Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành mía đường đều đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) niên độ 2020 – 2021 (bắt đầu từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm nay – trùng với vụ mía) với nhiều kết quả khả quan.
Vụ mùa bội thu
CTCP Thành Thành Công Biên Hoà (TTC Sugar – mã: SBT) vừa công bố BCTC niên độ 2020-2021 với doanh thu đạt 14.901 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ và đường vẫn đóng góp chính với tỷ trọng gần 95% doanh thu. Kết quả này nhờ việc tiêu thụ thành công 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với niên độ trước.
Do kiểm soát tốt chi phí đầu vào giúp cải thiện biên lãi gộp, nhờ đó công ty thu về 675 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 86% so với niên độ trước và là mức lợi nhuận kỷ lục của công ty đầu ngành mía đường này.
Nhóm cổ phiếu mía đường đã "ngọt ngào" trở lại nhưng chưa thể hết lo. |
Tương tự, CTCP Mía đường Sơn La (mã: SLS) cũng có một vụ mùa bội thu với doanh thu đạt 801 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 164 tỷ đồng, tăng 38% so với niên độ trước, tương đương EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) đạt 16.729 tỷ đồng.
Được biết, niên độ tài chính 2020-2021, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu mang về hơn 816 tỷ đồng doanh thu và 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 23% và 78% so với thực hiện niên độ tài chính 2019-2020. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 98% mục tiêu về doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế lại gấp 6,3 lần so với con số kế hoạch.
Đại diện của khu vực miền Trung, CTCP Mía đường Lam Sơn (mã: LSS) ghi nhận 1.855 tỷ đồng doanh thu, 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên độ tài chính 2020-2021, tương đương tăng lần lượt 9% và 27% so với cùng kỳ.
Không nằm ngoài diễn biến chung, CTCP Đường Kon Tum (mã: KTS) cũng có kết quả khả quan khi ghi nhận doanh thu thuần hơn 248 tỷ đồng, tăng 62% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 6 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm ngoái và vượt 111% chỉ tiêu lợi nhuận cả niên độ.
Một đơn vị lớn trong ngành khác là CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) có niên độ tài chính thông thường kết thúc vào 31/12 hàng năm nhưng cũng vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 với doanh thu đạt 3.670 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế là 522 tỷ đồng, tăng 19% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Hoạt động của Đường Quảng Ngãi cũng có khác biệt hơn khi bao gồm 2 mảng kinh doanh chính là sữa đậu nành (thương hiệu Vinasoy) và mía đường, bên cạnh đó còn có điện sinh khối, nước giải khát, bia, rượu và bánh kẹo.
Vẫn lo cổ phiếu
Bên cạnh việc đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong niên độ tài chính vừa qua, các doanh nghiệp ngành mía đường còn đón nhận một tin vui khác là Bộ Công thương chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021 với thời hạn áp dụng là 5 năm.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), quyết định này đối với ngành mía đường Việt Nam là một "tia sáng bình minh", báo hiệu cho giai đoạn mới, là mốc lịch sử của ngành.
Các đơn vị phân tích của nhiều công ty chứng khoán cũng đều đưa ra nhận định, việc áp thuế nói trên sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước hồi phục trở lại sau khi chịu cạnh tranh về giá từ đường Thái Lan từ đó tăng lại sản lượng sản xuất và thu hẹp lại khoảng cách giá đường thế giới và Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tăng được giá trị xuất khẩu đường vào thị trường Trung Quốc trong năm nay do quốc gia này đang thiếu hụt vùng nguyên liệu đường nên phải nhập khẩu đường của nước ta.
Những thông tin này đã góp phần giúp nhóm cổ phiếu ngành mía đường bùng nổ cả về thị giá lẫn thanh khoản trong thời gian gần đây và là một trong số ít các ngành thu hút được dòng tiền trong giai đoạn “đen tối” của thị trường hồi tháng 7 vừa qua.
Theo đó, có mức tăng ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu KTS và QNS với mức tăng lần lượt là 27% và 18,7% kể từ đầu tháng 6 tới nay. Tương tự, cổ phiếu LSS cũng tăng 16%, SLS tăng 12,5%, SBT dù là “ông lớn” nhưng lại có mức tăng thấp nhất là 4,14%.
Dù đang được đánh giá là có triển vọng tươi sáng trong giai đoạn tới nhưng vẫn có vấn đề các nhà đầu tư cần phải quan tâm đối với các doanh nghiệp ngành mía đường, đó chính là tình trạng đường Thái Lan lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng cách mượn xuất xứ các nước trong khối ASEAN để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.
Từ đây, đường nhập lậu sẽ tiếp tục lũng đoạn giá, đường sản xuất trong nước vẫn không tiêu thụ được, doanh nghiệp và nông dân tiếp tục gặp khó khăn.
"Việc áp thuế này là sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, mới chỉ đưa ngành mía đường Việt Nam về điều kiện công bằng, trong khi bản chất gian lận thương mại là khi chúng bị ngăn lại thì lại lẩn tránh bằng cách khác", Quyền Tổng Thư ký VSSA chia sẻ.
Những vấn đề này có thể sẽ là trở ngại thu hẹp dòng chảy của nguồn tiền trên thị trường chứng khoán vào doanh nghiệp ngành mía đường.
Minh Khuê