩn nhiều rủi ro từ việc suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn.
Vẫn còn cơ hội?
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VnDirect cho rằng, diễn biến chất lượng tài sản là “kim chỉ nam” đối với giá cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, giá cổ phiếu ngành ngân hàng có phần phụ thuộc vào diễn biến chất lượng tài sản của ngành nhiều hơn là diễn biến tăng trưởng lợi nhuận. Nhà đầu tư cho rằng, các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện.
Thực tế, trong giai đoạn nửa cuối 2021, nhà đầu tư đã có sự lo ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng hậu đại dịch Covid-19. Theo đó, giá cổ phiếu toàn ngành có sự sụt giảm nhẹ 3% (cuối 2021 so với cuối Q2/21), mặc dù lợi nhuận cả năm vẫn tăng 30% so với cùng kỳ.
Sang 2022, những sóng gió của ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại một lần nữa dấy lên những lo ngại về chất lượng tài sản, và chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực (giảm 22% so với cùng kỳ), bất chấp lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng mạnh 33,7%
Tuy nhiên, Nghị định 08/2023 mới ban hành được đánh giá sẽ giảm bớt một phần những khó khăn nói trên. Bởi khi những chính sách này được triển khai sẽ giúp giảm áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản trong ngắn hạn.
“Nhìn chung, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ”, VnDirect đánh giá.
Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch ở mức khoảng P/E là 8,1 lần và P/B là 1,5 lần, thấp hơn lần lượt 32,1% và 16,4% so với mức trung bình lịch sử 10 năm.
Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, dù triển vọng lợi nhuận năm 2023 không quá tích cực và giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã phục hồi 24% từ vùng đáy giữa tháng 11/2022, nhưng với mức định giá hiện vẫn còn khá hấp dẫn, các thay đổi về chính sách theo hướng tích cực hơn. Đặc biệt, việc NHNN có động thái mềm mỏng hơn đối với tín dụng bất động sản… là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.
“Cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn là cơ hội đầu tư phù hợp cho các nhà đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng được những đợt thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu ngân hàng”, ACBS khuyến nghị.
Dù vậy, ACBS vẫn đưa ra lưu ý rủi ro giảm giá ngành ngân hàng trong ngắn hạn bởi tình trạng dòng vốn tắc nghẽn bị kéo dài gây ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và làm nợ xấu tăng cao đột biến. Ngoài ra, lạm phát ở Mỹ duy trì ở mức cao khiến Fed phải tăng lãi suất lên mức cao và gây áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Hải Giang